Trầm cảm là bệnh đang ngày càng gia tăng trong xã hội. Áp lực công việc, chấn thương tâm lí là những nguyên nhân thường gặp gây bệnh trầm cảm.
Trầm cảm là bệnh đang ngày càng gia tăng trong xã hội. Áp lực công việc, chấn thương tâm lí là những nguyên nhân thường gặp gây bệnh trầm cảm. Bên cạnh đó còn những nguyên nhân “âm thầm” hơn gây nên chứng bệnh này:
1. Bệnh mạn tính
Bệnh mạn tính không chỉ ảnh hưởng tới thể chất mà cả tinh thần của người bệnh. Những người bị các bệnh mạn tính như bệnh tim, tiểu đường và ung thư có vẻ như dễ bị trầm cảm hơn. Tuy các nhà khoa học vẫn chưa xác định được trầm cảm gây ra những bệnh mạn tính đó hay ngược lại nhưng theo họ, có những cách riêng để kiểm soát rối loạn sức khỏe tâm thần trong khi bị bệnh mạn tính
2. Hút thuốc
Một nghiên cứu của Anh năm 2015 phát hiện thấy rằng những người hút thuốc nói chung dễ bị lo âu và trầm cảm hơn những người không hút. Ngoài ra, nghiên cứu cũng chỉ ra rằng hút thuốc có thể là nguồn gốc gây lo âu vì cảm giác tiêu cực người hút thuốc trải qua sau khi không có thuốc hút.
Cảm giác “phấn chấn” tạm thời bạn nhận được từ thuốc lá không có lợi vì nó có thể hủy hoại cơ thể. Hãy làm những việc bạn yêu thích như tập thể dục, nói chuyện với bạn bè hay nấu ăn để vượt qua cảm giác tiêu cực, trầm cảm
3. Lạm dụng mạng xã hội
Mạng xã hội chỉ là một bức tranh không đầy đủ về cuộc sống của ai đó. Nó không thể hiện chính xác bản chất của người đó. Nhưng bạn có thể vẫn thường mang cuộc sống của bản thân so sánh với họ. Đây là quá trình ở trong tiềm thức mà các nhà nghiên cứu gọi là “so sánh xã hội” và có thể dẫn tới cảm giác trầm cảm.
4. Không gian sống
Bạn có thể sống ở môi trường nông thôn hoặc thành phố. Điều này tạo ra sự khác biệt trong sức khỏe tâm thần. Nghiên cứu chỉ ra rằng những người sống ở thành thị có thể dễ bị các bệnh tâm thần đặc biệt là trầm cảm. Theo các nhà nghiên cứu, mặc dù nguyên nhân sâu xa của sự khác biệt này là khá phức tạp nhưng việc bạn dành nhiều thời gian cho thiên nhiên hơn có thể là một “liều thuốc” hữu ích.
5. Chế độ ăn uống
Sức khỏe thể chất và tinh thần có thể liên quan tới ăn uống. Nghiên cứu chỉ ra rằng những người có chế độ ăn đơn điệu, gồm nhiều thịt chế biến sẵn, đường, chất béo…dễ có các triệu chứng trầm cảm hơn. Một phân tích dữ liệu năm 2008 công bố trên tờ Indian Journal of Psychology cho biết dinh dưỡng có thể đóng vai trò chìa khóa trong việc khởi phát cũng như độ nặng và thời gian bị bệnh trầm cảm.
Đây là một cái vòng luẩn quẩn. Trầm cảm cũng có thể dẫn đến thay đổi cảm giác ngon miệng, đôi khi khiến một người khó nhận được dinh dưỡng hợp lý.
6. Ngồi quá nhiều
Nghiên cứu cho thấy tập thể dục có thể cải thiện tâm trạng. Ngược lại, quá ít vận động có thể dẫn tới các triệu chứng trầm cảm.
7. Thiếu ngủ
Nếu bạn không ưu tiên nghỉ ngơi, bạn không chỉ có nguy cơ bị các bệnh mạn tính như bệnh tim mà còn có nguy cơ bị bệnh về tâm thần. Mất ngủ có thể khiến bạn bị rối loạn tâm trạng. Trầm cảm cũng có thể ảnh hưởng tới giấc ngủ, tạo ra vòng luẩn quẩn mà bạn không thoát ra được.
8. Viêm não
Theo nghiên cứu gần đây, các triệu chứng trầm cảm có thể là do viêm thần kinh hoặc phản ứng tự nhiên của não tạo ra để tự bảo vệ. Một nghiên cứu công bố trên tờ JAMA Psychiatry phát hiện thấy rằng viêm não tăng cao hơn 30% ở bệnh nhân trầm cảm.
9. Không đặt nhu cầu của bạn lên trước tiên
Nếu bạn ưu tiên nhu cầu của người khác và bỏ qua nhu cầu riêng của bản thân, bạn có thể gặp vấn đề về sức khỏe tâm thần. Ngại từ chối yêu cầu của người khác và nói “không” với những việc bạn không muốn làm sẽ khiến bạn có thể bị kiệt sức và trầm cảm.
BS Cẩm Tú
Theo Huffingtonpost/ Univadis
Nguồn: SKĐS
Chưa có bình luận.