Thứ Hai, 02/11/2015 | 10:30

Trong khi cả thế giới rên la vì sự ô nhiễm môi trường thì bạn vẫn ung dung cho rằng nhà mình luôn sạch sẽ? Nếu thế thì bạn đã nhầm, vì đôi khi, trong nhà lại là nơi tiềm ẩn nguy cơ ô nhiễm còn hơn cả ngoài trời.

Cảnh báo nguy hiểm ngay trong nhà

Tại Việt Nam, khái niệm ô nhiễm không khí trong nhà còn quá mới mẻ và nó chưa được các cơ quan chức năng quan tâm kiểm tra và nghiên cứu đúng mức. Nhưng đối với người Mỹ, đây lại là vấn đề lớn và đã tiêu tốn rất nhiều thời gian, tài chính của họ. Từ những năm 1980-1990, người Mỹ đã biết đến khái niệm ô nhiễm không khí trong nhà và chứng “Bệnh trong nhà” (SBS-Sick Building Syndrome) được phát đi từ New York.

Theo kiểm tra của Cơ quan Bảo vệ Môi trường Mỹ (EPA) thì không khí trong nhà ở có thể bị ô nhiễm cao hơn ngoài trời từ 2-5 lần đã gây nên chứng “bệnh trong nhà” cho con người. Căn bệnh này không có triệu chứng rõ ràng, người bị nhiễm chỉ luôn thể hiện sự mệt mỏi, bứt rứt, sùi sụt, hoa mắt, khó thở… nhưng khi ra ngoài thì cảm thấy thoải mái dễ chịu hơn.

Mới đây, những nghiên cứu về sự ô nhiễm không khí trong nhà của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã cho thấy, lượng không khí trong nhà và các cao ốc trên toàn thế giới đều đang bị giảm sút nghiêm trọng. Theo các kết quả nghiên cứu, WHO ước tính hiện có khoảng1 tỷ người trên trái đất phải hít thở nguồn không khí trong nhà ô nhiễm hơn mức cho phép đến 100 lần mỗi ngày.

“Mầm tử thần” ngay trong nhà

Vì sao trong nhà ô nhiễm?

Theo định nghĩa của các chuyên gia môi trường, không khí trong nhà là khối đóng có nhiều người cùng thở trong bầu không khí nhỏ với nhiều hoạt động diễn ra (nấu ăn, hệ thống vệ sinh khép kín…). Đồng thời khoảng không nhỏ hẹo này còn bị ngăn chặn bởi bốn bức tường nên chúng rất dễ bị nhiễm bẩn vì những nguyên nhân chủ yếu như:

1. Khói thuốc lá trong nhà

Đây là nguyên nhân gây nên sự ô nhiễm rất lớn, vì trong thuốc lá có 2.000-5.000 thành phần, trong đó 200 thành phần độc hại và 40 chất bị nghi ngờ là gây ung thư.

Hút thuốc (thuốc lào, thuốc lá) trong nhà không chỉ có lượng chất độc hại được lưu giữ lại và những người xung quanh phải hút thụ động mà chúng còn để lại mùi hôi nồng và rất lâu mới bị mất đi.

Theo khảo sát ở Mỹ thì nếu nhà nào có người thường xuyên hút thuốc trong nhà thì sẽ có nồng độ benzen cao hơn, trẻ em cũng dễ bị hen suyễn hơn.

2. Kiến trúc nhà không thông thoáng

Thiết kế nhà theo phương Tây phải thật kín khi đóng và thoáng khi mở. Nhưng thông thường các nhà ở Việt Nam dù có nhiều cửa sổ song cửa chưa đạt chuẩn nên khi đóng thì vẫn hở.

Chính vì thế, những căn nhà này vừa không đạt chuẩn tiết kiệm năng lượng (khi dùng máy lạnh, máy sưởi) vừa làm giảm sự đối lưu không khí.

Mặt khác những căn nhà hiện đại để công trình vệ sinh khép kín ngay trong nhà. Vì vậy nếu để ẩm ướt, vệ sinh không sạch thì đó chính là nguyên nhân gây gia tăng sự xâm nhập của vị khuẩn, vi trùng.

Đồng thời, thiết kế nhà bí bách, thiếu ánh sáng thì càng làm không khí ô nhiễm, vi sinh vật phát triển…

3. Buồng ngủ

Vì nơi này chứa nhiều chăn, ga, gối đệm nên rất dễ trở thành nơi ẩn náo lý tưởng của rận, rệp… Đồng thời gầm giường là nơi ẩm thấp, tối và kín nên dễ chứa bụi, nhện, kiến, gián… Chúng là những tác nhân gây bệnh truyền nhiễm, gây nên mùi hôi, ngứa ghẻ… đặc biệt là cho trẻ em và người già.

