Thứ Sáu, 07/04/2017 | 06:55

Mỗi ngày các chị em chỉ nên uống 1 – 2 cốc nước sấu pha loãng, không uống khi đói và chú ý nên ngâm, bảo quản nước sấu trong các bình thủy tinh để đảm bảo an toàn.

Khi nhắc đến đồ uống giải nhiệt dân dã, sấu ngâm là thứ nước quen thuộc với người dân đồng bằng Bắc Bộ hơn cả. Vào những tháng hè, quả sấu lại được người dân thu hoạch và sử dụng trong việc ăn uống hàng ngày. Để cất trữ thứ quả chua ngon, mát lành này, hầu hết các chị em đều gọt vỏ sấu rồi trữ đông hoặc ngâm đường để làm nước uống.

Vì nước sấu ngâm có nhiều công dụng tốt cho sức khỏe như giải nhiệt, chữa đau họng, ngứa cổ, tăng cường hệ tiêu hóa… nên các chị em thường có xu hướng uống nhiều, đặc biệt là vào những ngày đầu hè oi bức khó chịu. Tuy nhiên, việc uống nhiều nước sấu cũng không tốt cho sức khỏe, đặc biệt là đối với những người có vấn đề về dạ dày, đường ruột.

Lương y Nguyễn Đức Nghĩa cho biết: “Quả sấu có vị chua ngọt, tính mát. Quả sấu khi chín dùng để ăn ngay hoặc làm mứt sẽ chữa được bệnh ngứa cổ, giải nhiệt. Nếu sấu dầm với gừng, đường và ớt sẽ có tác dụng tiêu thực rất tốt. Khi ngâm sấu với đường làm nước uống cũng có thể giúp giải nhiệt tốt, hỗ trợ được tiêu hóa. Tuy nhiên, nên uống vừa phải thứ nước này vì chúng được ngâm với rất nhiều đường, dù bảo quản được dinh dưỡng nhưng hàm lượng đường cực cao khi đi vào cơ thể cũng có thể tăng lượng đường trong máu. Vậy nên người tiểu đường, có bệnh huyết áp nên tránh dùng nước sấu ngâm nói chung và các loại quả ngâm đường nói riêng”.

Cũng theo lương y Nguyễn Đức Nghĩa, quả sấu là loại quả lành nên bất cứ ai cũng có thể ăn được. Nhưng vì chúng có vị chua, có tính axit nên những người gặp vấn đề về dạ dày nên tránh.

Sấu cũng giống nhiều loại quả mùa nắng khác như mận, mơ, dâu tằm đều chứa một lượng đường nhất định. Lượng đường này khi ngâm một thời gian có thể lên men, nếu uống nhiều cũng có thể gây say nhẹ. Vậy nên mỗi ngày chỉ nên uống độ 1 – 2 cốc nước sấu pha loãng là đủ tốt cho cơ thể.

Nước sấu ngon đến mấy mà không nhớ điều này cũng khiến cho dạ dày đau bất thình lình

Theo PGS – TS Nguyễn Duy Thịnh (Viện Công nghệ Sinh học và Thực Phẩm, ĐH Bách khoa Hà Nội), việc ngâm quả sấu để lấy nước uống là phương pháp giải khát hiệu quả và rất tốt cho sức khỏe. Tuy nhiên, ngoài việc sử dụng nước sấu điều độ mỗi ngày thì GS Thịnh cũng đưa ra một số lưu ý trong việc ngâm nước sấu đúng cách và an toàn.

“Nhiều người ngâm sấu để lấy nước uống nhưng cũng có thể ngâm cả thịt quả để ăn. Nhưng thực tế, việc ngâm quả vào đường là để trích ly dịch quả. Nếu thấy quả sấu hoặc những loại quả khác như mơ, mận sau một thời gian ngâm đã teo tóp xác lại thì nên gạn bỏ phần xác, lấy phần nước rồi cất vào tủ lạnh bảo quản dùng dần” – GS Thịnh cũng cho biết, nên hạn chế sử dụng các bình nhựa để đựng nước ngâm quả sấu.

Ông Thịnh khuyên: “Hiện trên thị trường có rất nhiều loại hộp nhựa, bình nhựa không rõ nguồn gốc. Có một số loại nhựa nhìn có vẻ rất sạch sẽ nhưng lại thuộc loại không được phép tiếp xúc với thực phẩm. Việc quản lý những hộp nhựa như thế này chưa được chặt chẽ nên mọi ngườinên hạn chế. Tốt nhất là dùng các bình thủy tinh để ngâm nước sấu”.

Ngoài ra, GS Thịnh cũng cho biết, có thể dùng các loại bình gốm sứ có tráng men để ngâm nước sấu nhưng cần tránh những loại bình như chum sành. GS Thịnh cho hay:”Không nên dùng những loại bình như chum sành để ngâm nước sấu hay các loại quả chua. Vì những quả chua khi ngâm trong loại chum sành có thể phơi nhiễm các chất có trong đất làm nên sành. Nếu chất lượng đất bảo đảm thì không sao, nhưng nếu đất bị nhiễm kim loại nặng thì sẽ không tốt cho thực phẩm”.

Nói về những lưu ý khi bảo quản nước sấu, GS Thịnh cho biết: “Thực tế, quả được ngâm đường để trích ly chất dinh dưỡng thì sẽ bảo toàn được dinh dưỡng của quả. Nếu ngâm được nửa năm hay hơn 1 năm đi nữa thì lượng dinh dưỡng này không tăng lên được mà chỉ giữ nguyên thôi. Vậy nên thay vì cứ để nước sấu trong bình trong thời gian quá dài thì chúng ta nên sử dụng dần dần mỗi ngày cho đến khi hết.

Mặc dù đường ngâm sấu có thể ức chế vi sinh vật phát triển, giúp bảo quản tốt sấu nhưng mở nắp để lấy nước sấu nhiều lần cũng có thể làm tăng khả năng nhiễm khuẩn. Vậy nên hãy vệ sinh kỹ dụng cụ lấy nước, tốt nhất là nên gạn lấy nước cho vào chai lọ có cổ nhỏ để dễ rót và dễ cất”.

Lương Chi

Nguồn: Emdep

Chưa có bình luận.

Tin khác
Chúng tôi trên Facebook