Thứ Năm, 22/10/2015 | 09:04

Dị ứng mỹ phẩm là phản ứng khác thường của da khi tiếp xúc với loại mỹ phẩm mà thành phần có chất gây dị ứng (dị nguyên).

Dị ứng mỹ phẩm là phản ứng khác thường của da khi tiếp xúc với loại mỹ phẩm mà thành phần có chất gây dị ứng (dị nguyên). Nó cũng có thể xảy ra do dùng quá liều lượng, sai phương pháp, sai chỉ định hay do da người sử dụng không dung nạp hoạt chất của mỹ phẩm.

Phát hiện dị ứng mỹ phẩm

Sau khi dùng mỹ phẩm, nếu bị dị ứng, bạn sẽ thấy xuất hiện một hay nhiều hơn các triệu chứng sau đây:

Đau rát vùng da vừa dùng mỹ phẩm, ngứa theo từng đợt trong vòng 10 phút, thường mắc phải khi dùng mỹ phẩm trên da mặt.

Nhận biết và phòng ngừa dị ứng mỹ phẩm

Khi bị dị ứng mỹ phẩm cần đi khám và điều trị ngay.

Mẩn ngứa, có thể lúc đầu mẩn ngứa ít rồi tiến triển nhiều, thành những nốt ban đỏ, mụn nước, hay gặp ở vùng xung quanh mắt.

Da mặt bị sưng tấy, có khi cảm thấy tức ngực khó thở. Trên da có vết nám đen hoặc nám trắng do một số hóa chất hay chất chiết suất từ thực vật để lại dấu vết trên da khi phản ứng với ánh sáng.

Viêm da dị ứng là dạng dị ứng rầm rộ hơn, biểu hiện bằng mảng hồng ban ở vùng bôi mỹ phẩm, kèm theo mụn nước và ngứa.

Nổi mề đay với những sẩn phù giống như những vết nổi gồ trên mặt da như muỗi cắn kèm theo ngứa.

Chàm tiếp xúc với các mảng hồng ban giới hạn rõ kèm theo mụn nước và ngứa. Da khô và tróc vẩy. Teo da là biến chứng hay gặp ở những người dùng nhóm thuốc có corticoid kéo dài. Sạm da là tình trạng tăng sắc tố sẫm màu. Lão hóa da với tình trạng nhăn da, đốm nâu, khô, nhám, tăng sừng.

Có trường hợp nổi mụn trứng cá do bôi các loại mỹ phẩm làm bít các lỗ chân lông, gây ứ đọng chất bã nhờn. Móng tay, móng chân bị tróc, thay đổi màu, viêm nhức do thuốc sơn móng, rửa móng. Tóc khô giòn, dễ gãy, xơ cứng do các loại thuốc nhuộm tóc, uốn tóc… Ngoài ra, còn có những ảnh hưởng đối với các bộ phận khác của cơ thể, có khi để lại di chứng lâu dài.

Tác dụng không mong muốn do dùng mỹ phẩm

Loại tác dụng nhanh: Phản ứng dị ứng cấp tính xảy ra trong vòng 24 giờ sau khi dùng mỹ phẩm. Da tại vùng dùng mỹ phẩm bị đỏ lên rồi các mụn nước, các sẩn xuất hiện trên nền da đỏ. Nền da bị sưng nề lên, căng mọng và có thể tiết dịch. Dịch tiết đọng lại thành các vảy tiết màu vàng như sáp ong, bệnh nhân ngứa rát khó chịu tại vùng da bị viêm.

Loại tác dụng chậm: Sau khi dùng mỹ phẩm một thời gian từ 1 tuần đến nhiều tháng thì các tác dụng không mong muốn chậm mới xuất hiện. Da tại vùng dùng mỹ phẩm bị tối màu rồi sạm lại. Sạm da có thể thành đám nhỏ ở hai gò má hoặc thành mảng lớn hết cả hai má. Da bị mất độ tươi sáng, trông mai mái. Đôi khi da mặt bị đỏ lên và các sẩn, mụn mủ mọc lên trên nền da đỏ làm mặt trông sần sùi rất khó coi. Một số trường hợp bị teo da làm da trông rất mỏng, nhăn nheo. Da còn có thể bị giãn mạch làm mặt liên tục bị ửng đỏ, nhất là khi ra nắng, bệnh nhân bị rát hoặc ngứa khi đi ngoài trời gió hoặc gặp phải nước mưa.

