Chủ Nhật, 06/09/2015 | 12:10

Các thuốc bao gồm thuốc tân dược, thuốc y học cổ truyền (thuốc Nam, thuốc Bắc, thuốc y học dân tộc)

Thuốc dùng để chữa bệnh nhưng tất cả các thuốc đều có thể gây ngộ độc.

Ngộ độc thuốc là một khái niệm rộng bao gồm:

– Các tác dụng có hại do dùng quá liều thuốc

– Các tác dụng phụ có hại khi dùng đúng liều lượng (side efects, các tác dụng có hại và không phải là tác dụng chính của thuốc).

– Các phản ứng có hại của thuốc (adverse drug reactions – ADR, có hại và xảy ra không mong muốn khi dùng đúng liều). Nguyên nhân có thể do bản thân thuốc, do tác dụng qua lại giữa các thuốc dùng đồng thời hoặc giữa thuốc với thức ăn hoặc do một số yếu tố đặc biệt của cơ thể người bệnh.

Một số quan niệm sai phổ biến là các thuốc y học cổ truyển là “thảo dược” từ “ tự nhiên”, “lành tính”, “không độc hoặc ít độc”. Thực tế các thuốc y học cổ truyền có rất nhiều thành phần phức tạp chưa biết đến, việc đánh giá, quản lý và sử dụng còn rất lỏng lẻo và nhiều bất cập.

Biểu hiện ngộ độc thuốc

Biểu hiện rất đa dạng, có thể từ nhẹ (như buồn ngủ, hơi mệt, …) đến nặng, (như khó thở, tụt huyết áp, loạn nhịp tim, …. thậm chí có thể tử vong)

Xuất hiện các dấu hiệu bất thường sau khi hoặc khi đang dùng thuốc. Các biểu hiện này có thể là các biểu hiện mới xuất hiện, không phải các biểu hiện bệnh bạn đang bị hoặc có thể bạn chỉ thấy bệnh nặng hơn.

Bạn cần nghĩ tới ngộ độc thuốc khi thấy có các yếu tố sau:

– Dùng thuốc với số lượng nhiều hơn thường thấy

– Người dùng thuốc đang trong tình trạng buồn chán, có mâu thuẫn, có ý tưởng tự sát, bức xúc.

– Nhầm lẫn khi dùng thuốc: nhầm thuốc với đồ ăn, thức uống, nhầm lẫn giữa các thuốc với nhau.

– Một số lượng lớn thuốc bị mất hoặc bị hao hụt không rõ lý do (căn cứ vào tổng lượng thuốc mua về, số lượng dùng hàng ngày).

Chẩn đoán ngộ độc thuốc

Người bệnh và gia đình hoặc người đi cùng

Mang theo hoặc cung cấp tất cả các thông tin liên quan đến việc dùng thuốc của bệnh nhân dẫn tới ngộ độc: đơn thuốc, lọ thuốc, vỉ thuốc (kể cả đã bóc hết thuốc), viên thuốc các thông tin về bệnh phải dùng thuốc.

Các thông tin về việc dùng thuốc của người bệnh rất quan trọng, giúp bác sĩ chẩn đoán chính xác nhanh chóng và giảm các xét nghiệm không cần thiết.

Các bác sĩ

Các bác sĩ dựa trên các thông tin hỏi bệnh, khám, các thông tin về việc dùng thuốc, kết hợp với các kết quả xét nghiệm (gồm các xét nghiệm thông thường và xét nghiệm xác định thuốc đã gây ra ngộ độc) và theo dõi sẽ cho ra hướng chẩn đoán ngộ độc thuốc.

Điều trị ngộ độc thuốc

Sơ cứu

Tùy theo từng trường hợp bạn sẽ cần áp dụng các biện pháp khác nhau. Xin xem cụ thể ở bài giới thiệu về ngộ độc.

Gọi điện tới trung tâm chống độc, thông báo cho bác sĩ đã kê đơn và dược sĩ liên quan. Trường hợp nặng, gọi cấp cứu, nhân viên y tế hoặc người hỗ trợ gần nhất hoặc mang theo bệnh nhân tới cơ sở y tế.

Tại cơ sở y tế

Bác sĩ sẽ quyết định áp dụng các biện pháp cần thiết tùy theo từng loại ngộ độc và tình trạng người bệnh:

– Tạm ngừng hoặc ngừng hẳn thuốc nghi ngờ gây ra tác dụng có hại, tác dụng phụ (trong trường hợp dùng thuốc đúng liều cho phép)

– Các biện pháp tẩy độc nếu người bệnh đến sớm sau ngộ độc. Áp dụng tùy theo từng bệnh nhân, ví dụ uống nước sau đó gây nôn, rửa dạ dày, uống than hoạt tính.

– Các biện pháp tăng thải chất độc ra khỏi cơ thể: ví dụ lợi tiệu, lọc máu …

– Dùng thuốc giải độc với một số trường hợp.

– Chữa các dấu hiệu triệu chứng của bệnh nhân đang có: ví dụ giảm đau, chống nôn.

