Theo y học cổ truyền, ngũ tạng tàng trữ sinh khí cho cơ thể. Muốn được khỏe mạnh, nhất định cần phải biết dưỡng chúng thế nào.
Trong môi trường xã hội bận rộn ngày nay, ngũ tạng luôn phải nhận những loại gánh nặng mà đáng ra không nên nhận. Có những thói quen sinh hoạt không tốt dần dần làm tổn hại tới lục phủ ngũ tạng và sức khỏe một cách âm thầm lặng lẽ.
1. “Gan – tướng quân” sợ bị ứ trệ
Theo y học cổ truyền, gan thuộc về mộc, cũng giống như một cái cây. Cổ nhân xem lá gan ví như một vị “tướng quân”, dùng hình ảnh của vị tướng dễ nổi nóng, tính cách không điềm tĩnh để hình dung đặc tính sinh lý của lá gan. Cảm xúc thay đổi, đặc biệt là u buồn lo nghĩ rất có thể làm cho việc vận hành điều tiết của lá gan bị ứ trệ. Chỉ khi không bị ứ trệ, thì cơ thể mới khỏe mạnh thoải mái, giống như cái cây khi đó mới có thể phát triển bình thường.
Những thói quen làm cho gan bị “ứ trệ”:
Uống nhiều rượu bia. Nếu uống một lượng rượu bia vừa đủ có thể giúp hoạt huyết, nhưng nếu uống nhiều, sẽ làm rối loạn chức năng gan.
Tâm tính chán nản hại gan. Các trạng thái cảm xúc như chán nản, tức giận, hẹp hòi… cũng đều làm ảnh hưởng tới chức năng của gan. Khi đó sẽ xuất hiện một loạt các triệu chứng như đau dạ dày, đau đầu, cao huyết áp…
Mắt làm việc nhiều cũng làm ảnh hưởng tới gan. Trong gan có lưu trữ rất nhiều tia mạch máu, có tác dụng chủ yếu là giúp cho mắt được sáng. Thường xuyên xem ti vi, ngồi máy tính nhiều, cũng dễ dẫn đến mắt hoạt động quá sức, gây ra thiếu máu.
Lời khuyên của chuyên gia:
Nên giữ tâm thái cởi mở vui vẻ, không được để mình trở thành nô lệ của tình cảm, không được tức giận quá 3 phút, không đưa ra quyết định mù quáng khi đang tức giận.
Tâm thái cởi mở vui vẻ sẽ tốt cho ngũ tạng. (Ảnh: Facebook)
2. “Tim – quốc vương” sợ mệt mỏi
Tim thuộc hỏa, là cơ quan trọng yếu nhất trong ngũ tạng, vì nó chỉ huy toàn bộ các cơ quan nội tạng khác làm việc. Đây là cơ quan cân bằng trong bộ máy điều tiết cơ thể. Nên tim cũng tương đương như vị vua của một nước. Khi khí huyết ở tim đầy đủ, sắc mặt sẽ hồng hào. Còn ngược lại sẽ xuất hiện các triệu chứng như mệt mỏi… Vì vậy, một vài thói quen xấu làm tổn thương tới “trái tim” cần phải đặc biệt chú ý.
Tiếp nhận quá nhiều thông tin cũng không tốt. Trong cuộc sống hiện đại, mỗi ngày chúng ta đều gặp rất nhiều vấn đề khác nhau, điều này tạo ra nhiều loại trạng thái cảm xúc. Khi cảm xúc thay đổi đều làm loạn tâm, bi ai ưu sầu là do tâm động, tâm động thì lục phủ ngũ tạng đều động. Từ đó sẽ gây ra áp lực làm cho trái tim bị mệt mỏi. Mệt mỏi đáng sợ nhất của con người là mệt mỏi trong tâm. Không làm cho tâm tĩnh tại thì sẽ làm mất cân bằng các cơ quan khác trong cơ thể.
Lời khuyên của chuyên gia:
Dưỡng tâm, phương pháp hiệu quả nhất là nằm hoặc ngồi tĩnh tọa 30 phút vào buổi trưa, nhưng không nên đi ngủ ngay sau khi ăn trưa. Tập một số bài tập thể dục nhẹ nhàng, thường xuyên tiếp xúc với ánh nắng mặt trời buổi sớm, cũng tốt cho tim.
Khoa học chứng minh thiền định có thể sản sinh năng lượng siêu thường. (Ảnh: Jeff Nenarella/Đại Kỷ Nguyên)
3. Tỳ vị kỵ lạnh
Theo Trung y, lá lách thuộc thổ, mỗi ngày đều cần chú ý điều dưỡng. Tỳ, thực tế là bao gồm 2 cơ quan lách và tụy, và thường cùng với vị (dạ dày) làm thành một chỉnh thể. Bởi nó là chủ thể của cơ quan tiêu hóa giúp hấp thụ thức ăn tốt hay không, là chịu trách nhiệm cung ứng dinh dưỡng cho cơ thể. Những thói quen xấu làm tổn hại đến tỳ chủ yếu là liên quan đến việc ăn uống.
