Dê cho nhiều sản phẩm quý làm thuốc như mỡ, huyết, thận, ngọc dương… Sau đây xin điểm một số bộ phận làm thuốc từ dê.
Những câu chuyện về loài dê
Là một động vật thuộc họ sừng rỗng, dê giống như trâu, bò… nhưng dê lại là đối tượng của nhiều câu chuyện dân gian. Những đôi trai gái thì đem dê ra để làm cái cớ cho việc thề thốt yêu đương: “… Cắt cổ con dê, lấy huyết ra thề”, thậm chí mức độ thề thốt đã lên đến đỉnh điểm: “… Sống không làm được bạn, chết cũng chôn kề một bên”. Xếp trong hàng thứ 8 (năm mùi) của 12 con giáp, chứ có phải thứ nhất thứ nhì gì cho cam, thế mà dê vẫn được con người sủng ái. Chẳng qua chỉ vì cái “lý lịch” quá hoành tráng của họ hàng nhà dê. Như ta đã biết, loài dê hiện nay còn gọi là dê nhà Capra hircus L., có nguồn gốc từ loài dê núi Capra prisca. Về sau được lai tạp với nhiều giống dê khác như dê núi Ấn Độ Capra aegagrus. Loài dê ở nước ta vẫn chưa rõ nguồn gốc, dáng vóc rất khiêm tốn, chỉ cao độ 50cm, chân nhỏ, tai đứng, lông nhiều màu sắc, sừng cong nhọn về phía sau. Tuy thế, những chú dê đực trông rất vạm vỡ và rất oai phong với bộ râu dài và rậm, càng về già càng xoắn lại. Dê có những điểm mà các động vật ăn cỏ khác không có. Dê có thể trèo nhanh trên các vách núi đá chênh vênh, có thể ăn một cách ngon lành các loài cây có gai, thậm chí có mủ độc như cây xương rồng. Tuy có dáng đi “khệnh khạng”, song mỗi con dê đực có thể “kiểm soát” tới 60 con dê cái là chuyện bình thường. Còn dê cái cũng không kém, cứ 18-20 ngày một kỳ, nó muốn làm mẹ của những chú dê con. Dê cái đẻ khỏe, mỗi lần đẻ 2-3 con, có giống đẻ tới khoảng 10 con. Và chỉ cần mang thai khoảng 147 – 150 ngày đã đẻ lứa khác, một năm có thể đẻ nhiều lứa. Có lẽ vì những nét đặc biệt này mà phái mày râu luôn có những hy vọng vào sự trợ giúp của loài dê.
Dê cho nhiều sản phẩm quý làm thuốc như mỡ, huyết, thận, ngọc dương… Sau đây xin điểm một số bộ phận làm thuốc từ dê.
Thịt dê
Theo y học cổ truyền, thịt dê có vị ngọt, tính ấm, không độc, quy vào 3 kinh: tỳ, vị và can. Công năng mạnh dương đạo, bổ tinh huyết, ấm trung tiêu, an tâm thần. Dùng trong các chứng khí huyết hao tổn, đau lưng, thận dương suy kém, liệt dương, hoạt tinh, ra nhiều mồ hôi, phụ nữ gầy yếu, khí hư, sau sinh ít sữa. Ngày dùng 30-40g, có thể nấu với 8-10g xuyên khung.
Huyết dê tửu
Chọn những con dê đực ở tuổi trưởng thành, khỏe mạnh, tiến hành vệ sinh, sát trùng phần cổ, cắt lấy tiết, bỏ đoạn đầu, hứng tiết vào một bình chứa rượu có nồng độ 40o với tỷ lệ tiết/rượu là 1/3 – 1/4 (theo thể tích), tức 1 phần tiết, 3 hoặc 4 phần rượu, lắc đều. Rượu tiết dê có tác dụng bổ huyết, bổ thận tráng dương và lưu thông khí huyết. Dùng cho các trường hợp xanh xao, gầy yếu, hay choáng váng, chân tay lạnh, đau đầu, đau lưng, đau xương cốt. Nam giới yếu sinh lý, liệt dương, di tinh, tiết tinh sớm. Nữ giới huyết hư, sản hậu… Ngày dùng 30-50ml. Tuy nhiên cũng không nên quá lạm dụng loại nguyên liệu này, vì nó là một loại thực phẩm tươi sống.
Cách chế ngọc dương tửu
Nguyên liệu là những quả thận dê đã được cắt bỏ phần màng trắng bên trong, hoặc toàn bộ bộ phận sinh dục (ngọc hành), đôi khi cả dương vật của dê. Đem nguyên liệu bóp đều với rượu gừng tươi (100g gừng tươi, giã nát, trộn đều với 300ml rượu 35-40o) và để trong 30 phút. Lấy ra bỏ hết gừng, thái thành các lát mỏng. Lần 1: Đem nguyên liệu đã xử lý ngâm ngập vào rượu dược dụng 60o trong 3 – 6 tháng. Lần 2: ngâm trong 3 tháng, nồng độ rượu 35 – 40o. Lần 3 ngâm trong 1 tháng, nồng độ rượu 35 – 40o. Gộp dịch chiết rượu của 3 lần lại. Mặt khác, để tăng thêm tác dụng bổ nội tiết, bổ sinh dục, người ta còn pha chế thêm rượu thuốc vào rượu ngọc dương, với các vị thuốc như hà thủ ô đỏ, ba kích, mỗi vị 150g; dâm dương hoắc (chích mỡ dê) 50g; huyết giác 20g; tiểu hồi, trần bì, mỗi vị 10g ngâm trong rượu trắng 35-40o, với tỷ lệ 1 phần thuốc, 8 -10 phần rượu (lượng thuốc này chỉ đủ cho một bộ nguyên liệu từ một con dê). Số ngày ngâm: lần 1 ngâm 1 tháng, lần 2 ngâm 3 tuần, lần 3 ngâm 2 tuần. Gộp dịch thuốc của các lần ngâm lại. Sau đó có thể tiến hành pha chế theo tỷ lệ 1 : 1 (một phần rượu dê, một phần rượu thuốc, hoặc 1 : 2). Đem rượu ngọc dương rót từ từ vào rượu thuốc, vừa rót vừa dùng đũa thủy tinh quấy đều để tránh rượu bị tủa. Có thể pha thêm ít đường trắng cho dễ uống. Tùy theo khối lượng của các nguyên liệu đem ngâm rượu, song lượng rượu thành phẩm phải có được gấp khoảng 8-10 lần trọng lượng của nguyên liệu động vật và thuốc thảo mộc đem ngâm.
GS.TS. Phạm Xuân Sinh
Chưa có bình luận.