Có nhiều loại nấm trên thế giới, trong đó có gần 100 loài gây độc. Ngộ độc nấm vẫn thường xảy ra. Xác định loại nấm chủ yếu dựa theo kinh nghiệm.
Trên thực tế nấm lành và nấm độc nhìn giống nhau, rất khó phân biệt. Ngộ độc nấm thường do ăn nhầm phải nấm độc, người dân tự hái nấm mọc hoang để ăn, thường gặp ở vùng rừng núi, mùa xuân. Ăn phải nấm độc gây suy gan, suy thận thì tử vong cao trên 50%.
Các dấu hiệu khi bị ngộ độc nấm độc
Nhóm nấm độc gây triệu chứng sớm trong 3-6 giờ sau khi ăn
(ít nguy hiểm hơn, ít tử vong, có thể điều trị khỏi hoàn toàn)
– Nấm mũ khía (chất độc của nấm là muscarin): có nhiều trong các loài nấm thuộc chi Inocybe và Clitocybe. Người bệnh bị tăng tiết nước bọt, đau bụng, ỉa chảy, chảy nhiều đờm dãi, khó thở, môi tím nhợt, da tái lạnh, chảy nước mắt, khi soi đèn pin vào mắt sẽ thấy đồng tử (con ngươi) bị co nhỏ lại rất nhiều khi so sánh với người bình thường, mạch chậm, tụt huyết áp.
Nấm mũ khía Inocybe fastigiata
Nấm mũ khía Inocybe patouillardi
– Nấm mực (chất độc của nấm là coprine): dấu hiệu ngộ độc sớm trong khoảng 30 phút, người bệnh thấy da mặt và cổ ửng đỏ, nôn, có thể thấy vị tanh trong miệng, đau dầu nhiều, chóng mặt, tay chân cảm giác như có kiến bò, tim đập nhanh, hồi hộp đánh trống ngực, có thể co giật.
Nấm mực nhỏ mọc cụm Coprinus disseminatus
Nấm mực Coprinus atrmentarius
– Nấm mặt trời, nấm da báo (chất độc của nấm là Ibotenic và muscimol): dấu hiệu ngộ độc sớm sau ăn khoảng 30 phút – 90 phút, người bệnh lơ mơ, buồn ngủ hoặc giãy giụa, ảo giác, mê sảng ở người lớn, rung giật cơ, co giật, trẻ nhỏ có thể rối loạn thần kinh, mạch nhanh, đỏ da, đồng tử giãn, khô môi miệng. Dấu hiệu giống ngộ độc atropin. Thường gặp ngộ độc nấm Amanita muscaria và Amanita pantherina
Nấm mụn trắng Amanita pantherina
Nấm mặt trời Amanita Muscaria
– Nấm gây độc với thần kinh (chất độc là psilocybin): người bệnh bị ảo giác thính giác, thị giác hoặc xúc giác, lẫn lộn, dị cảm, bồn chồn, lo lắng, có thể kích động, nặng hơn có thể hôn mê, co giật. Ngoài ra có thể thấy yếu chây tay, mệt mỏi, buồn nôn, nôn, tiểu không kiểm soát được, cồn cào trong bụng, đau bụng, sốt, khi soi đèn pin vào mắt thấy đồng tử giãn to (nấm: Psilocybe cubensis)
Psilocybe cubensis
– Ngoài ra còn một số nấm gây triệu chứng đường tiêu hoá: đau bụng, nôn, ỉa chảy.
– Cần đề phòng nếu người bệnh ăn nhiều loại nấm và xuất hiện triệu chứng sớm cũng có thể nặng gây tử vong.
Nhóm nấm độc có triệu chứng xuất hiện sau ăn 6 giờ trở lên
(là nhóm nấm nguy hiểm, ngộ độc nặng do suy gan – thận, tử vong cao (40- 60%)
Nấm xanh đen (nấm Amanita Phalloide, độc tố là amatoxin): dấu hiệu ngộ độc xuất hiện chậm sau ăn 6-12 giờ, có thể chậm hơn nữa. Diễn biến ngộ độc qua 3 pha:
+ Pha 1: người bệnh thấy đau bụng, nôn, ỉa chảy.
