Gần đây, tại các phòng khám da liễu, số bệnh nhân bị viêm da tiếp xúc do kiến 3 khoang tăng cao. Trước kia hay gặp người bệnh sống tại các vùng nông thôn…
LTS: Gần đây, tại các phòng khám da liễu, số bệnh nhân bị viêm da tiếp xúc do kiến 3 khoang tăng cao. Trước kia hay gặp người bệnh sống tại các vùng nông thôn, ven đô nhưng năm nay số mắc nhiều từ sinh viên ở ký túc xá, người dân sống tại các khu chung cư cao tầng… Một số trường hợp viêm da do kiến 3 khoang bị chẩn đoán nhầm với tổn thương do zona, dẫn đến việc điều trị sai gây nhiễm khuẩn bội phát và lâu khỏi. Bài viết này giúp bạn nhận biết và xử trí tổn thương da do kiến 3 khoang.
Tại sao kiến 3 khoang gây viêm da?
Theo các chuyên gia về côn trùng học, do trong cơ thể loài kiến 3 khoang có chứa độc tố pederin (còn được gọi là cantharidin, thuộc loại alKaroid) chứa trong một đôi tuyến ở phần cuối bụng. Độc tố này có tính xuyên thấm qua da nên khi da tiếp xúc với chất tiết này sẽ gây tổn thương da ngay tại đó (viêm da, thối thịt giống như bị tạt axit). Một số người không biết đã lấy tay giết kiến, nếu không rửa tay ngay thì vô tình sẽ làm độc tố pedein dính vào chỗ khác trên cơ thể gây viêm da lan rộng.
Nhận biết tổn thương do kiến 3 khoang
Vị trí hay gặp ở vùng hở như: cổ, mặt, cánh tay, cẳng tay, cẳng chân, đôi khi cũng thấy ở thân mình, vùng kín do kiến bám vào quần áo, khi mặc chúng tiếp xúc trực tiếp vào da. Tùy vào vị trí tiếp xúc mà có thể bị một hay nhiều tổn thương cùng lúc, bị đối xứng, bị nhiều nơi khác nhau trên cơ thể. Tính chất của thương tổn là những ban đỏ, mụn nước, mụn mủ, chợt loét nông trên da. Đau rát nhiều và ngứa âm ỉ không thành cơn và khi tổn thương thuyên giảm thì hết đau hoàn toàn.
Chẩn đoán phân biệt
Cần phân biệt viêm da tiếp xúc do kiến 3 khoang với viêm da do nguyên nhân khác như viêm da tiếp xúc do dị ứng hóa chất, sơn, xà phòng, mỹ phẩm, đặc biệt có rất nhiều trường hợp bị chẩn đoán nhầm là zona thần kinh. Bệnh zona thực chất là do virut có ái tính với thần kinh gây nên, virut nhân lên trong các hạch thần kinh và theo các sợi thần kinh ra ngoài gây bệnh ngoài da. Chính vì vậy, tổn thương chỉ bị một khúc bì do thần kinh đó chi phối và chỉ bị một bên, rất hiếm khi bị hai nơi hoặc đối xứng hai bên. Thương tổn của zona là những mụn nước, bọng nước thành chùm thành nhóm như chùm nho, đau xuất hiện trước khi mọc mụn nước 1 – 2 ngày và thường có hạch vùng lân cận. Tính chất đau của zona là đau như điện giật, đau từng cơn, khi tổn thương đã khỏi nhưng đau vẫn còn tồn tại khá lâu.
Kiến 3 khoang và những tổn thương da do kiến 3 khoang.
