Thứ Năm, 26/11/2015 | 12:32

Bệnh trĩ điều trị không khó, nhất là trong giai đoạn đầu, bệnh nhân có thể chỉ cần dùng thuốc giảm đau, kháng viêm, thuốc bôi tại chỗ, nghỉ ngơi, điều chỉnh chế độ ăn uống, ăn nhiều chất xơ…

Bệnh trĩ điều trị không khó, nhất là trong giai đoạn đầu, bệnh nhân có thể chỉ cần dùng thuốc giảm đau, kháng viêm, thuốc bôi tại chỗ, nghỉ ngơi, điều chỉnh chế độ ăn uống, ăn nhiều chất xơ… Tuy nhiên, trên thực tế phần lớn bệnh nhân mắc trĩ thường đi khám và điều trị muộn.

Biểu hiện của bệnh trĩ

Trĩ là bệnh rất phổ biến, xảy ra khi có sự phình tĩnh mạch ở mô xung quanh hậu môn. Trong đó, thói quen sinh hoạt với chế độ ăn nhiều thức ăn tinh chế, chế biến sẵn, ít ngũ cốc và chất xơ gây khó tiêu và táo bón là nguyên nhân chính gây nên tình trạng này.

Người mắc bệnh trĩ cần biết

Hình ảnh bệnh trĩ

Bệnh trĩ được chia thành 2 loại: trĩ nội và trĩ ngoại. Trĩ nội là những búi trĩ xuất hiện phía trên cơ thắt hậu môn, là loại trĩ thường gặp. Trĩ ngoại là những búi trĩ xuất hiện phía dưới cơ thắt hậu môn. Khi bị trĩ, người bệnh thường có biểu hiện như sau:

Ban đầu người bệnh thường phát hiện có máu ở giấy vệ sinh, hoặc thấy vài tia máu đỏ ở phân, hoặc máu chảy thành giọt, thành tia khi đại tiện táo bón. Nặng hơn, có thể chảy máu hậu môn mỗi khi đại tiện, thậm chí khi ngồi xổm, khi đi lại nhiều. Triệu chứng chảy máu sau khi đại tiện cũng có thể gặp ở các bệnh khác như: ung thư trực tràng, viêm loét đại trực tràng chảy máu, polyp đại trực tràng… cho nên người bệnh cần được thăm khám tại cơ sở y tế chuyên khoa để chẩn đoán chính xác, loại trừ các bệnh lý trên.

Người mắc bệnh trĩ cần biết

Chế độ ăn nhiều chất xơ giúp phòng bệnh hiệu quả.

Sau một thời gian bị chảy máu khi đi đại tiện, người bệnh có thể cảm thấy sau mỗi lần đại tiện lại thấy có một khối nhỏ lồi ra ở lỗ hậu môn, sau đó khối đó tự tụt vào. Càng về sau khối lồi ra đó to lên dần và không tự tụt vào sau khi đi đại tiện nữa mà phải dùng tay ấn vào.

Trĩ nội lúc đầu khu trú hoàn toàn bên trong hậu môn, về sau khi trĩ to lên thì sa ra ngoài hậu môn, có thể trĩ bị phù nề hoặc sưng to, không thể đẩy vào được, gây đau đớn.

Bệnh trĩ nếu không được điều trị kịp thời và đúng cách có thể dẫn đến biến chứng: nhiễm khuẩn, nghẹt, tắc mạch trĩ… làm bệnh nhân rất đau đớn, ảnh hưởng rất lớn đến sinh hoạt và lao động.

Không nên chủ quan

Nguyên nhân chủ yếu khiến người bệnh trĩ thường điều trị muộn là do người bệnh chủ quan, coi thường những ảnh hưởng của bệnh vì khi ở giai đoạn đầu bệnh không gây đau nhiều. Bên cạnh đó, do bệnh ở vùng kín nên bệnh nhân thường ngại đi khám, chỉ đến khi đã ở giai đoạn nặng, bị chảy máu nhiều hoặc bị sa búi trĩ mới đến cơ sở y tế khám, khi đó thường không thể dùng thuốc mà phải chỉ định phẫu thuật.

Tùy từng trường hợp cụ thể và mức độ bệnh bác sĩ sẽ chỉ định các phương pháp như: chích xơ, thắt dây thun, đốt, phẫu thuật cắt trĩ, phẫu thuật Longo…

Bệnh nhân cần chú ý

Phẫu thuật điều trị bệnh trĩ không phức tạp nhưng để an toàn và hiệu quả, sau phẫu thuật, bệnh nhân cần chú ý những vấn đề sau: Vệ sinh sạch sẽ hậu môn bằng nước ấm, giữ khô vết thương bằng cách lót giấy thấm sạch; không bôi thuốc, không ngâm hậu môn trừ khi có chỉ định của bác sĩ. Trong những ngày đầu sau mổ, vết thương có thể thấm dịch màu hồng, thường 8 tuần sau khi phẫu thuật, rỉ dịch vết thương sẽ hoàn toàn khỏi. Nếu vết thương ra máu cục, hoặc rỉ dịch kéo dài cần đến cơ sở y tế khám lại ngay.

Người mắc bệnh trĩ cần biết

Phẫu thuật điều trị bệnh trĩ. Ảnh :TL

Sau mổ 24 giờ, bệnh nhân có thể ăn uống bình thường, tuy nhiên cần tránh ăn các gia vị cay nóng, không ăn cà rốt, kiêng rượu bia. Nên ăn thức ăn mềm, dễ tiêu, nhiều chất xơ, uống đủ nước để phòng ngừa táo bón. Trường hợp đại tiện lắt nhắt nhiều lần trong ngày, cảm giác nặng hay đau hậu môn, dùng thuốc giảm đau không đỡ, cần thông báo cho bác sĩ hoặc điều dưỡng để được hướng dẫn.

Người bệnh nên vận động nhẹ nhàng, không ngồi hoặc đứng một chỗ quá lâu, gây áp lực cho vùng hậu môn dễ tái phát bệnh. Không đi xe máy trong 2 tuần đầu để phòng ngừa chảy máu do cọ xát va chạm. Tạm ngừng quan hệ tình dục cho đến khi lành vết thương. Cần tái khám theo đúng lịch hẹn của bác sĩ điều trị.

Bác sĩ Nguyễn Văn An

Lời khuyên của thầy thuốc

Để phòng ngừa và điều trị bệnh trĩ, cần điều chỉnh thói quen ăn uống: Ăn nhiều chất xơ (rau xanh, củ quả tươi, ngũ cốc); Hạn chế ăn thức ăn có gia vị cay nóng như ớt, hạt tiêu. Tránh các chất kích thích như: cà phê, rượu, bia, chè đặc. Uống đủ nước. Tập thói quen đi đại tiện đều đặn hàng ngày. Tập thể dục đều đặn, chơi thể thao vừa sức: bơi, đi bộ, tập dưỡng sinh… Không nên làm việc quá sức kéo dài. Điều trị tốt các bệnh táo bón, tiêu chảy vì khi bị tiêu chảy, táo bón người bệnh thường đi đại tiện nhiều lần, rặn nhiều gây tăng áp lực ổ bụng và ống hậu môn; bệnh viêm phế quản mạn tính, giãn phế quản do ho nhiều làm tăng áp lực trong ổ bụng, dễ gây bệnh trĩ. Khi có dấu hiệu mắc bệnh trĩ, người bệnh nên đến cơ sở y tế chuyên khoa khám và điều trị sớm.

Nguồn: SKĐS

Chưa có bình luận.

Tin khác
Chúng tôi trên Facebook