Gút là một loại bệnh viêm khớp, đặc trưng nhất là khớp ngón chân cái nhưng có thể ở các khớp khác như khớp ở đầu gối, ngón tay, ngón chân, thậm chí khớp vai hay khớp cổ.
Gút là một loại bệnh viêm khớp, đặc trưng nhất là khớp ngón chân cái nhưng có thể ở các khớp khác như khớp ở đầu gối, ngón tay, ngón chân, thậm chí khớp vai hay khớp cổ. Nguyên nhân do rối loạn chuyển hóa dẫn đến tăng axit uric trong máu và các chất dịch khác của cơ thể. Gút hay gặp hơn ở nam giới tuổi trung niên (ước tính tỷ lệ khoảng 5% ở nam giới và 2% ở nữ giới trên 65 tuổi); tuổi càng cao càng dễ mắc bệnh hơn. Bệnh ngày càng phổ biến cùng với sự phát triển của xã hội.
Có thể nói thủ phạm trực tiếp gây bệnh gút là axit uric. Khi nồng độ axit uric cao đến một mức nhất định sẽ tạo thành các tinh thể axit uric hay muối urat ở các khớp, sụn, xương gây ra viêm khớp cấp tính và lâu dài gây tổn thương mạn tính. Hậu quả của việc tạo thành các tinh thể này là viêm cấp tính ở khớp. Tăng axit uric máu có thể là hậu quả của tăng tổng hợp axit uric trong cơ thể; giảm bài xuất axit uric qua thận; đưa vào qua thức ăn quá nhiều nhân purin (purin được chuyển hóa thành axit uric). Ở người mắc bệnh gút nguyên phát thường có tăng tổng hợp axit uric và giảm bài xuất axit uric qua thận.
Hạt tôphi lắng đọng gây tổn thương phá hủy khớp ở người bệnh gút mạn tính.
Đối tượng nguy cơ cao mắc bệnh gút
Ăn nhiều thịt, đặc biệt thịt màu đỏ, phủ tạng động vật, hải sản và ăn nhiều đường hoa quả (đường fructose) thúc đẩy tăng mức axit uric máu, tăng nguy cơ của bệnh gút; Uống nhiều rượu, đặc biệt là bia; thừa cân, béo phì khiến cơ thể tạo ra nhiều axit uric hơn và thận cần nhiều thời gian hơn để loại trừ axit uric; người bị tăng huyết áp không điều trị, đái tháo đường, rối loạn chuyển hóa và bệnh thận; dùng một số loại thuốc như lợi tiểu thiazid để điều trị tăng huyết áp, aspirin liều thấp cũng có thể gây tăng axit uric; người có tiền sử gia đình mắc bệnh gút; người có tiền sử phẫu thuật hoặc chấn thương.
Có 3 nhóm bệnh gút: Bệnh gút bẩm sinh (bệnh Lesh-Nyhan) rất hiếm gặp, do thiếu men bẩm sinh nên axit uric tăng cao từ nhỏ, người bệnh có biểu hiện toàn thân rất nặng; Bệnh gút nguyên phát chiếm đa số, liên quan đến các yếu tố di truyền và cơ địa, tăng tổng hợp purin nội sinh gây tăng axit uric; Bệnh gút thứ phát ít gặp hơn: axit uric trong cơ thể tăng thứ phát do ăn nhiều thức ăn có nhiều nhân purin, tăng thoái giáng purin nội sinh gặp trong một số bệnh hoặc sử dụng một số thuốc, giảm thải axit uric qua thận gặp trong bệnh thận.
Biến chứng của bệnh gút
Bệnh gút thường xuất hiện nhiều năm sau khi có gia tăng rõ rệt nồng độ axit uric trong máu. Trong giai đoạn đầu bệnh nhân chưa cảm thấy biểu hiện gì tuy nhiên đã có nhiều tinh thể axit uric kết tinh trong các mô và dẫn tới hủy hoại sớm ở xương, khớp, thận.
