Bột sắn dây không nên dùng có người có dương khí bị hư có triệu chứng như, đầy bụng, chướng hơi, lạnh bụng, tay chân thường lạnh, không khát nước, sắc mặt vàng tái, đại tiện lỏng.
Người tay chân lạnh không nên dùng bột sắn dây
Trước thông tin uống bột sắn dây sống có thể gây ra sỏi thận, nhiều người rất hoang mang. Vì trong dịp hè nhiều gia đình thường sử dụng bột sắn dây sống là thực phẩm giải nhiệt cho cơ thể.
Trao đổi với Ths. Lương y Vũ Quốc Trung (Hội đông y Ba Đình), vị lương y này cho hay, bột sắn dây là thực phẩm lành tính được làm từ củ của cây sắn dây. Trong rễ sắn dây có rất nhiều tinh bột. Ngoài tinh bột củ sắn dây còn có các axit amin tốt cho sức khỏe. Sắn dây là thực phẩm có thể ăn sống hoặc nấu chín dưới dạng chè hoặc cháo.
Trong Đông y, sắn dây còn là vị thuốc với tên gọi là cát căn. Cát căn có vị ngọt, tính bình, có tác dụng giải cơ thoái nhiệt, sinh tân chỉ khát và dùng chữa biểu chứng miệng khát nhức đầu, tả lỵ ra máu. Liều dùng từ 8-20 gram. Trẻ nhỏ bị sốt cho thể dùng sắn dây cho thêm 200ml nước, sắc còn 100ml uống trong ngày.
Uống bột sắn dây sống có thể gây sỏi thận là thông tin vô căn cứ không có cơ sở khoa học.
Ths. Lương y Vũ Quốc Trung cho biết: “Hiện nay, đang có một số thông tin cho rằng uống bột sắn dây với mật ong có thể gây ra chết người hay uống bột sắn dây sống có thể gây ra sỏi thận, sỏi tiết niệu. Hai thông tin đó hoàn toàn sai sự thực, không có căn cứ khoa học. Y văn cũng chưa từng ghi nhận trường hợp bị chết do uống mật ong với sắn dây và uống bột sắn dây gây sỏi”.
Nguyên nhân sinh ra sỏi thận và sỏi tiết niệu là do cơ địa thói quen sinh hoạt và ăn uống. Trong thành phần của bột sắn dây không có thành phần nào gây lắng đọng cặn để gây ra sỏi thận. Sỏi thận, sỏi đường tiết niệu hình thành chủ yếu là do sự lắng đọng các muối can-xi trong cơ thể (photphat canxi, urat canxi …) và thức ăn có chứa nhiều Kali.
Vào những ngày hè nắng nóng có thể dùng bột sắn dây hòa với nước uống giúp giải nhiệt, chống say nắng và giảm mệt mỏi. Bột sắn dây nấu cùng vừng đen cho thêm đường mật có tác dụng chữa chứng bệnh nóng âm ỉ trong xương, giải nhiệt, giải cảm, xua tan mệt mỏi và tăng lực cho cơ thể. Trong những ngày hè trẻ nắng nóng bị rôm sảy dùng bột sắn dây nấu chín ở dạng loãng uống chứng bệnh sẽ thuyên giảm. Bị ngộ độc thức ăn có thể dùng củ sắn dây tươi, ngó sen giã nát vắt lấy nước uống trong ngày.
Trẻ em không nên uống sắn dây
Ths. Lương y Vũ Quốc Trung khuyến cáo, sắn dây là thực phẩm lành tính nhưng cũng không nên cho trẻ con uống sống quá nhiều. Do bột sắn dây sống có tính hàn trẻ nhỏ uống nhiều có thể gây đau bụng, tiêu chảy. Dùng bột sắn dây cho trẻ nên nấu chín để giảm bớt tính hàn. Thức ăn từ bột sắn dây cung cấp rất ít năng lượng vì vậy chỉ dùng làm bữa ăn phụ cho trẻ, không nên dùng thay thế bữa ăn chính.
Bột sắn dây không nên dùng có người có dương khí bị hư có triệu chứng như, đầy bụng, chướng hơi, lạnh bụng, tay chân thường lạnh, không khát nước, sắc mặt vàng tái, đại tiện lỏng.
“Bột sắn dây khá đắt vì thế có thể bị làm giả. Vì lợi ích kinh tế người làm có thể cho bột sắn (khoai mì) với bột sắn dây. Khi mua phải bột sắn dây giả nếu dùng uống sống có thể gây ra đau bụng hoặc tiêu chảy. Để tránh mua phải bột sắn dây giả nên mua tại các cơ sở sản xuất uy tín và có thương hiệu. Bột sắn dây thì rất mịn còn bột sắn thì không mịn bằng”, Ths. Lương y Vũ Quốc Trung cho biết.
Ngọc Minh
Nguồn: Emdep
Chưa có bình luận.