Thứ Hai, 14/12/2015 | 07:30

Túi sưởi là sản phẩm được nhiều người sử dụng để sưởi ấm trong mùa đông. Tuy nhiên, sản phẩm này có thể gây nguy hiểm nếu người dùng bất cẩn.

Nghe dự báo thời tiết là sắp có đợt rét đậm, mấy hôm nay chị Ngọc Hà (Ba Đình, Hà Nội) đã đi nhiều cửa hàng để chọn mua túi sưởi. Chị cho biết, mẹ chồng chị tuổi cao không chịu được lạnh, chị cũng có 2 con nhỏ nên nên cứ đến mùa đông là phải mua các thiết bị sưởi ấm để trang bị cho mọi người. Những năm trước, chị cũng đã mua cho gia đình nhiều thiết bị sưởi ấm như đèn sưởi, chăn điện… Năm nay, chị muốn dùng thử túi sưởi vì nhỏ gọn, tiện dụng dễ mang theo người.

Tìm hiểu qua một số cửa hàng mới thấy thị trường túi sưởi đa dạng lắm, loại đắt cũng có mà rẻ cũng nhiều. Tuy nhiên, do nghe báo đài thông tin nhiều vụ bỏng do túi sưởi nên tôi quyết mua loại đắt một chút mà an toàn, còn hơn ham rẻ rồi cuối cùng đưa nhau vào viện”, chị nói.

Nguy cơ bỏng cao vì bất cẩn khi sử dụng túi sưởi

Túi sưởi tiềm ẩn nguy cơ nổ, bục khiến người sử dụng bị bỏng

Theo tìm hiểu của PV, hiện nay thị trường túi sưởi đang bắt đầu nhộn nhịp với nhiều sản phẩm, mẫu mã khác nhau. Túi sưởi do các hãng Việt Nam sản xuất thường được làm bằng chất liệu nhựa chịu nhiệt, trước khi đưa ra thị trường thì phải trải qua các khâu kiểm định chất lượng và chứng nhận an toàn cho người sử dụng. Ngoài ra, thị trường còn có một số loại túi sưởi có xuất xứ từ Trung Quốc thường được làm từ các chất liệu như bông, cotton, nhựa mỏng nên rất dễ bị bục, vỡ túi.

Theo kỹ sư điện Anh Tuấn, thiết kế của túi sưởi thường gồm 2 bộ phận chính là một túi đựng đầy chất lỏng (thường là nước, muối và hóa chất) có khả năng tích nhiệt cao và một bộ phận gia nhiệt. Bộ phận gia nhiệt có một rơle nhiệt độ để tự động ngắt mạch điện khi chất lỏng trong túi đạt nhiệt độ chừng 70 độ C. Bên trong túi tuyệt đối không được cho không khí đi vào vì nếu trong túi có không khí, khi sạc điện nhiệt độ tăng lên khiến áp suất tăng dễ dẫn đến nguy cơ nổ, bục túi sưởi. Chính vì thế nên trên mặt túi thường có một nút nhựa để xả khí, nhằm đảm bảo an toàn cho người sử dụng.

Theo anh Tuấn, bất kể sản phẩm nào dùng điện, trong đó có túi sưởi, đều có thể xảy ra sự cố nếu người dùng bất cẩn và không tuân thủ đúng hướng dẫn của nhà sản xuất, hoặc ham rẻ mua các sản phẩm không đảm bảo chất lượng. Trong quá trình sử dụng túi sưởi, không ít người vừa cắm điện vừa ôm hoặc ôm lên người rồi mới rút điện. Đây là việc làm rất nguy hiểm bởi nếu chẳng may túi dùng lâu bị hở, bục, rách dễ gây chập điện, khiến người ôm túi sưởi bị giật.

Nhiều trường hợp rơ le nhiệt trong túi sưởi trục trặc không ngắt, làm túi sưởi đạt độ sôi lâu cũng có thể bị vỡ. Có trường hợp túi sưởi do cắm lâu quá, nước giãn nở, đầy bọt khí… trong khi túi không thể giãn nở to hơn nên bục.

Nguy hiểm khó lường

Năm 2011, ở Tuyên Quang, túi sưởi đang sạc phát nổ đã khiến một bé gái bị bỏng 15%, trong đó 3% bỏng sâu độ III, IV tại vùng bẹn, mông và gần bộ phận sinh dục. Năm 2013, trong một đợt rét đậm, BV Xanh Pôn (Hà Nội) đã tiếp nhận 3 trường hợp bị bỏng do túi sưởi. Các bệnh nhân đều bị bỏng do túi sưởi bị bục, vỡ, dung dịch trong túi đổ vào người. Trong đó, đáng chú ý là một bệnh nhân cao tuổi bị bỏng tới 40% phần bụng.

Bác sĩ đa khoa Văn Giàukhuyến cáo, khi nổ, các dung dịch bên trong túi sưởi như nước muối và hoá chất sẽ bắn ra gây bỏng cho những người ở gần đó. Chính vì vậy, mọi người không nên ham rẻ mua các sản phẩm trôi nổi, không rõ nguồn gốc xuất xứ, thay vào đó, nên chọn mua những sản phẩm chính hãng và thường xuyên kiểm tra định kỳ.

“Túi sưởi tiềm ẩn nguy cơ bục, nổ rất cao nên phải đặc biệt thận khi sử dụng. Nên thường xuyên kiểm tra rơ le nhiệt bởi nếu rơ le nhiệt bị hỏng thì sẽ làm gia tăng nguy cơ bục, nổ. Khi sạc điện, tốt nhất là để túi thật xa chỗ đứng của trẻ em, khi túi đủ nóng thì người dùng nên chủ động ngắt điện, không chờ rơ le tự ngắt”, bác sĩ nói.

Túi sưởi có độ bền cơ học không cao, tuyệt đối không nằm đè, giẫm đạp lên sản phẩm. Khi thấy những dấu hiệu bất thường như túi biến dạng, xây xước thì cũng cần ngưng sử dụng ngay.

Minh Minh
(Theo Congluan)

Nguồn: Emdep

Chưa có bình luận.

Tin khác
Chúng tôi trên Facebook