Y học cổ truyền coi xông hơi như một biện pháp trị cảm phong hàn hữu hiệu. Hơi nóng sẽ giúp làm giãn các mạch máu dưới da, giúp máu đến nuôi da nhiều hơn, sưởi ấm cơ thể, tinh dầu của lá xông sát khuẩn đường hô hấp trên, giúp cảm thấy nhẹ nhõm, thoải mái, hết nghẹt mũi…
Đó chính là nguyên nhân xông hơi ngày càng được ưa chuộng, nhất là phái nữ. Nhưng, liệu việc xông hơi mỗi ngày một lần có tốt không, rồi thời gian xông hơi là bao lâu, hoặc ai không nên xông hơi?
Ảnh minh họa |
Xông hơi tất cả mọi ngày trong tuần được không?
Nhiều người được khuyên chỉ nên xông hơi cách ngày trong tuần để tránh ảnh hưởng sức khỏe. Tuy nhiên, trang Dailymail đưa tin, một nghiên cứu của Trường Đại học Miền đông Phần Lan ở Kuopio với 2.315 nam giới tuổi từ 42-60 cho thấy xông hơi mỗi tuần 3 lần giúp giảm 22% nguy cơ chết sớm vì bệnh tim, trong khi xông hơi 7 lần trong tuần giúp giảm 66%.
Thời gian xông hơi mỗi lần bao lâu là hợp lí?
Trang Tylolife của Anh hướng dẫn cách xông hơi khá kỹ như sau: không nên ở lâu trong phòng xông hơi lâu hơn 10 phút, với mỗi 10 phút xông hơi nên uống một ly nước lạnh và có thể xông hơi thêm 15 phút. Tuy nhiên, chỉ nên xông hơi tối đa là 30-45 phút.
Còn nghiên cứu trên của Trường đại học miền đông Phần Lan cũng cho biết, xông hơi hơn 19 phút một lần giúp giảm 54% nguy cơ chết vì bệnh tim.
Lưu ý thời gian xông hơi như trên dành cho người có sức khỏe tốt, và trước khi xông hơi nên tham khảo ý kiến của bác sĩ
Những đối tượng nên nói không với xông hơi
Phụ nữ mang thai không nên xông hơi bởi sự tăng nhiệt độ làm nóng nước ối, gây ảnh hưởng đến bào thai. Khi nóng, cơ thể mẹ xuất hiện cơ chế thoát mồ hôi nhưng bé nằm trong bụng mẹ thì không như thế. Gia tăng thân nhiệt mẹ có thể phá hủy các tế bào trong bào thai cũng như ngăn cản ôxy tới được với bé. Nguy hiểm hơn, nó còn dẫn tới dị tật thai nhi hoặc sảy thai.
Trong trường hợp nhiệt độ cơ thể lên quá 38 độ C sẽ làm tăng nguy cơ khuyết tật ống thần kinh của bé trong 3 tháng đầu tiên và mất nước về sau trong thai kỳ.
Ngoài ra, không nên xông hơi khi đang bị rối loạn tim mạch, sốt cao hay mắc các bệnh ngoài da, bị bệnh chàm; phụ nữ ở kỳ kinh nguyệt…
Các chuyên gia khuyên không nên xông hơi với người lớn tuổi, hoặc có tiền sử không dung nạp nhiệt hay không chịu được nóng.
HĐ
Chưa có bình luận.