Cách chữa trị
Khi mới bị, chỉ có đỏ da và ngứa nên dùng nước muối sinh lý rửa nhẹ nhàng để làm sạch các chất bám lên da, sau đó dùng hồ nước bôi lên để làm mát da, dịu da. Nếu có xuất hiện mụn mủ dùng các dung dịch màu như xanh methylen, milian… bôi lên tổn thương giúp sát khuẩn, khô sạch tổn thương. Khi tổn thương không còn chảy dịch, khô lại có thể sử dụng mỡ kháng sinh (tetracyclin, neomycin…) để bôi, giúp tổn thương mau lành. Kết hợp có thể uống một trong các kháng histamin như chlopheniramin, hydroxyzin, promethazin. cetirizin, loratadin… giúp chống ngứa, chống dị ứng. Nếu bội nhiễm phải dùng kháng sinh toàn thân. Trường hợp nặng kèm thêm phản ứng dị ứng toàn thân thì cần điều trị đặc biệt (có thể phải dùng corticosteroid toàn thân) theo chỉ định của bác sĩ.
Lời khuyên của thầy thuốc
Thực ra kiến 3 khoang không đáng lo ngại như những loài côn trùng đốt và hút máu truyền bệnh (bọ xít, muỗi vằn…) vì loài côn trùng này không tấn công người mà do con người vô tình tiếp xúc với chất độc trong cơ thể kiến gây nên viêm da dị ứng. Bệnh viêm da tiếp xúc do kiến 3 khoang thường khỏi nhanh trong vòng 1 tuần nếu điều trị đúng cách. Tuy nhiên, như trên đã nói, có rất nhiều trường hợp chẩn đoán nhầm hoặc nghe theo mách bảo tự mua thuốc điều trị không đúng dẫn đến viêm loét nặng, nhiễm khuẩn thứ phát. Vì vậy người bệnh chỉ nên rửa nhẹ nhàng tại nơi tiếp xúc bằng nước muối sinh lý (9‰) ngay lúc vừa tiếp xúc để trung hòa hoặc giảm bớt các yếu tố dị ứng, kích ứng da, sau đó đến cơ sở y tế để khám và điều trị kịp thời, không nên tự điều trị để tránh các biến chứng nặng hơn.
Cách phòng tránh kiến 3 khoang
Ngăn cản kiến 3 khoang vào nhà bằng cách: Sử dụng lưới các cửa sổ và cửa ra vào, đóng cửa thường xuyên sau khi ra vào; nên ngủ trong màn; vệ sinh môi trường, phát quang bụi rậm, cây cỏ xung quanh nhà, vì đây là nơi trú ẩn tốt cho loài này; mặc quần áo dài tay khi đi ra ngoài, nhất là ở những vùng gần đồng ruộng, khu dân cư nhiều ánh đèn, gần công trình đang xây dựng. Khi làm việc trên đồng ruộng, nhất là vào mùa thu hoạch, mùa mưa bão, cần chú ý sử dụng các phương tiện bảo hộ lao động như: mặc quần áo dài tay, đội mũ, nón, khẩu trang, đi ủng để tránh tiếp xúc với côn trùng.
Nếu đã tiếp xúc với kiến 3 khoang hoặc nghi ngờ là đã tiếp xúc với chúng, nên thực hiện một số bước sau:
Nếu có một con kiến 3 khoang đang bò trên người bạn, hãy lấy nó ra khỏi người bằng cách thổi hoặc để một tờ giấy vào cho nó bò lên và lấy nó ra khỏi người. Sau đó rửa sạch vùng da đã tiếp xúc với loài côn trùng này.
Nếu bạn lỡ tay đập hoặc chà xát chúng trên da thì phải nhanh chóng rửa sạch nơi nơi tiếp xúc để hạn chế chất độc.
Đến cơ sở y tế để báo và thăm khám, điều trị theo chỉ định của bác sĩ.
Để xử lý triệt để, tránh tình trạng kiến 3 khoang lan tràn, ảnh hưởng lớn đến sức khỏe cộng đồng, khi có đàn kiến 3 khoang xuất hiện ở khu dân cư, bà con nên liên hệ ngay với đơn vị y tế chuyên trách (các viện sốt rét – ký sinh trùng – côn trùng, các trung tâm y tế dự phòng huyện/thị…) để được hướng dẫn và phối hợp xử lý.
BS. Hoàng Văn Tuệ
Nguồn: SKĐS
Chưa có bình luận.