4. Ẩm mốc

Hiện tượng này có thể do thời tiết và cũng do ý thức giữ vệ sinh không tốt trong nhà của mỗi người. Tường nhà, nền nhà, khu vệ sinh, khu trữ đồ sách báo, thực phẩm… là những nơi dễ lên mốc gây nên kích ứng da, viêm họng, đau mắt, hen suyễn…

5. Khu nhà bếp

Nấu ăn gây nên mùi và sự rơi rớt thức ăn chính là nguyên nhân góp thêm phần ô nhiễm trong nhà. Do đó nếu hệ thống bếp chung với nhà ở thì cần dọn sạch sẽ đồ làm bếp sau mỗi lần dùng. Thức ăn thừa, rơi vãi cần dọn ngay tránh để lên mùi sẽ sản sinh vi trùng gây bệnh.

Hệ thống bếp ga, lò nướng, bếp sưởi cũng thải ra khí carbon monoxide (CO) độc hại. Vì vậy khi đun nấu cần mở cửa để mùi thức ăn và khí độc bay ra ngoài theo sự đối lưu không khí.

6. Vật trang trí, vật cảnh

Gấu bông, tranh vải… là những vật trang trí dễ bị rụng các sợi bông bụi nhỏ. Chó mèo cũng dễ rụng lông khiến bạn bị “sặc” gây viêm họng, hen suyễn.

Những chú vật nuôi này cũng rất dễ mang vào nhà chấy rận. Bể cá cảnh và những chậu hoa cũng là những nơi tiềm ẩn vi sinh vật gây hại. Vì vậy khi nuôi cá nên dùng đèn diệt khuẩn trong bể.

Những chậu hoa cần thường xuyên được mang ra ngoài trời, nhất là về ban đêm. Sơn tường, tủ gỗ, tràng kỷ cũng chứa những thành phần hóa chất độc hại với cơ thể đó là các chất hữu cơ không bền.

7. Thuốc khử côn trùng

Thuốc diệt muỗi, ruồi, gián… giúp bạn đuổi được những sinh vật đáng ghét. Nhưng mặt trái của chúng lại là để lại tồn dư hóa chất trong nhà.

Vì vậy khi dùng thuốc khử trùng, thuốc diệt côn trùng cần tuân thủ những nguyên tắc theo hướng dẫn để hạn chế tốt nhất tồn dư.

8. Tác nhân từ ngoài vào

Phấn hoa, khói bụi, những côn trùng bay (con mạt, con thiêu thân, sâu, bướm…) vào nhà thường để lại ít phấn có khả năng gây dị ứng da, gây ngứa ngáy, viêm họng, nghẹt mũi.

Đặc biệt, mùa hè và mùa thu phấn cây và sâu bọ phát triển nên cần hạn chế chúng vào nhà (đóng cửa khi bật đèn sáng, dọn vệ sinh sạch sẽ…).

Làm sạch căn nhà

Trẻ em, người già là những đối tượng nhạy cảm dễ bị dị ứng với nấm mốc, sợi bông nhỏ… Những người thường xuyên phải ở trong nhà thì cũng dễ bị ảnh hưởng vì là đối tượng trực tiếp sống trong bầu không khí “bẩn”. Những “mầm tử thần” này có thể gây tổn thương cho hệ thần kinh trung ương, cơ thể suy nhược, mất tập trung, ảnh hưởng đến khả năng sinh sản…

“Mầm tử thần” ngay trong nhà

Ảnh minh họa

Do vậy, bạn nên chú ý hạn chế mức độ nhiễm:

Đừng hút thuốc trong nhà: Là khuyến cáo đầu tiên của những nhà khoa học khi nhận định về sự ô nhiễm trong nhà.

Dùng máy lọc không khí: Hệ thống máy này nhằm thông gió, hút các vi khuẩn, hút các hạt bụi lơ lững trong không khí. Tuy nhiên chính chúng nếu không được vệ sinh sạch sẽ lại gây ra ô nhiễm ngược. Vì vậy, bạn cần chọn mua những loại máy có uy tín và vệ sinh chúng thường xuyên theo hướng dẫn.

Lưu thông khí trời: Xây nhà đủ ánh sáng, thường xuyên mở cửa để lưu thông luồng không khí và đón ánh nắng thích hợp. Độ phơi nhiễm của bên trong căn nhà với ánh sáng trời sẽ giúp nhà khô thoáng, diệt nấm mốc…

Vệ sinh nhà bạn thường xuyên: Rèm, chăn mền, thảm, những khu có nguy cơ lưu trữ ẩm mốc… phải thường xuyên được dọn dẹp cho khô sạch. Hãy dọn dẹp và khử trùng nhà bạn theo định kỳ.

Tạ Hà

Chưa có bình luận.

Tin khác
Chúng tôi trên Facebook