Ăn đồ sống quá, ăn đồ lạnh quá, cũng làm ảnh hưởng tỳ vị. Những thực phẩm sống, thực phẩm lạnh sẽ đưa hơi khí lạnh vào cơ thể, dễ làm tổn thương tỳ vị. Hơn nữa, con người cần ăn uống điều độ, không nên ăn quá no, không nên kén chọn đồ ăn, cũng không nên ăn uống một cách vô độ mà ảnh hưởng rất lớn đến tỳ vị.
Theo y học cổ truyền, suy nghĩ nhiều cũng làm tổn hại tới lách, nếu suy nghĩ quá nhiều, làm hư hao khí huyết, từ đó ảnh hưởng đến quá trình hô hấp và tiêu hóa. Một số loại thuốc tây cũng làm hại lách và dạ dày. Ví dụ như ferrous sulfate, guanethidine, hay aspirin có thể gây kích ứng dạ dày. Một số loại thuốc đông y trị cảm lạnh có vị đắng như là rễ bản lam… đối với những người yếu, thường bị đi ngoài không nên tự ý sử dụng lâu ngày.
Lời khuyên của chuyên gia:
Theo Trung y, ăn đồ ngọt sẽ tốt cho lách, ăn đồ ngọt có thể bổ sung hỗ trợ khí huyết, điều hòa tỳ vị, nên ăn vừa đủ lượng thực phẩm ngọt, ví dụ như củ từ, khoai lang… Đối với những bệnh nhân tỳ vị kém từ 7 – 9 h sáng nên ăn một ít cháo trắng, sẽ rất tốt cho tỳ vị.
4. Phổi sợ môi trường ô nhiễm
Phổi cũng giống như một chiếc ô lớn, bao bọc ở trên lục phủ ngũ tạng, trong ngũ hành, phổi thuộc kim, phổi là cơ quan chủ quản giúp điều tiết hô hấp, khi hô hấp bình thường thì ngũ tạng mới hoạt động bình thường được. Hô hấp kém cũng sẽ ảnh hưởng đến tuổi thọ.
Hút thuốc lâu ngày có tác dụng rất không tốt tới phổi, cả Đông y và Tây y đều nhận định, hút thuốc có thể làm tổn thương rất lớn tới phổi. Ở lâu trong môi trường ô nhiễm cũng ảnh hưởng tới phổi, không khí trong lành sạch sẽ là môi trường mà lá phổi chúng ta yêu thích nhất. Sống trong môi trường dày đặc khói thuốc lá lâu ngày, sẽ làm hư tổn tới phổi rất nhiều. Theo “Hoàng đế nội kinh”, nếu ưu phiền đau buồn quá cũng làm ảnh hưởng nghiêm trọng tới chức năng của phổi.
Lời khuyên của chuyên gia:
Sáng sớm khi thức dậy có thể tìm một nơi không khí trong lành để hít thở sâu. Ăn nhiều các loại rau và hoa quả chứa các loại vitamin C. Vào mùa thu, có thể ăn nhiều ngân nhĩ và quả lê để thanh nhiệt. Cũng theo Trung y, thường xuyên cười đùa cũng giúp tâm thái vui vẻ, không nói lời bất hảo là bí kíp để điều dưỡng khí cho lá phổi.
Hít thở không khí trong lành để điều dưỡng khí cho lá phổi. (Ảnh: Shutterstock)
5. Thận không thể thiếu nước
Thận là cơ quan chủ quản của kho tàng sinh trưởng và phát triển, điều tiết và quyết định chức năng của cơ quan sinh sản trong cơ thể con người. Vì vậy, để bảo vệ thận nhất định cần bỏ đi những thói quen sinh hoạt không tốt.
Theo y học cổ truyền, nên ăn nhạt một chút để bảo vệ thận, với những người không thích uống nước, cũng sẽ không tốt cho thận, thức đêm nhiều, làm việc thâu đêm, hoặc có nhiều hoạt động hát hò sinh hoạt về đêm cũng làm tổn thương tới thận. Làm thận dương bị thương tổn, gây ra viêm nhiễm, bốc hỏa khí. Khi ở trạng thái kích thích vui vẻ quá mức cũng sẽ làm hư tổn khí của thận, tinh lực sẽ dễ dàng bị hao tổn. Phải điều tiết sắc dục để bảo vệ thận, không dâm dục quá độ, cũng không cấm dục, tinh khí của thận sẽ bảo toàn, thận tự nhiên khỏe mạnh
Lời khuyên của chuyên gia:
Mỗi ngày có thể tập cách nghiến chặt răng và sau đó mở ra khoảng 100 lần, để phòng tránh khí thận bị hao tổn. Có thể dùng nước ấm để ngâm chân, massage lòng bàn chân, cũng có chức năng hỗ trợ các chức năng của thận hoạt động được tốt. Về ăn uống, nên ăn nhiều các loại quả hạch; khi uống trà có thể cho thêm kỷ tử cũng sẽ giúp bổ thận.
Theo Secretchina
Kiên Định biên dịch
Nguồn: ĐKN
Chưa có bình luận.