Thứ Sáu, 14/04/2017 | 17:55

Tác dụng của nhân sâm lên toàn thân thể, tim mạch, hô hấp, chuyển hóa, đại bổ khí huyết. Là vị thuốc bổ hàng đầu trong ngũ dược (sâm, nhung, quế, phu).

Dược liệu quý tốt cho sức khỏe

Theo Th.s. Lương y Vũ Quốc Trung (Hội đông y Việt Nam), sâm nhiều loại trong đó phổ biến nhất là nhân sâm (phần rễ). Gọi nhân sâm vì nó có hình dạng bên ngoài của củ sâm giống hình người (nhân). Nhân sâm tuổi càng cao thì giá trị chữa bệnh càng lớn.

Trong y học cổ truyền, nhân sâm là một trong những dược liệu quý hiếm. Là vị thuốc phối trong hầu hết các thang thuốc để bồi bổ. Ngày xưa, nhân sâm chỉ được dùng bồi bổ cho vua chúa vì rất quý và hiếm.

Sâm có nhiều cách chế biến, trong đó có hai loại hồng sâm và bạch sâm. Hồng sâm là những củ sâm to được sấy ở áp lực cao. Bạch sâm là những củ sâm nhỏ hơn được luộc chín ngâm đường sau đó phơi hoặc sấy khô. Cách chế biến của sâm sẽ liên quan tới tác dụng chữa bệnh của dược liệu này.

Nhân sâm rất bổ và quý nhưng chỉ dùng thế này mới phát huy hết tác dụng

Nhân sâm là dược liệu quý có các dụng bổ dưỡng cho sức khỏe, ảnh sâm tươi.

Ví dụ, hồng sâm có tính ấm, vị ngọt, chữa chứng tỳ thận hư hàn, dương suy yếu, khí ở tỳ vị. Bạch sâm có tính mát, dưỡng âm, chữa chứng âm hư có hỏa hư, ra mồ hôi, mất nhiều tinh dịch.

“Trong Đông y, sâm có vị hơi đắng, tính ngọt ôn, đi vào hai kinh tỳ và phế, thông 12 kinh lạc. Công dụng của sâm là đại bổ nguyên khí tăng sức lực, chỉ khát sinh tân, an thần giúp tinh thần minh mẫn, cải thiện trí nhớ tốt, khả năng nghe và nhìn. Trong một số trường hợp sâm còn có tác dụng điều hòa huyết áp, giúp tăng bạch cầu, phòng bệnh về tim mạch”, Th.s. Lương y Vũ Quốc Trung cho biết.

Không chỉ được Đông y công nhận là dược liệu quý. Y học hiện đã nghiên cứu và thấy nhân sâm có nhiều dưỡng chất quan trọng như: các loại acid amin, vitamin B1, B2, glucoxit, tinh dầu, đường glucose, vitamin, các loại chất xúc tác polipeptit, polisaccarit… Nhờ những thành phần hóa học quan trọng này mà nhân sâm có tác dụng quý cho sức khỏe. Trong Tây y, người ta dùng nhân sâm phối hợp với các loại vitamin để tạo thành thuốc bổ tổng hợp.

Nhân sâm tốt cho ai?

Phó Chủ tịch Hội đông y Ba Đình, Lương Y Bùi Hồng Minh cho hay, nhân sâm là dược liệu quý được sử dụng trong y học cổ truyền của nhiều nước trong đó có Việt Nam, Trung Quốc, Hàn Quốc…

Người sức khỏe suy kiệt với cơ thể suy nhược, ăn uống, mồ hôi ra nhiều, chân tay lạnh, mạch nhỏ… dùng nhân sâm ngậm hồi phục sức khỏe nhanh. Phụ nữ mới sinh con bị mất nhiều máu, người thiếu máu dùng nhân sâm chủ trị rất hiệu quả.

“Nhân sâm là loại thuốc bổ quan trọng trong Đông y. Khi kết hợp với một số bài thuốc khác nó sẽ có tác dụng bồi bổ khác nhau. Dùng nhân sâm giúp bổ phế khí và điều chỉnh khí cho người có chứng khò khè, thở ngắn, thở mệt nhọc. Người ăn kém thường xuyên có cảm giác đầy tức vùng bụng và ngực dùng nhân sâm kiện tỳ vị. Nhân sâm còn có tác dụng sinh tinh dịch, tiêu khát bổ tâm khí và an thần”, Lương y Bùi Hồng Minh nói.

Lương Y Vũ Quốc Trung cho biết thêm, tác dụng của nhân sâm lên toàn thân thể, tim mạch, hô hấp, chuyển hóa, đại bổ khí huyết. Là vị thuốc bổ hàng đầu trong ngũ dược (sâm, nhung, quế, phu).

Dùng nhân sâm hàng ngày sẽ giúp cho cơ thể tăng cường khả năng chống đỡ và sức chịu đựng của cơ thể. Người hay hoảng hốt ngủ không ngon giấc có thể dùng nhân sâm như liều thuốc an thần. Đàn ông sinh hoạt tình dục “yếu” dùng nhân sâm có thể tăng cường thêm bản lĩnh. Người hay mệt mỏi dễ nhiễm bệnh nhiễm trùng dùng nhân sâm rất tốt.

Lương y Vũ Quốc Trung khuyến cáo nhân sâm không phải là loại thuốc bổ trong thời gian dài. Dùng nhân sâm quá nhiều có thể nguy hại cho sức khỏe. Liều dùng thích hợp chỉ 2g-6g/ngày, tối đa 20g.

Bài tiếp theo chuyên gia cảnh báo nguy cơ dùng nhân sâm sai cách gây nguy hại cho sức khỏe.

Ngọc Minh

Nguồn: Emdep

Chưa có bình luận.

Tin khác
Chúng tôi trên Facebook