Hầu hết các bà nội trợ Việt Nam đều sử dụng giấy báo, giấy in để thấm dầu hoặc lót tay cầm trực tiếp đồ ăn cho đỡ nóng, nhưng thói quen tưởng chừng vô hại này lại tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây hại cho sức khỏe.
Trong mọi bữa ăn hàng ngày, đặc biệt là vào dịp Tết không thể thiếu các món rán, xào nhiều dầu mỡ. Khi làm những món này, hầu hết các bà nội trợ Việt Nam đều sử dụng ngay giấy báo, giấy in để thấm dầu hoặc lót tay cầm trực tiếp đồ ăn cho đỡ nóng.
Đây cũng là điều thường gặp ở hầu hết các hàng quán bán đồ ăn sáng, đồ ăn vặt. Dễ thấy những người bán hàng thường dùng giấy báo, giấy in, những loại giấy đã qua sử dụng để gói xôi, gói bánh mì, thấm mỡ đồ rán như khoai tây chiên, bánh chuối, bánh tiêu…
Chị Hường, chủ quán bánh rán trên đường Nghĩa Tân, Hà Nội cho biết: “Việc dùng giấy báo gói đồ ăn là chuyện bình thường, ai chả làm vậy. Dùng giấy báo để thấm dầu mỡ rất tốt, chưa kể giá mua lại rất rẻ, 3.000 đồng mua được hẳn 1 kg giấy dùng gói đồ ăn nhiều ngày mới hết. Tôi cũng chưa thấy ai bị ngộ độc hay gặp vấn đề về sức khỏe khi ăn đồ ăn gói bằng giấy báo cả”.
Thực tế, việc sử dụng lại những tờ giấy báo, giấy in để gói đồ ăn có thể tiết kiệm được một khoản tiền đáng kể trong kinh doanh hoặc mang lại sự tiện lợi tức thời cho người sử dụng. Nhưng hành động này lại tiềm ẩn nhiều mối họa cho sức khỏe mà ít ai để ý.
Theo GS Nguyễn Duy Thịnh – Viện Công nghệ sinh học và thực phẩm – ĐH Bách khoa Hà Nội, thói quen sử dụng các loại giấy in, giấy báo vào việc thấm dầu mỡ, gói trực tiếp lên đồ ăn là sai lầm tai hại. Ông cho biết: “Giấy báo vốn là loại giấy chất lượng thấp, không phải giấy cao cấp nên không tinh khiết. Bên cạnh đó, loại giấy này còn được in bằng nhiều loại mực khác nhau, trong đó có mực đen làm từ hoạt chất có thể chứa chì”.
GS Thịnh cho biết, khi dùng giấy báo để gói thức ăn, đặc biệt là những loại thức ăn có nhiều dầu mỡ như thịt, bánh rán, có độ ẩm cao rất dễ xảy ra tình trạng phơi nhiễm chất chì, chưa kể mực in màu trong báo cũng dây ra thực phẩm khiến thực phẩm nhiễm bẩn.
“Những loại thức ăn ẩm ướt, có chất dung môi như dầu mỡ thì màu mực, chất chì rất dễ hòa tan. Nhưng không phải vì thế mà mọi người chủ quan, dùng giấy báo để gói thực phẩm khô như miến, mộc nhĩ… Khí hậu ở nước ta khá ẩm ướt nên thực phẩm để bên ngoài rất dễ bị ướt, lại tạo ra dung môi khi tiếp xúc với giấy báo. Tôi khuyến cáo người dân không nên dùng giấy báo, giấy in đã qua sử dụng để dùng vào việc gói thức ăn hàng ngày” – GS Thịnh cũng cho biết, hiện nhiều quốc gia trên thế giới đã quy định không sử dụng giấy báo để gói thực phẩm và thức ăn chứa dầu, có độ ẩm cao.
Những loại giấy báo, giấy in thải loại thường được dùng để gói xôi, thấm mỡ đồ ăn, bọc thực phẩm…
PGS Trần Hồng Côn, Khoa Hóa – ĐH Khoa học Tự nhiên cũng cho biết: “Sử dụng giấy báo, giấy in để gói thức ăn có khả năng gây độc hại đến sức khỏe con người. Ngày xưa, giấy báo có thể bị nhiễm chì khi dùng phương pháp in cũ như in bằng máy xếp chữ có nhiều ống xêp cũ. Ngày nay, người ta không sử dụng phương pháp in cũ mà chuyển sang in máy tính thì nguy cơ nhiễm chì đỡ hơn, nhưng việc sử dụng các loại mực không đảm bảo, không rõ nguồn gốc thì cũng có khả năng khiến giấy báo nhiễm hợp kim chì”.
Khi nói về việc một số chị em “cẩn thận” không dùng đến giấy báo in chữ mà dùng sang những tờ giấy trắng để thấm dầu, bọc đồ ăn, PGS Hồng Côn cho hay: “Việc dùng giấy trắng để bọc lót đồ ăn dầu mỡ có thể giảm bớt được mức độ nhiễm bẩn cho đồ ăn nhưng cũng không đảm bảo an toàn 100%. Vẫn có khả năng những tờ giấy trắng kia được tẩy trắng nhưng chưa được làm sạch nên có khả năng còn lưu lại chất tẩy. Tuy nhiên, theo tôi nhận định, hầu hết các loại giấy sau khi được tẩy trắng bằng Clo hoặc H2O2 thì người ta sẽ rửa, ép, sấy khô… thì cũng tương đối sạch, thậm chí có thể còn sạch hơn cả những loại giấy ăn thường chúng ta hay dùng”.
Lương Chi
Nguồn: Emdep
Chưa có bình luận.