+ Pha 2: Người bệnh thấy ổn định hơn trong vòng 1 – 2 ngày, nhất là khi được điều trị truyền dịch, bù nước điện giải. Người bệnh và nhân viên y tế dễ nhầm tưởng là khỏi bệnh và xin về hoặc cho ra viện.
+ Pha 3: Tổn thương gan – thận rõ dần, người bệnh thấy mệt mỏi nhiều, vàng da, chảy máu nhiều nơi (trên da, chân răng, đái ra máu, đi ngoài phân màu đỏ hoặc đen, ho ra máu…), nước tiểu ít và sẫm màu như nước vối. Nặng hơn người bệnh sẽ lờ đờ, hôn mê, co giật. Người bệnh thường tử vong trong tuần đầu. Kể cả được điều trị tích cực, lọc máu và thay máu thì vẫn tử vong >50%.
– Ngoài ra còn có loài Amanita verna, Amanita virosa.
Nấm Amanita Phalloide
Nấm Amanita verna
Nấm Amanita virosa
– Nấm có độc tố allenic nocleucine, orellanine: các dấu hiệu ngộ độc xuất hiện muộn sau ăn từ 1 đến 12 ngày, người bệnh đái ít hoặc không có nước tiểu do bị suy thận
Xác định ngộ độc nấm: Dựa vào việc có ăn nấm, các dấu hiệu sau khi ăn nấm, thời gian tới khi có dấu hiệu ngộ độc để định hướng loại ngộ độc nấm và gọi điện thoại tới Trung tâm Chống độc xin tư vấn và đưa người bệnh vào bệnh viện cấp cứu.
Xử trí cấp cứu ngộ độc nấm độc
Sơ cứu tại chỗ
– Gây nôn nếu mới ăn nấm trong vòng 1 giờ.
– Cho uống than hoạt nếu người bệnh mới ăn nấm trong vòng 1-3 giờ. Than hoạt gói 20g pha với 100ml nước (trẻ em cho liều 1g/kg than hoạt uống), uống chậm để tránh bị sặc. Tốt nhất là có than hoạt loại nhũ dịch AntipoiBMai vì đã có cả thuốc nhuận tràng.
– Chuyển người bệnh tới cơ sở y tế.
Tại cơ sở y tế
– Rửa dạ dày có thể thực hiện ở bệnh nhân người lớn và trẻ lớn nếu ăn nấm độc nguy hiểm và thời gian sau khi ăn trong vòng 1-2 giờ. Nhân viên y tế đã được huấn luyện về rửa dạ dày, cho uống than hoạt và thuốc tẩy.
– Truyền tĩnh mạch nếu mất nước nặng dẫn đến tụt huyết áp: dịch truyền nên chọn ringer lactat hoặc natriclorua 0,9%.
– Tại cơ sở y tế các thầy thuốc sẽ đánh giá theo dấu hiệu lâm sàng và mức độ nặng để quyết định phương pháp điều trị hoặc chuyển tuyến. Bệnh nhân có suy gan – thận nặng có thể được thay máu, lọc máu.
– Chú ý: với loại nấm biểu hiện ngộ độc xuất hiện muộn sau ăn, dễ bị chủ quan, nguy hiểm và dễ tử vong, cần được chữa tích cực và theo dõi sát tại có sở y tế có điều kiện hồi sức cấp cứu tốt. Khi người bệnh đã đỡ ỉa chảy, không xin về nhà ngay, phải theo dõi và điều trị thêm vài ngày tới khi bác sĩ quyết định cho ra viện.
Phòng tránh ngộ độc nấm độc
Không ăn nấm rừng và nấm mọc tự nhiên vì phân biệt nấm lành và nấm độc rất khó.
Cẩm nang truyền thông các bệnh thường gặp – Bệnh viện Bạch Mai
Chưa có bình luận.