Chủ Nhật, 13/09/2015 | 14:26

Ảnh: MH (nguồn Internet)Ảnh: MH (nguồn Internet)

Việc vệ sinh răng miệng bằng cách chải răng và sử dụng chỉ nha khoa đúng cách là phương pháp phổ biến và dễ dàng nhất nhằm phòng ngừa các bệnh về nướu răng.

Một số vấn đề sức khỏe hoặc biến chứng bệnh lý có ảnh hưởng đến nhiều vấn đề răng miệng, trong đó có các bệnh lý về nướu răng. Vì vậy, trong một số trường hợp tình trạng sức khỏe của nướu yếu đi có thể là do các bệnh lý khác – nghiêm trọng hơn.

1. Thế nào là bệnh về nướu răng ?

Ước tính có khoảng 75% người Mỹ và 90% người Việt Nam mắc phải các bệnh nướu răng, bệnh lý thường được chia làm 2 loại:

– Viêm nướu: Đây là giai đoạn bắt đầu của các vấn đề về sức khỏe của nướu và thường không được phát hiện. Nguyên nhân chủ yếu là từ vi khuẩn có trong mảng bám thức ăn, vôi răng hoặc các vùng nhiễm trùng trong miệng. Nếu được điều trị trong giai đoạn này, nướu có khả năng hồi phục như ban đầu (hoàn nguyên).

– Viêm nha chu: Tình trạng xảy ra khi viêm nướu không được điều trị. Viêm nha chu có nhiều cấp độ, nhưng thường dẫn đến hiện tượng viêm mạn tính – gây mất xương và mô liên kết ở vùng nhiễm trùng trong miệng. Hậu quả cuối cùng là sự mất răng và xương ổ răng.

Bệnh nướu răng có các biểu hiện sau:

– Đỏ, chảy máu và/hoặc sưng nướu.

– Hơi thở có mùi hôi.

– Răng lung lay do tụt nướu.

– Răng nhạy cảm; răng bị áp xe.

– Mất răng.

Những yếu tố góp phần làm nặng thêm tình trạng bệnh lý của nướu:

– Hút thuốc lá.

– Nghiến răng.

– Sử dụng một số loại thuốc các tác dụng phụ như: làm giảm lưu lượng nước bọt, xạ trị…

– Di truyền.

2. Sức khỏe của nướu răng và một số bệnh lý liên quan

Những nghiên cứu gần đây cho thấy các vấn đề nướu răng là dấu hiệu cảnh báo cho sự đe dọa của một số bệnh lý, như là:

– Bệnh tim mạch và đột quỵ: Một số nghiên cứu cho rằng sự viêm nhiễm ở vùng nướu răng có thể tạo ra đáp ứng nhiễm trùng mạn tính ở một số cơ quan khác trong cơ thể – mà nó có thể là các yếu tố nguy cơ gây ra bệnh tim mạch và đột quỵ.

– Đái tháo đường: Bệnh nhân cần chế độ chăm sóc răng đặc biệt, vì rất dễ viêm nướu hoặc nha chu do nồng độ glucose tăng cao trong máu.

– Suy thận mạn tính: Một nghiên cứu của Đại học Case Western Reserve chỉ ra rằng những người mất toàn bộ răng (edentulous) dễ mắc các bệnh thận mạn tính hơn những người còn răng đầy đủ

– Trẻ sinh non: Một số nghiên cứu cho thấy những bà mẹ bị viêm nha chu có khả năng sinh non (sinh trước tuần 37 của thai kỳ) gấp 3 lần so với các bà mẹ khác, trong khi đó, phụ nữ lại thường dễ bị viêm nướu trong thai kỳ.

3. Điều trị các bệnh nướu răng

Bà Nguyễn Vũ Xuân Huy cho biết: “Tùy theo loại viêm nướu răng mà chúng ta có những cách điều trị khác nhau”. Sau đây là một số cách điều trị thông thường:

– Loại trừ các mảng vôi răng hình thành do các mảng thức ăn bám vào bằng cách cạo vôi răng định kỳ bởi nha sĩ.

– Sử dụng một số loại thuốc, như nước súc miệng có chứa chlorhexidine, được bác sĩ chỉ định nhằm tiêu diệt các vi khuẩn trong miệng, kết hợp với việc dùng chỉ nha khoa và chải răng hằng ngày.

– Can thiệp bằng phẫu thuật: cần thiết trong một số trường hợp muốn chấm dứt hoặc làm giảm thiểu quá trình phát triển viêm nha chu. Và có thể dùng trong trường hợp cần bù đắp thêm xương do sự mất xương ở giai đoạn viêm nha chu nghiêm trọng.

Việc vệ sinh răng miệng bằng cách chải răng và sử dụng chỉ nha khoa đúng cách là phương pháp phổ biến và dễ dàng nhất nhằm phòng ngừa các bệnh về nướu răng.

Tuy nhiên, lấy vôi răng định kỳ hằng năm là điều thực sự rất quan trọng và cần thiết, nhằm loại trừ các mảng bám và ngăn bệnh lý nha chu phát triển. Chú ý hơn về vấn đề răng miệng cũng là cách đạt được sức khỏe toàn diện.

Chưa có bình luận.

Tin khác
Chúng tôi trên Facebook