Người phải niềng răng sẽ có cảm giác đau nhưng cần tuân theo một số quy định để việc nắn chỉnh có hiệu quả.
Niềng răng ở người lớn và trẻ con khác nhau thế nào?
Niềng răng đang là xu hướng giúp nhiều người tìm được vẻ đẹp của mình, BS. Trần Hải Hà – Khoa Nắn chỉnh răng (Bệnh viện Răng Hàm Mặt) cho biết, nhiều người đã phải đi làm lại chứng minh nhân dân vì sự khác biệt rất xa ở thời điểm trước và sau khi niềng răng.
Đó cũng là lời khuyên của bác sĩ với những ai đã thực hiện việc thay đổi cấu trúc hàm răng của mình, nên đi làm lại giấy tờ để tránh những phiền phức.Tuy nhiên, việc niềng răng ở trẻ con và người lớn cũng có sự khác nhau.
Đối với người lớn cấu trúc của xương không đổi nên quá trình niềng răng chỉ chú trọng vấn đề niềng điều chỉnh vị trí răng là chính. Tuy nhiên ở trẻ con còn có vấn đề là thay đổi về mặt cấu trúc xương, thay đổi ở đây là sự lớn lên, dài ra.
“Khi nắn chỉnh răng cho trẻ con phải quan tâm tới tăng trưởng. Tăng trưởng ấy không thể biết trước được và bác sĩ cần theo dõi. Chính vì vậy, đôi khi nắn chỉnh răng cho trẻ con kéo dài hơn so với nắn chỉnh răng ở người lớn”, BS. Trần Hải Hà nói.
Ảnh minh họa
Tuy nhiên, theo BS. Hải Hà, không có thời gian cố định cho việc nắn chỉnh thành công vì điều này phụ thuộc mức độ cần nắn chỉnh cũng như khả năng đáp ứng của mỗi người. Khả năng đáp ứng phụ thuộc mức độ xương, xương đặc thì chỉnh khó khăn, xương mềm thì chỉnh nhanh hơn.
“Theo kinh nghiệm của chúng tôi khi niềng răng cho người lớn, trường hợp nhanh có thể phải niềng tới 2 năm còn có trường hợp lâu phải mất 4 – 5 năm”, bác sĩ Hải Hà cho hay.
Với trẻ con cũng tương tự. như vậy. Nếu răng không cần nắn chỉnh nhiều thì thời gian niềng nhanh hơn nhưng vì liên quan tăng trưởngcủa răng trẻ nên có thể phải phụ thuộc và kéo dài.
“Nếu không có vấn đề gì đặc biệt liên quan đến kiểu hình, kiểu mặt hay tăng trưởng nên đợi khi hàm răng mọc đủ rồi mới đi chỉnh. Nếu có liên quan đến trường hợp móm, hàm dưới thụt vào quá cằm, vào lợi tạo ra cái chưa đẹp từ bé thì nên đi thăm khám sớm để quyết định chỉnh lúc nào”, BS. Trần Hải Hà nói thêm.
Sau khi niềng răng cần chú ý gì?
Cũng theo BS. Hà, sức khỏe răng miệng phụ thuộc hai yếu tố là vấn đề vệ sinh và chức năng ăn nhai.Răng không đẹp về mặt thẩm mỹ là vấn đề khá rộng và trừu tượng. Bởi vì có một số người răng đều nhưng vẫn cảm thấy rằng răng chưa đẹp.
Với những hàm răng khấp khểnh, sẽ ảnh hưởng tới việc chải sạch răng, chức năng ăn nhai.Cũng có một số trường hợp lợi bị phì đại phải nắn chỉnh để đưa ra một chiều dài răng hợp lý, đảm bảo cả thẩm mỹ và chức năng ăn nhai.
Thời gian qua cũng có một số thông tin về việc chỉnh hình xương với những bệnh nhân biến dạng mặt, phải nắn chỉnh răng để phục hình thẩm mỹ. Với những trường hợp mất răng lâu quá, răng còn lại ở vị trí không phù hợp thì nắn chỉnh răng xong phải đi làm răng giả.
“Khi niềng răng bị đau sẽ có thuốc giảm đau nhưng cái khó chịu nhất là cảm giác của mình. Người trải qua niềng răng phải tự vượt qua.
Sự khó chịu đó sẽ có những phản ứng để thích nghi dần. Trong thời gian đầu, cả người lớn và trẻ con đều có cảm giác ấy, nhưng trẻ con đáp ứng nhanh hơn vì tổ chức xương mềm hơn”, BS. Trần Hải Hà phân tích.
Sau khi niềng răng, theo BS. Trần Hải Hà, bản thân mỗi người phải kiêng và cần tránh tất cả những gì có nguy cơ làm cho bong bật như cần tránh ăn đồ cứng. Có những loại thức ăn không cần tránh nhưng cách ăn, cách chế biến nên điều chỉnh, nấu mềm hơn và dễ nhai hơn.
Sau khi điều trị, người làm nắn chỉnh răng phải đeo hàm giữ để duy trì hàm đó, tránh những ảnh hưởng không có lợi. Do vậy, việc nghiến răng cũng cần phải thay đổi dần hoặc tránh để không ảnh hưởng đến duy trì hàm.
“Liên quan tới điều trị này, vấn đề quan tâm chủ yếu là thói quen ăn nhai chứ không phải ăn đồ cứng hay mềm. Ví dụ bạn có thói quen ăn ở răng cửa, thì khi nhai sẽ gặp nhiều bất lợi. Còn với vệ sinh răng miệng, dù nắn chỉnh hay không đều phải đảm bảo vệ sinh sạch sẽ.
Trong quá trìnhnắn chỉnh răng, vệ sinh không tốt ảnh hưởng rất nhiều, có thể gây hỏng men răng, tiêu xương. Nếu tiêu xương thì quá trình nắn chỉnh sẽ ảnh hưởhg và ảnh hưởng cả về sau này”, BS. Trần Hải Hà nhấn mạnh.
Thủy Nguyên
Chưa có bình luận.