Xơ hóa cơ ức đòn chũm là một trong những nguyên nhân khiến trẻ bị vẹo cổ. Nếu không sớm phát hiện, khối xơ sẽ cứng chắc, khiến trẻ bị vẹo cổ suốt đời, khả năng chữa khỏi hẳn cũng sẽ giảm dần nếu cha mẹ phát hiện muộn.
Chị Hậu (Bắc Từ Liêm, Hà Nội) sinh con đã được 2 tuần nay nhưng chị để ý thấy con khi ngủ thường nghiêng đầu sang bên phải. Chị chỉnh cổ cho con được một chút thì con lại nghiêng đầu như cũ. Chị đưa con đi khám thì được chuẩn đoán là bị vẹo cổ do xơ hóa cơ ức đòn chũm bẩm sinh. Để chữa được chỉ có thể đưa bé đi tập vật lý trị liệu cổ, nếu để muộn hơn thì con chị sẽ bị tật vẹo cổ suốt đời.
Cũng giống trường hợp của chị Hậu, chị Phương (Hoàng Mai, Hà Nội) cũng có con bị vẹo cổ do xơ hóa cơ ức đòn chũm và hiện đang cho con tập VLTL. Chị cho biết: “Lúc mới sinh con mình không để ý nên không biết con bị xơ hóa cơ ức đòn chũm, thấy con ngủ nghiêng đầu mình cứ nghĩ tư thế đấy là thoải mái cho con nên cũng kệ. Khi con được hơn 2 tháng tuổi, biết lật rồi mình mới thấy con chỉ quay về phía bên trái, chỉnh lại cổ thì con khóc. Mang đi khám bác sĩ thì bảo phải cho tập VLTL và phải kiên trì lắm thì may ra chữa được”.
Chị Phương cho biết, mỗi ngày chị đều đưa con đi tập VLTL tại viện Chỉnh hình và phục hồi chức năng, mỗi buổi tập 30 phút với chi phí 200.000 đồng/buổi. Sau hơn 1 tháng luyện tập, khối xơ hóa đã bắt đầu mềm ra và tiến trình điều trị có vẻ khả quan.
Nếu không phát hiện sớm, trẻ có thể sẽ phải sống chung với tật vẹo cổ suốt đời.
Bác sĩ chuyên ngành Vật lý trị liệu Phan Hùng cho biết: “Mỗi ngày, chúng tôi tiếp nhận rất nhiều trẻ em bị vẹo cổ để tiến hành tập VLTL. Xơ hóa cơ ức đòn chũm bị gây ra bởi thai nhi nằm ngang hoặc ở ngôi mông, bị nhau quấn cổ, mạch máu nuôi cơ ức đòn chũm bị chèn ép khiến cơ này bị thiếu máu nuôi, lâu dần khiến cơ bị xơ hóa và co rút gây vẹo cổ”.
Để nhận biết trẻ có bị xơ hóa cơ ức đòn chũm lúc mới sinh hay không, các bậc cha mẹ cần quan sát kỹ hai bên cổ của trẻ. Khoảng một tuần sau khi sinh, các mẹ có thể dùng ngón tay sờ vào bên cổ của trẻ sẽ thấy một bên cạnh cổ gồ lên một cục bướu căng cứng. Có một số người nhầm lẫn hạch và khối u xơ cứng, nhưng hạch thì gây đau, nóng còn khối u xơ thì cứng chắc, không đỏ, đau, nóng.
Phát hiện càng sớm, khả năng khỏi bệnh vẹo cổ của trẻ càng cao.
Theo bác sĩ VLTL Phan Hùng, tật này cần phải được phát hiện sớm, càng sớm thì càng tăng khả năng phục hồi. Thời điểm tốt nhất để phát hiện và điều trị bằng vật lý trị liệu là trẻ trước 2 tháng tuổi, có thể phục hồi đến 100%. Nếu phát hiện muộn hơn sẽ chỉ phục hồi được khoảng 40 đến 60% bởi khối xơ khó kéo dãn, có thể gây vẹo cột sống, vẹo cột sống lưng, lúc này sẽ phải thực hiện phẫu thuật để kéo dài gân cơ cho trẻ.
Do vậy, để trẻ không bị mang tật, không phải chịu nhiều đau đớn và chi phí điều trị tốn kém, cha mẹ cần phát hiện sớm và nhanh chóng đưa con đi khám và điều trị. Bác sĩ sẽ điều trị khối xơ và kéo giãn khối cơ xơ liên tục hàng ngày trong 3 tháng đầu, giúp làm mềm khối xơ, ngăn ngừa biến dạng có thể xảy ra ở cột sống cổ và sọ mặt của trẻ đồng thời duy trì tầm vận động của đốt sống cổ.
Việc điều trị bằng phương pháp VLTL nên được thực hiện bởi những người có chuyên môn, nếu người không có chuyên môn tự ý kéo giãn cho trẻ có thể sẽ gây tai biến nghiêm trọng ảnh hưởng đến tính mạng của trẻ. Ngoài ra, không tập khi trẻ khóc, chống đối, tập cho trẻ trước khi cho ăn. Nếu luyện tập sớm và kiên trì, trẻ có thể xoay 2 bên cổ như nhau và khối u xơ sẽ biến mất khi trẻ 8 tháng tuổi.
Bác sĩ VLTL Phan Hùng cũng cho biết ngoài lý do trẻ bị xơ hóa cơ ức đòn chũm từ lúc mới sinh, thì vẹo cổ cũng bắt đầu từ nguyên nhân thói quen của trẻ. Ví dụ như trẻ có thói quen nằm nghiêng một bên, thuận một bên. Khi thói quen này để lâu sẽ khiến cổ trẻ bị nghiêng hẳn một bên. Nhiều gia đình chỉ phát hiện con bị tật này khi trẻ biết lật và cổ đã cứng. Nếu trẻ có thói quen nằm nghiêng một bên, người nhà nên chèn khăn ở hai bên để giữ cho đầu trẻ luôn thẳng. Nếu cổ trẻ đã cứng thì nên tiến hành tập VLTL để đưa cổ trẻ trở lại bình thường.
Lương Chi
Nguồn: Emdep
Chưa có bình luận.