Chủ Nhật, 06/09/2015 | 14:57

Sau khi thực hiện những thao tác mà người bị phơi nhiễm nằm trong nhóm có nguy cơ cần làm, cần đến ngay cơ sở y tế để được bác sĩ tư vấn và đánh giá lại nguy cơ một lần nữa để họ đưa ra quyết định phải điều trị dự phòng hay không.

1. Với vết thương tại chỗ:

Với tổn thương da chảy máu:

– Để vết thương chảy máu trong vòng 5 – 10 phút.

– Rửa ngay vết thương dưới vòi nước.

– Rửa kỹ bằng xà phòng, sát trùng bằng các dung dịch sát khuẩn (Dakin, Javen 1/10 hoặc cồn y tế) trong thời gian ít nhất là 5 phút.

Nếu phơi nhiễm qua niêm mạc mắt:

– Rửa mắt bằng nước cất hoặc nước muối NaCL 0,9% liên tục trong vòng 5 phút.

Phơi nhiễm qua niêm mạc miệng, mũi:

– Rửa bằng nước cất hoặc nước muối (NaCL) 0,9%

– Xúc miệng bằng nước NaCL 0,9% nhiều lần.

2. Đánh giá nguy cơ phơi nhiễm theo các mức độ sau:

Nguy cơ cao:

– Tổn thương qua da sâu, chảy máu nhiều

– Máu và các dịch của người có H bắn vào các vết thương, niêm mạc bị loét rộng từ trước.

Nguy cơ thấp:

– Tổn thương da xây xát nông và không chảy máu hoặc chảy máu ít

–  Máu và chất dịch cơ thể bắn vào niêm mạc không bị tổn thương, viêm loét.

*  Không có nguy cơ:

Máu và chất dịch cơ thể của người bệnh bắn vào vùng da lành, không bị tổn thương.

Trên đây là quy trình xử lý tại nhà trong trường hợp bị phơi nhiễm HIV. Sau khi thực hiện những thao tác trên mà người bị phơi nhiễm nằm trong nhóm có nguy cơ, cần đến ngay cơ sở y tế để được bác sĩ tư vấn và đánh giá lại nguy cơ một lần nữa để họ đưa ra quyết định phải điều trị dự phòng hay không và làm những xét nghiệm cần thiết. Người bị phơi nhiễm tuyệt đối không nên xử lý theo cách riêng của mình và cách tốt nhất là nên chia sẻ với một người đáng tin cậy để họ có thể giúp xử lý phơi nhiễm tại nhà trước khi đi đến cơ sở y tế.

3. Một số lưu ý đối với các cán bộ y tế và cộng đồng

Đối với nhân viên Y tế:

Sau khi xử lý tại chỗ cần báo cáo cho người phụ trách, ghi rõ thời gian, hoàn cảnh xảy ra phơi nhiễm; Gặp bác sĩ chuyên khoa để đánh giá mức độ vết thương, xác định mức độ nguy cơ phơi nhiễm; Làm xét nghiệm HIV cho người bị phơi nhiễm. Kết quả âm tính sẽ điều trị bằng thuốc kháng virus dự phòng trong thời gian 4 tuần. Thử lại HIV cho người bị phơi nhiễm sau thời gian 3 và 6 tháng và cần chú ý khả năng bị phơi nhiễm cả với Viêm gan B và Viêm gan C. Trường hợp nguồn gây phơi nhiễm chưa biết được tình trạng HIV cần xét nghiệm mẫu máu, dịch cơ thể của người gây phơi nhiễm.

Bệnh HIV/AIDS nghề nghiệp đã được xây dựng tiêu chuẩn chẩn đoán, giám định và đề xuất bổ sung vào danh mục bệnh nghề nghiệp được bảo hiểm ở Việt Nam. Thế nhưng công tác phòng bệnh vẫn cần được quan tâm đặt lên hàng đầu. Để phòng, tránh phơi nhiễm HIV nghề nghiệp cần sử dụng các phương tiện dự phòng phổ cập như mũ, áo, khẩu trang, găng tay, áo choàng, ủng, đeo kính hoặc tấm kính che mặt; Thực hiện đúng qui trình thao tác chuẩn trong quá trình làm thủ thuật liên quan tới vật sắc nhọn, máu và dịch cơ thể của bệnh nhân; Sắp xếp nơi làm các thủ thuật y tế gọn gàng và khoa học và thực hiện đúng các qui định về loại bỏ các vật sắc nhọn sau khi sử dụng. Nên cố gắng hạn chế sử dụng thuốc tiêm truyền đối với bệnh nhân AIDS. Ví dụ, trong phác đồ điều trị lao có Streptomycin (là thuốc tiêm) nhưng có thể thay thế thuốc này bằng loại thuốc uống khác. Ngoài ra, khi chăm sóc bệnh nhân AIDS nên chọn những dụng cụ hỗ trợ giảm thiểu nguy cơ như dùng kim, bơm tiêm an toàn.

Đối với cộng đồng:

Hiện nay bệnh nhân nhiễm HIV/AIDS được điều trị tại cộng đồng khi không có biểu hiện nhiễm trùng nặng. Các cán bộ y tế cần tư vấn cho người nhà bệnh nhân biết đề phòng nhiễm HIV khi chung sống với người bệnh. Thực hiện các bước sau để phòng tránh lây nhiễm:

– Mang găng tay khi thay chiếu, chăn, quần áo bẩn hoặc khi tiếp xúc với dịch tiết của cơ thể người bệnh. Rửa tay sạch sẽ bằng xà phòng sau đó.

– Băng kín các vết thương đã xuất tiết.

– Nếu người bệnh bị chảy máu, cần nhanh chóng rửa sạch bằng các chất tiệt trùng như nước javel, trong khi lau rửa cần mang găng tay. Trường hợp không có găng tay có thể dùng túi nilon hoặc dùng giấy và rửa tay bằng xà phòng sau đó.

– Mang găng hoặc lót bằng giấy, túi nilon khi bê các đồ bẩn.

– Đối với các loại quần áo hoặc drap trải giường có dính máu hoặc các dịch của cơ thể cần chú ý: Ngâm bằng nước javel trong 20 phút rồi mang găng để giặt. Không giặt chung với các quần áo khác của mọi người trong gia đình. Giặt bằng xà phòng, vắt phơi khô và ủi như bình thường. Không dùng chung bàn chải đánh răng, dao cạo râu, tăm xỉa răng và tất cả vật nhọn có thể gây chảy máu.

– Giữ giường chiếu, quần áo luôn sạch sẽ.

Chưa có bình luận.

Tin khác
Chúng tôi trên Facebook