Phòng tránh ngộ độc thuốc

Tìm hiểu và tuân thủ các dùng thuốc an toàn

Sau khi đã dùng thuốc theo đơn tại nhà, bạn cần khám lại theo hướng dẫn của bác sĩ để có thể điều chỉnh về đơn thuốc sao cho hiệu quả và an toàn. Trong khi đang dùng thuốc, nếu có bất cứu diễn biến bất thường nào bạn cũng cần thông báo lại cho bác sĩ hoặc dược sĩ hoặc tới khám lại. Nếu cần cấp cứu bạn cần đến cơ sở y tế gần nhất.

Bệnh nhân ngộ độc thuốc do tự sát, bị bệnh tâm thần hoặc có biểu hiện nghi ngờ bệnh tâm thần (ví dụ: mất ngủ kéo dài, thường xuyên buồn chán không rõ lý do) cần được khám chuyên khoa tâm thần. Những người bị bệnh tâm thần rõ, vẫn có ý tưởng tự sát tiếp, đã tự tử nhiều lần cần được chuyển sang chuyên khoa tâm thần điều trị với sự đi cùng và giám sát của nhân viên y tế trong khi vận chuyển.

SAU ĐÂY LÀ CÁC HƯỚNG DẪN CỤ THỂ GIÚP BẠN PHÒNG TRÁNH NGỘ ĐỘC THUỐC

– Trước khi dùng thuốc hoặc dùng thêm một thuốc mới, bạn cần cung cấp các thông tin sau cho bác sĩ, dược sĩ:

+ Quá trình bệnh tật của bạn đang bị, các trạng thái đặc biệt của cơ thể bạn (đặc biệt là có thai, cho con bú).

+ Các bệnh bạn đã bị trước đây (bao gồm các bệnh dị ứng)

+ Các thuốc và các biện pháp chữa trị bạn mới hoặc đang áp dụng. Lưu ý bao gồm tất cả các thuốc bạn tự mua và bạn mua theo đơn, các vitamin, các chế phẩm bổ sung dinh dưỡng (thường gọi là thực phẩm chức năng).

– Cần chủ động hỏi bác sĩ, dược sĩ

+ Các câu hỏi liên quan đến thuốc bạn sẽ dùng, diễn biến bệnh tật khi dùng thuốc, cách theo dõi khi dùng thuốc, chế độ ăn uống, sinh hoạt…

+ Có thể ghi sẵn các câu hỏi để tránh quên và ghi chép lại khi được trả lời. Bạn cũng có thể cần người đi cùng nếu bạn nghĩ không hiểu hết, không nhớ được các thông tin (đặc biệt người già, trẻ em, người mắc bệnh tâm thần, người hay quên).

– Tìm hiểu các thông tin về thuốc:

1) Tên biệt dược (tên thương mại), tên gốc (tên hóa chất) của thuốc. Ví dụ biệt dược Losec có hoạt chất là omeprazole.

2) Thành phần của thuốc: ví dụ trong 1 viên thuốc Losec 20mg có thành phần là omeprazole với hàm lượng 20mg.

3) Chỉ định và chống chỉ định của thuốc

4) Cảnh báo, thận trọng khi dùng thuốc.

5) Các tác động qua lại của thuốc với thuốc khác, với thức ăn, đồ uống, thuốc lá.

6) Tác dụng có hại, tác dụng phụ của thuốc.

7) Khả năng cơ thể của bạn trở nên quen thuốc, phụ thuộc vào thuốc, nghiện thuốc.

8) Quá liều thuốc: biểu hiện, cách xử trí.

9) Liều dùng, cách dùng thuốc.

10) Cách bảo quản thuốc

11) Hạn sử dụng của thuốc

12) Bạn có thể tìm các thông tin trên từ bác sĩ, dược sĩ, tờ rơi trong hộp thuốc, vỉ thuốc …, sách báo thư viện, internet,…

– Đánh giá việc dùng thuốc của bạn:

Cán bộ Y-Dược giúp bạn đánh giá việc dùng thuốc và có nên thay đổi việc dùng thuốc hay không. Đặc biệt, người bác sĩ trực tiếp khám và chữa bệnh cho bạn là người giúp bạn có quyết định chính xác nhất.

– Đọc kỹ nhãn mác trước khi sử dụng

+ Đọc nhãn mác mỗi khi bạn mua thuốc, kể cả thuốc không mua theo đơn.

+ Đọc kỹ nhãn mác mỗi lần trước khi dùng thuốc, đảm bảo đúng tất cả 5 điều sau:

1) Đúng tên thuốc

2) Đúng người bệnh

3) Đúng số lượng

4) Đúng thời gian

5) Đúng cách dùng

– Khi đang dùng thuốc, không tự ngừng thuốc hoặc thay đổi việc dùng thuốc, khác với những gì đã được hướng dẫn.

– Thông báo ngay khi cần thiết khi thấy dấu hiệu bất thường:

Nếu bạn thấy nghi ngờ có tác dụng có hại, có diễn biến bất thường hoặc cần biết thêm thông tin gì liên quan đến việc dùng thuốc, hãy thông báo và hỏi bác sĩ, dược sĩ, trung tâm chống độc hoặc tới cơ sở y tế gần nhất.

Bệnh viện Bạch Mai

Chưa có bình luận.

Tin khác
Chúng tôi trên Facebook