Trẻ con cũng giống như người lớn ở chỗ có thể bị tổn thương bởi những câu nói nhạy cảm, hạ thấp giá trị của chúng. Vì thế, hãy thận trọng trong lời nói của bạn với trẻ để tránh xảy ra những hậu quả khôn lường.
Hãy thận trọng trong lời nói để tránh làm tổn thương tâm hồn của trẻ nhỏ. |
Với nhiều trẻ chưa phân biệt được một câu nói đùa hay một lời nói mỉa mai thì việc bị chê, giễu cợt có thể khiến trẻ rơi vào trạng thái cảm xúc tiêu cực, đôi khi trẻ không kiểm soát được cơn xúc động của mình và dẫn đến các hành vi rối loạn.
Đặc biệt ở độ 2-3 tuổi và 13-15 tuổi là hai độ tuổi nhạy cảm với sự giễu cợt, trẻ muốn được đối xử trân trọng, được lắng nghe và yêu quý. Nếu bạn hay một người thân nào khác trong gia đình vô tình nói những lời nói dọa dẫm sẽ khiến trẻ xuất hiện những nỗi băn khoăn, lo sợ.
Nặng hơn là trẻ sẽ bị hoảng hốt, cảm thấy tức giận, bị ám ảnh khiến đêm mơ màng không ngủ được. Có trường hợp nặng hơn dẫn đến những hành vi tiêu cực, lệch lạc như câu chuyện cô bé thả em trai của mình rơi xuống đất sau câu đùa của người hàng xóm là một ví dụ đau lòng.
Dưới đây là những câu đùa có thể làm tổn thương trẻ mà bạn cần đặc biệt chú ý:
1. “Bố mẹ lượm con ở ngoài sọt rác”
Câu nói bông đùa này sẽ khiến trẻ băn khoăn và cảm thấy buồn, làm ảnh hưởng đến tâm lý của trẻ mà có thể bạn cũng không ngờ đến.
2. Mày là “con ông hàng xóm”, “con bà ve chai”…
Câu nói của những người xung quanh có thể khiến trẻ hoài nghi và cảm thấy lo lắng, xấu hổ về bản thân, nhất là khi thấy nguồn gốc đó có vẻ như thấp kém.
3. “Cháu là con nuôi thôi”
Có thể bạn không biết rằng trẻ sẽ nơm nớp lo sợ “không biết rằng mình có phải con ruột của bố mẹ không mà nhiều người lại nói như vậy”.
4. “Mẹ có em bé rồi, con/cháu sẽ bị cho ra rìa”, “Mẹ có em bé rồi, mẹ không thương con/cháu nữa đâu”.
Những câu nói tương tự có thể khiến trẻ lo sợ sẽ không được bố mẹ yêu thương, chăm sóc nữa và sẽ cảm thấy không thích gia đình có thêm thành viên mới.
5. “Bố mày đi với dì hai rồi”
Những câu nói tương tự này khiến trẻ cảm thấy sợ hãi và có tâm lý phòng thủ trước một “kẻ thù” có thể đe dọa và cướp đi hạnh phúc của gia đình mình, thậm chí là cướp chỗ của trẻ.
Chưa có bình luận.