Thứ Năm, 08/09/2016 | 09:36

Sau nhiều tuần đăng tải, chuyên đề ‘Nói không với bệnh ung thư’ đã nhận được nhiều câu hỏi của độc giả gửi đến GS-BS Nguyễn Chấn Hùng. Chúng tôi xin đăng chọn lọc một số câu hỏi tiêu biểu như sau:

Hỏi: Hiện nay có nhiều quan niệm sai lầm phổ biến trong chế độ ăn cho bệnh nhân ung thư, như kiêng ăn, thậm chí kiêng tuyệt đối thịt, rau có màu đỏ để hạn chế ung thư phát triển… Điều này có đúng không? Ngoài ra, đang điều trị ung thư có nên tập thể dục? Với người bình thường, tập thể dục thường xuyên có làm giảm nguy cơ mắc bệnh ung thư không? Xin cảm ơn.

Những thắc mắc thường gặp về ung thư

Đáp: Ung thư có nhiều loại, trị liệu khác nhau thì ăn uống sinh hoạt cũng khác. Trước khi điều trị (nhất là mổ), người bệnh nên ăn uống đầy đủ tinh bột (cơm, bánh mì), chất đạm (cá, thịt, đậu hũ…), chất béo (mỡ, dầu) và rau trái, mới có sức chịu nổi việc điều trị khá “nặng tay”.

Trong lúc điều trị, tùy theo loại bệnh mà ăn uống. Điều trị ổn định rồi thì nên ăn lành. Không cần kiêng cử quá như ăn chay trường triệt để hay “gạo lức muối mè” thì dễ thiếu chất. Cũng đừng cầu kỳ chọn thực phẩm quý, đắt tiền “ngừa ung thư” hay thực phẩm chức năng quảng cáo rầm rộ nhưng không nhiều hiệu quả. Ăn đủ, ăn lành nhiều rau trái củ tươi, cá nhiều hơn thịt, nhưng không tuyệt đối bỏ thịt, kể cả thịt đỏ. Tránh ăn quá nóng, quá cháy, quá mặn, quá ngọt, quá béo. Uống cho đủ nước trong ngày.

Người đang điều trị ung thư cũng nên vận động nếu sức khỏe cho phép. Khi sức khỏe ổn định sau điều trị thì rất nên tập thể dục nhẹ nhàng và đều đặn mỗi ngày. Người bình thường tập thể dục là điều thật quý giúp tránh được nhiều bệnh, kể cả bệnh ung thư. Nên nhớ bài thuốc quý trời cho: “ăn lành, ngủ đủ, tập đều, sống vui”.

Hỏi: Chào BS, làm sao để biết sớm ung thư? Ung thư có lây nhiễm trong sinh hoạt bình thường và trong quan hệ vợ chồng?

Đáp: Ung thư không lây từ người này sang người khác trong sinh hoạt bình thường kể cả trong quan hệ vợ chồng. Về cách phát hiện sớm ung thư, xin xem lại bài viết Làm sao biết sớm ung thư (đăng ngày 3.7.2013) và cần lưu tâm đến các vấn đề bệnh nhiễm gây ung thư (xem bài Tránh xa những kẻ quấy rối vô hình, ngày 7.8.2013).

Hỏi: Thưa BS, bệnh ung thư có yếu tố di truyền không? Cụ thể là những bệnh ung thư nào? Làm cách nào để phòng ngừa các bệnh này?

Đáp: Phải phân biệt di truyền và gia truyền. Ung thư nào cũng do sự xáo trộn gien hay yếu tố di truyền. Nhưng các ung thư truyền từ cha mẹ sang con cái mới là gia truyền (chiếm 10%). Có vài loại gia truyền như ung thư vú, ruột già, tuyến giáp, ung thư mắt của trẻ em… nhưng đừng quá sợ, vì có loại bệnh rất hiếm như đa pôlýp gia đình mới gây ung thư ruột, hay ung thư dạng tủy của tuyến giáp chỉ chiếm tỷ lệ rất nhỏ. Hiện không phòng ngừa được ung thư gia truyền, nhưng có thể lưu tâm khám sức khỏe định kỳ và biết cách rà tìm khi bệnh chưa có triệu chứng hoặc lưu ý các triệu chứng báo động.

(Theo Thanh niên)

Mọi ý kiến đóng góp, bài vở, hình ảnh, clip đồng hành cùng Chiến dịch “Chống thực phẩm bẩn” xin quý vị vui lòng gửi về địa chỉ:

Tòa soạn Emdep.vn

Địa chỉ: Tầng 3- Tòa nhà Đại Phát – Ngõ 82 Duy Tân – Hà Nội

Điện thoại: 0437959783

Email: toasoan@emdep.vn,banbientap@i-com.vn

Hotline:0914926900

Nguồn: Emdep

Chưa có bình luận.

Tin khác
Chúng tôi trên Facebook