Sự tập trung học sinh thời điểm năm học mới tạo điều kiện cho nhiều dịch bệnh phát triển, dưới đây là những cách phòng chống các bệnh bố mẹ nên đặc biệt chú ý.
Bệnh tay chân miệng
Bệnh tay chân miệng là một bệnh truyền nhiễm cấp tính do virus gây nên, bệnh thường gặp ở trẻ em (trên 90%). Bệnh có thể bị rải rác hoặc bùng phát thành các vụ dịch nhỏ ở những nơi đông dân cư, điều kiện vệ sinh kém.
Biểu hiện của bệnh là những mụn nước, bọng nước ở tay, chân và miệng.
Biểu hiện khi trẻ mắc bệnh: Ban đầu sốt nhẹ, đau họng, đau miệng, chảy nước miếng, biếng ăn. Trong miệng có thể xuất hiện những vết loét đỏ, hồng ban ở lòng bàn tay, lòng bàn chân, đầu gối, mông.
Cách phòng chống bệnh chân tay miệng:
– Vệ sinh cá nhân
Rửa tay thường xuyên bằng xà phòng dưới vòi nước chảy nhiều lần trong ngày (cả người lớn và trẻ em), đặc biệt trước khi chế biến thức ăn, trước khi ăn/cho trẻ ăn, trước khi bế ẵm trẻ, sau khi đi vệ sinh, sau khi thay tã và làm vệ sinh cho trẻ.
– Vệ sinh ăn uống
Thức ăn cho trẻ cần đảm bảo đủ chất dinh dưỡng; ăn chín, uống chín; vật dụng ăn uống phải đảm bảo được rửa sạch sẽ trước khi sử dụng (tốt nhất là ngâm tráng nước sôi); sử dụng nước sạch trong sinh hoạt hằng ngày; không mớm thức ăn cho trẻ; không cho trẻ ăn bốc, mút tay, ngậm mút đồ chơi; không cho trẻ dùng chung khăn ăn, khăn tay, vật dụng ăn uống như cốc, bát, đĩa, thìa, đồ chơi chưa được khử trùng.
– Làm sạch đồ chơi, nơi sinh hoạt
Hộ gia đình, nhà trẻ mẫu giáo, các hộ trông trẻ tại nhà cần thường xuyên lau sạch các bề mặt, vật dụng tiếp xúc hằng ngày như đồ chơi, dụng cụ học tập, tay nắm cửa, tay vịn cầu thang, mặt bàn/ghế, sàn nhà bằng xà phòng hoặc các chất tẩy rửa thông thường.
– Thu gom và xử lý chất thải của trẻ
Sử dụng nhà tiêu hợp vệ sinh, phân, chất thải của trẻ phải được thu gom, xử lý và đổ vào nhà tiêu hợp vệ sinh.
– Theo dõi phát hiện sớm
Trẻ em phải được thường xuyên theo dõi sức khỏe để kịp thời phát hiện, tổ chức cách ly, điều trị các trường hợp mắc bệnh, tránh lây bệnh cho các trẻ khác.
Bệnh tiêu chảy
Tiêu chảy là một trong những bệnh gây tử vong hàng đầu ở trẻ em dưới 5 tuổi, nguyên nhân chủ yếu là do vi khuẩn hoặc virus gây ra. Nếu cha mẹ biết giữ vệ sinh cho bé thì nguy cơ mắc tiêu chảy sẽ được hạn chế.
Trẻ bị tiêu chảy có rất nhiều nguyên nhân khác nhau, song phần lớn là do trẻ nhiễm virút; nhiễm khuẩn; nhiễm ký sinh trùng; sử dụng thuốc kháng sinh (diệt cả loại vi khuẩn có lợi trong ruột); dị ứng thức ăn…
Ảnh minh họa.
Cách phòng chống bệnh tiêu chảy
– Rửa tay thường xuyên và nhất là sau mỗi lần sử dụng các phương tiện công cộng.
– Thực phẩm đã bị rơi xuống đất, tuyệt đối không được sử dụng.
– Rửa trái cây và rau quả thật sạch trước khi sử dụng.
– Nấu thức ăn thật chín, đặc biệt là thịt.
– Tăng cường chất lượng bữa ăn nhiều đạm và giàu năng lượng cho trẻ. Ăn nhiều có thể làm trẻ đi tiêu nhiều hơn, trẻ sẽ mau hồi phục và tăng cường kháng thể.
Ngoài ra, bạn cũng không nên cho trẻ chơi ở những vũng nước, vòi nước, hồ nước công cộng, vì ở đó chứa nhiều vật ký sinh.
Bệnh đường hô hấp
Bệnh lý đường hô hấp là bệnh thường gặp khi sang thu, trẻ em càng dễ mắc. Bệnh cấp tính gây sốt cao hoặc vừa ho, hắt hơi, chảy nước mũi, nghẹt mũi, thay đổi giọng, mất giọng, niêm mạc họng đỏ. Nếu không kịp thời chữa trị dứt điểm sẽ diễn tiến thành viêm phế quản, viêm phổi và rất dễ chuyển thành mạn tính.
Viêm đường hô hấp dưới ít gặp gồm viêm thanh quản, khí quản, phế quản, tiểu phế quản, phổi và hay bị nặng. Mùa này 3 loại virus cúm A, B, C gây bệnh viêm đường hô hấp cấp bùng phát mạnh, trong đó cúm A dễ tạo thành dịch, biến chứng có thể gây viêm xoang cấp, viêm tai giữa.
Cách phòng ngừa:
Để phòng ngừa bệnh đường hô hấp vào mùa thu, các bạn cần giữ ấm cơ thế và đeo khẩu trang khi ra ngoài đường. Nhất là với trẻ nhỏ, vào sáng sớm và ban đêm cần chú ý giữ ấm, tránh mặc đồ quá dày kẻo mồ hôi ra nhiều dẫn đến nhiễm lạnh. Vệ sinh cá nhân, rửa rửa tay sạch sẽ trước khi ăn, sau khi đi ngoài đường và các nơi công cộng.
Khi có những biểu hiện bệnh các thể như trên cần tới bác sỹ sớm để được dùng thuốc thích hợp, hạn chế tái phát.
Bạch Dương (T.H)
Chưa có bình luận.