Thứ Hai, 15/10/2018 | 20:55

Ghèn hay còn gọi là gỉ mắt được hình thành khi bạn ngủ bởi lúc này nhiệt độ cơ thể chúng ta giảm xuống khiến meibum tại đây cô đặc lại.

Sáng ra trở dậy sau giấc ngủ, bạn đến bên gương soi, bạn có thể thấy ở khóe mắt cạnh sống mũi đôi khi có nhử mắt. Có lần nhiều, có lần ít, cho dù buổi tối trước lúc đi ngủ bạn rửa mặt sạch sẽ. Lúc ngủ hai mi mắt thường khép kín không bụi bẩn nào lọt vào được. Ấy thế mà cũng cứ có nhử.

Vậy nguyên nhân do đâu?

Ghèn hay còn gọi là gỉ mắt được hình thành khi bạn ngủ bởi lúc này nhiệt độ cơ thể chúng ta giảm xuống khiến meibum tại đây cô đặc lại. Chất meibum này giúp giữ ẩm cho đôi mắt tránh tình trạng bị rát, cộm hay khó nhắm hoặc chớp.

Theo một số nghiên cứu trên thế giới, nếu không có hoặc ít meibum, đôi mắt của chúng ta sẽ bị mất nước do tốc độ bay hơi nhanh hơn 17 lần so với bình thường.

Các tổ chức của mi mắt

Trong mi mắt mọi người, nơi sát với mép bờ mi chỗ lông mi mọc lên, cả mi trên hoặc dưới có một miếng sụn gọi là sụn mi. Trong sụn mi có rất nhiều ống nhỏ li ti, được sắp xếp rất đều đặn gọi là tuyến sụn mi, mà một đầu của những ống đó được xếp rất khéo ngay bên mép bờ mi gần chỗ chân lông mi. Các tuyến sụn mi không ngừng tiết ra một chất nhờn giống như mỡ.

Chúng ta chớ coi thường tuyến nhờn đó. Tác dụng không nhỏ đâu. Ban ngày, do việc chớp mắt của mi, chất nhờn được phủ lên bờ mi, ngăn cản việc nước mắt tự do tràn ra ngoài mắt đồng thời không để mồ hôi lọt vào trong mắt, nghĩa là nó tham gia tích cực bảo vệ đôi mắt. Ban đêm, lúc ngủ hai mi luôn khép lại trong một thời gian khá dài. Chất nhờn được tiết ra thừa so với yêu cầu, nó đành phải kết hợp với bụi bặm và những tạp chất do nước mắt để lại dồn đến giữa hai khe bờ mắt quyện chúng lại với nhau, dần dần dồn chúng vào bên khóe mắt sát với sống mũi, tạo ra cái gọi là gỉ mắt.

Bởi vậy, bình thường sáng ra ở khóe mắt vẫn có một chút gỉ mắt. Đó không phải là bệnh của mắt. Nhưng nếu bỗng nhiên gỉ mắt nhiều lên, không những ban đêm làm cho lông mi trên và dưới dính kết lại, mà cả ban ngày mắt cũng cứ nhập nhèm đầy gỉ không mở ra đươc. Hiện tượng đó chắc chắn là do trong mắt đang có vi khuẩn hoạt động nên bị viêm nhiễm.

Một số bệnh về mắt gây nên gỉ

Viêm kết mạc

Ghèn ra nhiều, mắt bị đỏ, hai mí sưng to hay nhạy cảm với ánh sáng có thể là những dấu hiệu cho thấy bạn đang bị viêm kết mạc. Khi có những dấu hiệu này, bạn tuyệt đối không được tự ý điều trị mà phải đến gặp bác sĩ chuyên khoa để tránh làm tình trạng trở nên nghiêm trọng hơn.

Mắt bị khô

Nếu ra gỉ mắt nhiều vào buổi sáng thức dậy kèm hiện tượng nhìn không rõ, nhiều khả năng bạn đã bị hội chứng khô mắt. Để tránh tình trạng này, bạn nên hạn chế ngồi điều hòa và sử dụng máy tính quá lâu. Ngoài ra, bạn cũng nên thường xuyên dùng kính mát mỗi khi ra ngoài để tránh bụi bẩn bay vào mắt.

Tắc tuyến lệ

Đôi mắt sản xuất nước mắt liên tục và nếu tuyến lệ bị tắc có thể dẫn đến hiện tượng gỉ ra nhiều. Nguyên nhân là do lượng nước này không được di chuyển xuống các tuyến lệ thông với mũi. Tình trạng này có thể tự khỏi, nhưng trong trường hợp bệnh nghiêm trọng và kéo dài, bạn có thể cần tới sự can thiệp của bác sĩ.

Cảm lạnh

Cảm lạnh có thể ảnh hưởng tới các niêm mạc trong đầu, gây chảy gỉ mắt và sưng đỏ.

Tình trạng ghèn ra nhiều sẽ giảm bớt khi cơn cảm lạnh qua đi, tuy nhiên nếu chúng có màu vàng hơi ngả xanh lá, bạn nên đi khám vì đây có thể là dấu hiệu nhiễm trùng xoang nguy hiểm.

Mắt bị lẹo

Nếu bạn bị lẹo mắt và ra nhiều gỉ, chứng tỏ mụn lẹo đã phát triển khá lớn nhưng không quá nguy hiểm. Bạn chỉ cần vệ sinh bằng nước sạch hoặc chườm gạc ấm, tình trạng này sẽ giảm bớt sau 2 – 3 ngày.

Tuy nhiên, nếu mụn lẹo quá to và gây đau nhức dữ dội, bạn nên nhanh chóng đến gặp bác sĩ chuyên khoa để kịp thời điều trị.

Lúc đó bạn hãy mời bác sĩ để kiểm tra, chữa trị. Mắt trở lại bình thường thì gỉ mắt cũng bình thường, chỉ có chút ít mỗi khi sáng dậy.

Yhocvn.net

Chưa có bình luận.

Tin khác
Chúng tôi trên Facebook