Cứa dao lam vào tay, tự tát vào mặt hay cấu véo cơ thể là cách mà nhiều người bị rối loạn tâm lý do stress vẫn làm để tự giải thoát khỏi những căng thẳng.
Sở thích tự làm đau bản thân
Mang tâm trạng buồn chán không thể tự giải quyết được, nữ sinh viên 21 tuổi nảy ra ý tưởng cắt tay bằng dao lam. Khi vào viện, trên cổ tay cô gái trẻ có tới 16 vết cắt rỉ máu.
Theo lời bố mẹ, bệnh nhân này ngoan, hiền, học giỏi và muốn được đi du học nhưng do gia đình không có đủ điều kiện nên ước mơ không thành hiện thực. Sau khi học xong phổ thông, bệnh nhân đỗ Đại học nhưng vẫn nuôi mơ ước được đi du học.
Trong khi có suy nghĩ đó, bệnh nhân có những giằng xé, ức chế về tâm lý không biết tâm sự với ai. Điều này khiến cho bệnh nhân thường xuyên hồi hộp, khó thở.
Chia sẻ với bác sĩ, bệnh nhân cho biết mỗi lần cắt tay như vậy không hề cảm thấy đau, ngược lại còn thấy trong lòng nhẹ nhàng hơn.
Sau khi vào viện khi được sự quan tâm của gia đình và bác sĩ, bệnh nhân không tự cắt tay nhưng có cơn rối loạn tâm lý để gây ra sự chú ý. Bệnh nhân hiện nay đã được điều trị ổn định tâm lý.
Bệnh gặp ở mọi lứa tuổi, bệnh nhân nhỏ tuổi nhất tới khám là 3 tuổi. Bé được gia đình rất nuông chiều luôn đòi đi chơi. Khi không được đi chơi, trẻ tự cấu véo làm đau mình để gây sự chú ý. Trẻ làm như vậy trong 2-3 ngày khiến gia đình lo lắng phải đưa đi khám.
Tự ngược đãi bản thân có nguy hiểm?
Theo TS. Dương Minh Tâm, Viện sức khỏe Tâm thần (Bệnh viện Bạch Mai), trong bối cảnh áp lực cuộc sống như hiện nay, hội chứng tự làm đau bản thân là vấn đề rất đáng quan ngại. Tự ngược đãi bản thân là hình thức tự làm “đau” về cả thể chất hoặc tinh thần.
Tự làm đau bản thân thường gặp ở giới trẻ do bị những ức chế về tâm lý không thể giải tỏa được.
Bệnh nhân mắc phải hội chứng tự ngược đãi bản thân sẽ dùng dao (dao lam), mảnh sành, mảnh sứ tự rạch vào da thịt cho chảy máu, giật tóc, tát vào má mình để được thỏa mãn cho bản thân. Hoặc một người bệnh có thể tự đặt ra những hình phạt không phù hợp cho mình…Về mặt tinh thần, bệnh nhân có thể tự gây tổn hại về tinh thần đưa mình vào nhiều hoàn cảnh cấm đoán để chịu khổ sở.
“Sau mỗi lần làm tổn hại bản thân, bệnh nhân thấy tâm trạng thoải mái hơn, nên có xu thế tái diễn hành động này để giải phóng sự ức chế”, TS. Dương Minh Tâm nói.
TS. Dương Minh Tâm cho biết, có thể nhận biết người mắc hội chứng tự ngược đãi bản thân qua các rối loạn tâm lý. Người bệnh thường xuyên cảm thấy mệt mỏi, có cảm giác buồn chán. Giấc ngủ kém, cảm xúc ức chế hầu như chiếm hết thời gian của bệnh, có thể kèm trạng thái lo âu.
Những triệu chứng của cơ thể sẽ thể hiện rõ ở một số cơ quan như: tim đập không đều, nhịp nhanh, đánh trống ngực, cảm thấy căng tức ở bầu ngực trái, tăng huyết áp. Bệnh nhân sẽ có cảm giác mỏi đầu gối, bức rứt, căng cơ, cảm giác liệt, đau ở khớp, tay và chân, cảm giác kiến bò và tê. Họ thường có cảm giác thấy thở khó và nông, sợ chết ngạt. Ăn uống thường có cảm giác buồn nôn, đau dạ dày, tiêu chảy. Một số bệnh nhân sẽ có những rối loạn của hệ thần kinh trung ương như: chóng mặt, cảm giác ruồi bay trước mắt, nhìn khó, nhìn đôi, đau đầu, mất ngủ, tập trung kém, mệt, yếu…
TS. Dương Minh Tâm cho hay, stress tâm lý kéo dài sẽ dễ gây ra hội chứng tự ngược đãi bản thân. Trạng thái ức chế tâm lý khiến người bệnh tự loại trừ bản thân mình. Tự ngược đãi bản thân còn gặp ở một số người cố gắng làm để thu hút sự chú ý của những người xung quanh.
Các chuyên gia khuyến cáo, hiện nay, trẻ vị thành niên đối diện với nhiều stress ở nhà và ở trường. Đây là nguyên nhân chủ yếu dẫn đến chứng/bệnh tự ngược đãi bản thân ở tuổi teen.
Ngọc Minh
Nguồn: Emdep
Chưa có bình luận.