Nhiều bệnh nhân mắc nhưng trì hoãn đến cơ sở y tế do lầm tưởng chỉ là sốt thông thường. Việc này dẫn đến nguy hiểm, thậm chí tử vong bởi bệnh diễn biến nặng gây suy tạng, chảy máu não.
Cần đến các cơ sở y tế để thăm khám kỹ lưỡng khi bị cảm sốt bất thường – Ảnh: Shutterstock
Tưởng cảm sốt thông thường
“Em đang bình thường bỗng nhiên sốt cao nhưng cứ nghĩ là bị cảm vì trước đó em bị mưa ướt. Sốt cao lắm, cứ 39 – 400C liên tục. Uống thuốc hạ sốt chỉ giảm được một chút, chừng một tiếng đồng hồ là lại sốt vọt lên. Được 4 ngày thì mệt quá, gia đình đưa em vào khám ở Bệnh viện Việt Nam Cu Ba. Tại đây các bác sĩ nghi sốt xuất huyến nên chuyển em về Bệnh viện đa khoa Đống Đa”, bệnh nhân nữ 23 tuổi, nhà ở Q.Hoàn Kiếm (Hà Nội) đã kể. “Khi vào viện, xét nghiệm cho thấy tiểu cầu đã xuống rất thấp, sau đó hai chân bệnh nhân bị xuất huyết đỏ rực, rất điển hình của ca bệnh sốt xuất huyết”, điều dưỡng Nguyễn Thị Mai Hương, công tác tại Khoa Truyền nhiễm, Bệnh viện đa khoa Đống Đa, cho biết.
Một bệnh nhân khác là nam sinh viên 23 tuổi, vào viện khi tiểu cầu xuống chỉ còn 30 so với mức tổi thiểu là 150. “Khoảng 3 ngày trước nhập viện, em có sốt cao liên tục nên mời người đến truyền dịch tại nhà. Sau 2 đợt truyền, em vẫn sốt 400C, toàn thân đau như dần, người mệt rũ nên đi khám. Bác sĩ đã yêu cầu nhập viện ngay để kiểm soát nguy cơ chảy máu, xuất huyết trong”, bệnh nhân kể lại.
Theo thống kê tại Bệnh viện đa khoa Đống Đa, các tuần gần đây, ngày nào bệnh viện cũng ghi nhận các ca mắc sốt xuất huyết đến khám và nhập viện. Có thời điểm, khoa truyền nhiễm của bệnh viện một ngày tiếp nhận 4 – 6 bệnh nhân nội trú do sốt xuất huyết diễn biến nặng. Qua thực tế chăm sóc các ca bệnh, điều dưỡng Nguyễn Thị Mai Hương nhận thấy: “Nhiều bệnh nhân chỉ đi khám khi đã 3 – 4 ngày sốt cao liên tục tại nhà, tự dùng thuốc hạ sốt không hiệu quả, thậm chí đã bị mất máu do bệnh diễn biến nặng”.
Không tự ý dùng thuốc
Khoa Truyền nhiễm Bệnh viện Đống Đa mới đây tiếp nhận bệnh nhân nam Hoàng Văn H., 19 tuổi, vào viện trong tình trạng toàn thân đỏ rực do xuất huyết dưới da. Trước nhập viện, H. đã sốt cao 3 ngày liên tục. H. vào viện khi đã mệt xỉu, mất máu nhiều, đau đầu, đau nhức cơ toàn thân. Tại đây, bệnh nhân có chỉ định truyền máu và theo dõi toàn trạng liên tục, sau 3 ngày mới qua giai đoạn nguy kịch.
Thạc sĩ – bác sĩ Phạm Bá Hiền, Phó giám đốc Bệnh viện đa khoa Đống Đa, cho biết trong đợt sốt xuất huyết do vi rút Dengue hiện nay, một số trường hợp đã được xác định nguyên nhân gây bệnh do dạng vi rút Den-2. Đây là dạng vi rút hay gây những thể bệnh nặng. Bệnh nhân cần nhận biết các dấu hiệu nghi ngờ sốt xuất huyết và kịp thời đến cơ sở y tế để được điều trị.
Theo bác sĩ, sốt xuất huyết khởi đầu với sốt cao đột ngột, người mệt mỏi rũ rượi, đau đầu, đau nhức sau hốc mắt, đau mỏi cơ khớp. Bệnh nhân có thể có đau họng, buồn nôn, nôn mửa và tiêu chảy khiến cộng đồng có thể nhầm lẫn bị viêm họng, ngộ độc thực phẩm. Giai đoạn tiếp theo, có thể xuất hiện các triệu chứng như: xuất huyết ngoài da, chảy máu cam, chảy máu chân răng, rong kinh, rong huyết. Nặng hơn có thể xuất huyết tiêu hóa, đi tiểu ra máu, xuất huyết não… Diễn biến nặng thường gặp vào ngày thứ 3 đến ngày thứ 5 của bệnh, với dấu hiệu của thoát huyết tương gây cô đặc máu dẫn đến suy tuần hoàn, xuất hiện tràn dịch các màng như màng phổi, màng bụng, màng tim…
Thạc sĩ – bác sĩ Phạm Bá Hiền lưu ý: Bệnh nhân sốt xuất huyết cần được hạ sốt bằng thuốc phù hợp. Do sốt xuất huyết gây tổn thương gan, nên trường hợp dùng thuốc không đúng liều lượng sẽ làm tổn thương thêm trầm trọng, gây suy gan. Một số thuốc hạ sốt lại làm tăng nguy cơ xuất huyết, khiến bệnh nhẹ trở nên nặng hơn, nguy hiểm cho người bệnh.
Chưa có bình luận.