Chủ Nhật, 20/05/2018 | 07:31

Trong những ngày thời tiết nóng nực, cơ thể chúng ta rất dễ bị mất nước hoặc khiến nhiệt độ cơ thể cũng tăng cao. Khi ấy cơ thể sẽ bị một loạt những bất ổn như chuột rút, mệt mỏi, say nắng…

Nếu bạn đã có sẵn những chứng bệnh mãn tính thì tình trạng bệnh càng “bát nháo” hơn trong những ngày nóng bức. Vì vậy, cần phải biết… nóng biết ta để tránh bớt lụy phiền.

Điều gì xảy ra cho cơ thể khi thời tiết quá nóng?

Điều quan trọng cần lưu ý là nhiệt độ của cơ thể nằm trong khoảng 36,1 – 37,80C. Nếu nhiệt độ cơ thể cao hơn con số này thì dẫn đến hiện tượng say nóng (heatstroke) vốn có nguy cơ tử vong cao nếu không được cứu chữa kịp thời. Khi thời tiết quá nóng, cơ thể chúng ta sẽ hoạt động nhiều hơn, đồng thời sẽ tạo ra nhiều mồ hôi để giúp cơ thể được “nguội” hơn.

Tuy nhiên, trong một số điều kiện, sự tiết mồ hôi xảy ra bị hạn chế khiến cho nhiệt độ cơ thể càng tăng nhanh. Điều này thường xảy ra khi khí hậu nóng ẩm hoặc khi cơ thể bị mất quá nhiều nước nên không còn “vốn” để tiết ra mồ hôi. Sự tiết mồ hôi bị hạn chế thường gặp ở  nhóm người cao tuổi hoặc những người đang phải sử dụng  thường xuyên một số loại dược phẩm. Riêng trẻ em thì sự sản xuất mồ hôi rất hạn chế và nhiệt độ cơ thể sẽ tăng một cách rất nhanh chóng.

Nóng quá  cũng khổ!Khi một cơ thể bị say nóng, nếu không được cứu chữa đúng và kịp thời thì xác suất tử vong rất cao

Nếu phải hứng chịu những đợt nắng nóng kéo dài, những người đang mang sẵn những căn bệnh khó trị thì bệnh tình càng trở nên tồi tệ hơn, ví dụ như nắng nóng có thể “kích động” nhồi máu cơ tim hoặc, có thể gây ra những tổn thương vĩnh viễn chẳng hạn như tổn thương não hoặc tổn thương những cơ quan, bộ phận quan trọng trong cơ thể. Khi một cơ thể bị say nóng, nếu không được cứu chữa đúng và kịp thời, xác suất tử vong rất cao. Để bảo vệ sức khỏe, cần phải uống nhiều nước, tránh uống rượu bia và nước uống có gas vì những loại thức uống này càng làm cho cơ thể bị mất nước, dấu hiệu cơ thể bị mất nước dễ nhận biết nhất là nước tiểu có màu sậm.

Ai dễ bị “thiệt thòi” do nắng nóng?

Những nhóm người sau đây cần phải được quan tâm đặc biệt đến sức khỏe trong những ngày nóng bức. Đó là những bậc cao niên trên 75 tuổi, trẻ em và trẻ sơ sinh, người sống độc thân hoặc sống một cách tự cô lập, những người quá cân hoặc béo phì, phụ nữ có thai và cho con bú, những người không thích… uống nước, những người làm việc trong điều kiện khí hậu oi bức ví dụ như làm việc ở công trường, nông trường, cứu hỏa, luyện tập thể thao đường trường… Nhóm người cần được đặc biệt quan tâm đến trong những ngày nóng bức là những người không may “ôm” những chứng bệnh như: bệnh tim mạch, cao huyết áp, bệnh đái tháo đường, bệnh thận, bệnh tâm thần, bệnh mất trí, người nghiện rượu… Những chứng bệnh cấp tính cũng gây bất lợi cho bệnh nhân khi thời tiết nóng bao gồm nhiễm trùng, sốt, tiêu chảy, ói mửa…

Thuốc men ngày nóng

Trong những ngày khí hậu nóng nực, nhiệt độ ở nơi bảo quản thuốc có thể tăng lên cao hơn 300C, làm cho thuốc bị thay đổi lý tính, hóa tính, làm giảm tác dụng thuốc thậm chí gây nguy hiểm đến tính mạng cho người sử dụng thuốc.

Các hãng bào chế dược phẩm đề nghị người sử dụng thuốc cần bảo quản thuốc ở nhiệt  độ  từ 200C cho đến 250C. Trong quá trình vận chuyển  với thời gian ngắn thì thuốc có thể cất giữ ở nhiệt độ 300C.

Điều này càng quan trọng đối với bệnh nhân bị những căn bệnh mãn tính như đái tháo đường và tim mạch. Khi một liều thuốc bị biến chất, chẳng hạn như insulin hoặc nitroglycerin thì có thể khiến bệnh nhân “chết như chơi”. Những loại thuốc thông thường khác, nếu bị biến chất cũng sẽ gây nên những tác dụng vô cùng nguy hại. Đôi khi nhìn vào màu sắc viên thuốc hoặc thuốc nước thấy không có gì thay đổi, bệnh nhân nghĩ rằng thuốc vẫn còn tốt nhưng thật sự chúng đã ít nhiều biến chất nếu được bảo quản ở nhiệt độ không thích hợp. Vì vậy, người sử dụng thuốc cần phải được sự tư vấn của dược sĩ nhà thuốc về cách bảo quản thuốc trong điều kiện khí hậu oi bức.

DS. NGUYỄN BÁ HUY CƯỜNG (Australia)


Nguồn: SKĐS

Chưa có bình luận.

Tin khác
Chúng tôi trên Facebook