Cách xử trí khi bị dị ứng mỹ phẩm

Dị ứng mỹ phẩm không phụ thuộc vào liều lượng nên vẫn sẽ xảy ra dù lượng mỹ phẩm dùng rất ít. Đây là những phản ứng không đoán trước được của hệ miễn dịch. Các hóa chất trong mỹ phẩm gây ra có khi chỉ là triệu chứng nhẹ (như ngứa ngáy, nổi mày đay, viêm da tiếp xúc tại chỗ) nhưng cũng có thể gây biến chứng tổn thương da không hồi phục (teo da). Nghiêm trọng hơn, nó còn có thể gây sốc phản vệ dẫn đến tử vong nếu không được điều trị kịp thời.

Sau khi bôi mỹ phẩm, nếu thấy da bị nổi sẩn, ngứa đỏ thì ngừng ngay lập tức, dùng vòi nước rửa kỹ để làm sạch mỹ phẩm trên da. Thông thường chỉ cần ngưng dùng mỹ phẩm thì các triệu chứng trên sẽ giảm dần và hết hẳn. Trường hợp dị ứng không giảm mà còn có chiều hướng nặng hơn thì cần đi khám chuyên khoa da liễu và kết hợp dùng thuốc thích hợp theo sự chỉ dẫn của bác sĩ (bao gồm thuốc bôi để giảm bớt tình trạng da bên ngoài và thuốc uống nhằm ức chế dị ứng của cơ thể) là bệnh sẽ tự khỏi từ sau 1 – 2 tuần, hay chậm nhất 1 tháng vì vòng tuần hoàn tái tạo da. Tuyệt đối không cố tình tiếp tục sử dụng mỹ phẩm hoặc tự chữa dị ứng, tránh tình trạng dị ứng nặng thêm, khó lành và để lại biến chứng mất thẩm mỹ trên da không hồi phục.

Trường hợp bị dị ứng da đã trực tiếp điều trị tích cực mà vẫn không khỏi sau từ 2 – 3 chu kỳ tái tạo da (2 – 3 tháng) thì có nghĩa đã hoàn toàn chuyển sang dạng bệnh lý viêm hoặc nhiễm khuẩn da. Khi đó, việc dùng thuốc điều trị phải theo thể bệnh chứ không phải điều trị dị ứng nữa.

Phòng ngừa dị ứng mỹ phẩm

Nguyên tắc chung là tránh lạm dụng mỹ phẩm. Nhớ kiểm tra mỹ phẩm mới trước khi sử dụng. Cần thử phản ứng trước khi sử dụng mỹ phẩm, nhất là những mỹ phẩm mới sử dụng lần đầu tiên. Phương pháp thử da ở mặt trong cánh tay: thoa mỹ phẩm vào vùng da ở mặt trong cánh tay để trong 24 – 48 giờ. Nếu không thấy dị ứng có nghĩa là bạn có thể dùng được loại mỹ phẩm đó.

Không mua và dùng những mỹ phẩm kém chất lượng, không rõ nguồn gốc. Không bao giờ sử dụng lại loại mỹ phẩm đã từng gây dị ứng cho mình. Chọn mua những loại mỹ phẩm đã quen dùng, có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, chất lượng tin cậy.

Để dùng mỹ phẩm an toàn, hãy lưu ý những quy tắc cơ bản: Rửa tay và mặt sạch trước khi trang điểm – đây là cách ngăn ngừa dị ứng cơ bản nhất. Tuyệt đối không trang điểm mắt khi bạn bị đau mắt, hay có biểu hiện ngứa bất thường ở mắt… Trong quá trình dùng phải bảo quản và giữ vệ sinh cẩn thận, tránh ánh nắng và nhiệt độ cao. Không dùng chung mỹ phẩm với người khác. Đặc biệt, đối với người có cơ địa dị ứng như hen suyễn, mề đay, chàm, viêm da dị ứng… cơ thể và làn da rất nhạy cảm với các dị nguyên (tác nhân gây dị ứng) cần hạn chế sử dụng mỹ phẩm.

Mỹ phẩm chỉ làm đẹp bên ngoài. Để làm đẹp tận gốc, mọi người muốn có một làn da khỏe đẹp cần chăm tập thể dục, giữ vệ sinh da tóc, uống đủ nước, ăn nhiều rau quả, trái cây, thức ăn chứa nhiều vitamin C, E… 

BS. Anh Đức

Nguồn: SKĐS

Chưa có bình luận.

Tin khác
Chúng tôi trên Facebook