Trúng gió méo miệng là bệnh thường gặp khi giao mùa thu – đông. Bệnh có thể để lại hậu quả nghiêm trọng hoặc di chứng lâu dài nếu không được sơ cứu, điều trị kịp thời.
Lúc giao mùa thu – đông, buổi sáng và chiều tối trời se lạnh, nhiều sương hoặc có mưa, gió nên rất dễ bị trúng gió méo miệng. Đây là hiện tượng cơ co rút đột ngột gây méo miệng và mặt, thường được phát hiện sau một đêm ngủ dậy, hoặc khi có cơn gió lạnh thổi qua. Trúng gió méo miệng có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi, nhưng hay gặp nhất là ở trẻ nhỏ, người già hoặc những khi sức đề kháng của cơ thể yếu như say rượu, mới ốm dậy mà gặp lạnh bất thường…
Anh Trần Hùng (29 tuổi, Trần Đăng Ninh, Cầu Giấy, HN) đã từng bị trúng gió méo miệng sau một lần đi ăn nhậu khuya. Về nhà, anh bỗng thấy mặt bị cứng, cơ hàm lệch sang bên tay trái, khó cử động, hàm trên hàm dưới không khít như thường ngày. “Vì đã biết về mức độ nguy hiểm của bệnh này nên hôm sau tôi đi khám liền. Bác sỹ bảo tôi bị nhẹ, thế mà cũng phải mất tận 2 tháng trời vừa châm cứu, đốt quế, uống thuốc, tập vật lí xoa bóp mặt thì cơ mặt, hàm mới trở về vị trí cũ. Bị bệnh này rất bất tiện, thức ăn dính vào kẽ răng miệng không tài nào dùng lưỡi lấy đồ ăn ra được. Còn uống nước mạnh mộtchút là nước trào ra khỏi miệng, vô cùng khó chịu”, anh nói.
Trúng gió méo miệng do liên quan đến hệ thần kinh nên rất nguy hiểm
Theo các bác sỹ, hơn 70% nguyên nhân trúng gió méo miệng là do nhiệt độ thấp, làm liệt dây thần kinh số 7 ngoại biên – dây thần kinh có chức năng chi phối tất cả các cơ bám da mặt. Đây là dây thần kinh chạy nông nhất trên mặt, đi song song với mạch máu vùng tai, khi gặp lạnh đột ngột sẽ gây co mạch nhanh, máu không nuôi dưỡng được và khiến dây số 7 bị tổn thương. Bị liệt dây thần kinh số 7, nửa mặt sẽ không thể cử động được. Miệng và nhân trung méo xệch về phía bên lành, chảy nước miếng, nước mắt, ăn uống rơi vãi, nói cười khó khăn. Do liệt cơ khép vòng mi khiến nhãn cầu bị đẩy lên nên mắt chỉ còn lộ lòng trắng, không nhắm, chớp được mắt, mắt luôn mở trừng trừng nên gây nguy hiểm nhất với mắt.
Trúng gió méo miệng do liên quan đến hệ thần kinh nên có thể để lại hậu quả nghiêm trọng hoặc di chứng lâu dài nếu không được sơ cứu, điều trị kịp thời, đúng cách.
Khi bị trúng gió méo miệng, cần xử lý nhanh như xoa bóp tại chỗ, đánh gió. Về phương pháp xoa bóp, bản thân người bị trúng gió méo miệng có thể dùng hai ngón tay cái bấm vào hai bên má nơi chỗ trũng giao điểm của khớp hai hàm trên dưới. Nếu bấm vào có cảm giác đau nhiều là đúng vị trí. Cùng lúc há miệng ngáp nhiều lần, vừa ngáp vừa bấm nhấn huyệt. Miệng méo bên trái thì nhấn bên phải mạnh hơn để miệng kéo về bên phải; nếu miệng kéo về bên phải thì lại nhấn mạnh bên trái để điều chỉnh lại… Làm như vậy cho đến khi ngáp thấy miệng há to thành hình vòng tròn là được.
Về phương pháp đánh gió, có thể dùng rượu gừng, dầu để đánh gió, cho người bệnh uống nước đường gừng nóng hoặc sữa nóng… rồi ủ ấm. Với người bị huyết áp cao, ngay lập tức phải cho họ uống thuốc hạ áp để ổn định huyết áp, rồi đưa đi bệnh viện hoặc phòng khám Đông y gần nhất.
Ngoài ra, còn có một số kinh nghiệm dân gian để xử lý nhanh cho những người trúng gió méo miệng như: Dùng vôi sống sao dấm, giã nát và trộn sền sệt, hễ méo bên này thì bôi bên kia, miệng, mặt sẽ cân trở lại; lấy lá mít giã nát với chút vôi, đắp lòng bàn tay, hễ méo bên này thì đắp bên kia. Cho người bị trúng gió ăn cháo hành, tía tô nóng với lòng đỏ trứng gà cũng đem lại hiệu quả tích cực.
Trên đây chỉ là một số phương pháp xử lý nhanh khi bị trúng gió méo miệng, thường hiệu quả cho những người bị nhẹ. Còn với những trường hợp bị nặng, cần khẩn trương đưa đi bệnh viện để được bác sỹ thăm khám, chẩn đoán và chữa trị chính xác. Tùy mức độ tổn thương mà bệnh sẽ khỏi nhanh hay lâu. Nếu liệt một nhánh thì sẽ phục hồi nhanh hơn việc bị liệt cả nhánh trên, nhánh dưới.
Minh Minh
(Theo Congluan)
Nguồn: emdep.vn
Chưa có bình luận.