Cơn viêm cấp của bệnh xuất hiện sau một số hoàn cảnh thuận lợi như sau bữa tiệc nhiều rượu, thịt, sau phẫu thuật, sau lao động nặng, sang chấn tình cảm, sau nhiễm khuẩn cấp, sau dùng một số thuốc,… Đa số đợt cấp biểu hiện ở đốt bàn ngón chân cái. Người bệnh đang đêm thức dậy vì đau ngón chân cái một bên, đau dữ dội ngày càng tăng, chạm vào đau tăng, ngón chân cái sưng to phù nề, căng bóng, nóng đỏ trong khi các khớp khác bình thường, có thể kèm theo một số biểu hiện toàn thân. Một đợt kéo dài trung bình 5 ngày, đêm đau nhiều hơn, sau đó giảm dần và khỏi không để lại dấu vết gì. Bệnh có thể tái phát vài lần một năm. Chụp Xquang khớp xương không thấy bất thường. Xét nghiệm máu thấy axit uric tăng trên 7mg/dl, ngoài cơn axit uric có thể cao hoặc không. Chẩn đoán thường dựa vào giới (nam trên 40 tuổi), sưng đau viêm tấy ngón chân cái, xét nghiệm axit uric máu tăng trên 7mg/dl.
Bệnh gút mạn tính biểu hiện bằng dấu hiệu nổi các hạt (tôphi) do lắng đọng urat xung quanh khớp, màng hoạt dịch, đầu xương, sụn; viêm đa khớp nhỏ và nhỡ như khớp bàn ngón chân, tay, đốt ngón gần, cổ tay, gối, khuỷu tay, không đau nhiều, diễn biến chậm; biểu hiện ngoài khớp là do lắng đọng tinh thể. Xét nghiệm: axit uric máu bao giờ cũng tăng, dịch khớp có biểu hiện viêm, Xquang có hình ảnh khuyết xương hình hốc ở đầu xương. Gút mạn tính tiến triển chậm và kéo dài, tăng dần, có những đợt cấp tính làm bệnh nặng thêm. Nếu phát hiện sớm, điều trị tích cực sẽ giảm nhẹ triệu chứng. Nếu không điều trị, gút có thể gây phá hủy, biến dạng khớp, lắng đọng tinh thể urat để hình thành các hạt tophi ở dưới da, thường ở ngón tay, bàn tay, khuỷu chân hoặc gân Achil dọc theo mặt sau của mắt cá chân. Thậm chí gây lắng đọng tinh thể urat ở đường tiết niệu gây sỏi thận.
Điều trị như thế nào?
Điều trị gút chủ yếu là giảm đau, ngăn ngừa cơn gút cấp tái phát và biến chứng bằng các thuốc và chế độ ăn uống.
Thuốc: Với đợt cấp tính cần khống chế viêm càng sớm càng tốt bằng các thuốc chống viêm như colchicin, indomethacin…; thuốc giảm lượng axit uric trong máu: allopurinol, axit oxalic; thuốc tăng thải axit uric qua thận. Với gút mạn tính, mục tiêu là giảm rõ rệt lượng axit uric máu, tránh được các đợt gút cấp tính, giảm hạt tôphi, giảm kết tủa urat và những hậu quả nguy hại của chúng. Dùng thuốc colchicin, thuốc tăng thải axit uric, thuốc ức chế chuyển hóa thành axit uric.
ThS. Hải Yến
3 nguyên tắc vàng về ăn uống hợp lý đối với người mắc bệnh gút
Mặc dù có rất nhiều loại thuốc giảm axit uric máu nhưng ăn uống điều độ và đúng cách góp phần không nhỏ vào việc giảm mức axit uric máu:
– Tránh ăn những thực phẩm giàu nhân purin như nội tạng động vật (tim, gan, bầu dục, lòng,…) hoặc hải sản cũng như da của gia cầm, lợn và cá.
– Tránh uống rượu, nhất là bia hoặc chỉ uống lượng ít nhất có thể nếu không tránh được vì rượu làm giảm thải axit uric vào nước tiểu, bia có chứa nhân purin.
– Duy trì cân nặng hợp lý bằng cách giảm dần trọng lượng cơ thể, tuyệt đối không nhịn ăn vì chế độ ăn ít năng lượng sẽ khiến cơ thể tăng tạo ra axit uric.
Nguồn: SKĐS
Chưa có bình luận.