Nguyên tắc chung khi điều trị huyết áp bằng thuốc phải tuân thủ
Tăng huyết áp là bệnh mãn tính, việc điều trị cần tuân thủ đúng và lâu dài. Mục đích quan trọng nhất của việc dùng thuốc hạ huyết áp là giảm được tỷ lệ xảy ra các biến chứng về tim, não, thận, nhưng vẫn bảo tồn duy trì được những phản ứng của hệ tim mạch đối với những kích thích khác nhau và bảo tồn hằng định nội môi tuần hoàn. Hiện nay thuốc trên thị trường rất nhiều loại, nhưng tai biến do thuốc, do thầy thuốc không nắm vững phương pháp điều trị gây ra cũng không ít.
Dùng thuốc để điều trị tăng huyết áp là thiết yếu, đặc biệt trong tăng huyết áp nguyên phát. Còn trong tăng huyết áp thứ phát, nếu khi chưa loại trừ được nguyên nhân gây tăng huyết áp một cách có hiệu quả thì cũng phải dùng thuốc khống chế huyết áp.
Nguyên tắc chung điều trị huyết áp bằng thuốc
Có những vấn đề quan trọng phải được trả lời như nên hạ huyết áp xuống bao nhiêu là vừa, có nên hạ về mức bình thường không, tốc độ hạ huyết áp nên nhanh hay nên hạ từ từ, dùng thuốc huyết áp có tai biến gì không v.v
Huyết áp mục tiêu là huyết áp dưới 140/90 mmHg và thấp hơn nữa nếu người bệnh vẫn dung nạp được. Đây là mức huyết áp an toàn cho người bệnh. Điều trị để đạt mức huyết áp mục tiêu giúp có thể tránh được các biến chứng nguy hiểm của tăng huyết áp như:
– Giảm 40% khả năng bị đứt các mạch máu não.
– Giảm 50% khả năng bị suy tim mãn tính.
– Giảm 30% khả năng bị tai biến mạch máu não tái phát…
Hiện nay cứ 3 người điều trị tăng huyết áp thì có 1 người không đạt huyết áp mục tiêu. Điều đó cũng lý giải tại sao tỷ lệ bệnh nhân bị tai biến tim mạch và đột quỵ vẫn nhiều dù họ đã được điều trị tăng huyết áp.
Có những nguyên tắc điều trị chung như saụ:
+ Trường hợp tăng huyết áp kịch phát cấp cứu có nguy cơ xảy ra tai biến nhất là tai biến mạch máu não thì cần dùng thuốc ngay, trong vòng 24 giờ phải hạ được huyết áp tới mức cần thiết. Trường hợp tối khẩn cấp thì phải hạ huyết áp ngay tức thì.
+ Trường hợp tăng huyết áp rất nặng, mức huyết áp rất cao nhưng không phải cấp cứụ hoặc ác tính thì phải cho huyết áp hạ xuống từ từ và phải theo dõi sát. Bởi vì những bệnh nhân này bị tăng huyết áp từ lâu ngày, cơ thể đã tự điều chỉnh để thích nghi, ví dụ phản xạ của cơ quan cảm áp trung gian đã sắp đặt lại não đã quen với áp lực tưới máu cao rồi, nếu huyết áp hạ nhanh, đột ngột gâỵ giảm áp lực tưới máu ở não, gây thiếu máu não, bệnh nhân bị chóng mặt, choáng váng, đờ đẫn, không đi lại được nữa.
Đối với huyết áp tâm trương, nếu hạ quá mức đạt yêu cầu, có thể làm cho tình trạng thiếu máu cơ tim nặng lên.
+ Thời gian để hạ huyết áp có thể một vài ngày một vài tuần hoặc hang tháng mới trở lại mức đạt yêu cầu; làm như vậy bệnh nhân cảm thấy dễ chịu hơn, đặc biệt các bệnh nhân cao tuổi.
+ Sử dụng thuốc với liều thấp, sau tăng dần có sự theo dõi sát, không để quá liều gây tác hại, nếu tăng liều đến mức cao rồi mà không đạt kết quả hạ huyết áp theo mong muốn thì nên phối hợp hai thuốc, rồi ba thuốc, phối hợp theo bậc thang điều trị.
+ Điều trị tăng huyết áp phải kiên trì, liên tục, suốt đời để giữ huyết áp ở mức đạt yêu cầu, nếu ngừng thuốc, huyết áp có thể sẽ tăng lên. Không nên thay đổi phác đồ nếu không cần thiết. Không ngừng thuốc đột ngột.
+ Để giữ huyết áp ở mức đạt yêu cầu chỉ cần dùng càng ít loại thuốc hạ áp, và liều mỗi loại càng thấp thì càng tốt. Nên sử dụng những thuốc đã quen dùng mà có hiệu quả.
Yhocvn.net
Chưa có bình luận.