Thứ Tư, 19/07/2017 | 05:20

Sùi mào gà là bệnh do vi rút HPV gây nên, bệnh thường mắc ở người lớn qua quan hệ tình dục. Trẻ nhỏ có nguy cơ bị mắc bệnh do tiếp xúc trực tiếp với nguồn bệnh.

Bệnh sùi mào gà ở trẻ nhỏ lây bằng cách nào

Hơn 40 trẻ nhập viện do mắc phải bệnh lý sùi mào gà, nguyên nhân được nghi ngờ là do điều trị chít hẹp bao quy đầu tại cùng một cơ sở tư nhân ở địa phương không đảm bảo đang khiến dư luận xôn xao.

Từ khi các cháu mắc phải bệnh sùi mào gà, cha mẹ đều như ngồi trên đống lửa vì lo ngại tới nguy cơ ảnh hưởng đến khả năng sinh sản của các cháu sau này? Và lo lắng liệu bệnh có thể khỏi được hoàn toàn hay không?

TS.BS Lê Hữu Doanh, Phó giám đốc Bệnh viện Da liễu Trung ương cho hay, bệnh sùi mào gà thường gặp ở người lớn và thường lây do qua đường quan hệ tình dục. Nhóm đối tượng mắc nhiều thường rơi vào độ tuổi từ 20-40 tuổi. Đây không phải là bệnh thường gặp ở trẻ nhỏ nhưng cũng có nguy cơ bị lây nhiễm nếu tiếp xúc trực tiếp với nguồn bệnh.

Mắc sùi mào gà có thể chữa khỏi hoàn toàn hay không?

Các bệnh nhi tại Khoái Châu, Hưng Yên bị sùi mào gà sau khi chít hẹp bao quy đầu đang điều trị tại BV Da Liễu Trung ương.

Bệnh sùi mào gà bệnh do vi rút HPV gây nên, trẻ nhỏ có thể lây bệnh trong trường hợp khi mẹ mắc bệnh tắm rửa, chăm sóc cho con. Virut HPV lây qua đường xây xước nếu mẹ tắm cho con lộn bao quy đầu gây xước có thể bị lây. Nguồn lây có thể từ dụng cụ can thiệp y tế không được vô trùng.

“Bản thân vi rút HPV tới nay chưa có thuốc để đặc trị. Tổ chức Y tế Thế giới có khuyến cáo tiêm phòng vi rút HPV để phòng ung thư cổ tử cung ở trẻ gái và sùi mào gà ở trẻ nam. Trong điều trị, các trẻ em có nhiều phương pháp điều trị sùi mào gà như: thuốc bôi, đốt, thuốc, can thiệp ngoại khoa”, bác sĩ Doanh nói.

Theo bác sĩ Doanh, điều trị sùi mào gà không phải 1 lần sẽ khỏi. Trong quá trình điều trị, bác sĩ phải thăm khám định kỳ. Nếu sau 2-3 tuần thăm khám, bệnh nhân còn có tổn thương sẽ được thăm khám lại và điều trị tiếp những tổn thương đó. Bệnh nhi có thể khỏi bệnh hoàn toàn nếu như miễn dịch của cơ thể tốt có thể kháng lại được vi rút.

Biến chứng nguy hiểm nhất của  sùi mào gà là gây ra ung thư cổ tử cung ở nữ giới. Còn ở nam giới có thể gây ra ung thư bộ phận sinh dục nam.

Khả năng sinh sản có bị ảnh hưởng sau khi mắc bệnh sùi mào gà?

Theo bác sĩ Nguyễn Hồng Sơn, Khoa laser và Săn sóc da, Bệnh viện Da liễu Trung ương, bệnh sùi mào gà không gây ra ảnh hưởng tới khả năng sinh sản của đứa trẻ sau này. Trẻ nhỏ mắc bệnh sùi mào gà nếu được điều trị tốt, đáp ứng thuốc và sức đề kháng tốt có thể khỏi được bệnh hoàn toàn. Tuy nhiên, cũng có những trường hợp mang vi rút  HPV sẽ tồn tại trong cơ thể chung sống suốt đời mà không biểu hiện ra bệnh. Khi bệnh đã phát ra có triệu chứng lâm sàng thì cần phải điều trị chứ không thể tự khỏi được.

Đồng quan điểm với bác sĩ Sơn, bác sĩ Thân Ngọc Tuấn, Khoa Khám Sản, Bệnh viện Medlatec, bệnh sùi mào gà nếu điều trị kịp thời thì không gây ảnh hưởng gì tới cơ quan sinh sản. Vi rút HPV gây ra sùi loét bên ngoài bộ phận sinh dục và lưu hành trong máu. Hiện nay, virut HPV chưa có báo cáo nào ảnh hưởng tới khả năng sinh sản. Khả năng sinh sản của nam giới phụ thuộc vào yếu tố tinh hoàn chứ không phải ở dương vật.

Bệnh sùi mào gà hiện nay vẫn chưa có thuốc điều trị đặc hiệu, điều trị sùi mào gà hiện nay chủ yếu là điều trị triệu chứng. Trẻ nhỏ khi bị mắc sùi mào gà được điều trị kịp thời có thể khỏi được hoàn toàn nếu sức đề kháng của cơ thể tốt.

Theo khuyến cáo của các chuyên gia, trẻ nhỏ khi có những dấu hiệu mọc nốt sùi ngứa trên bộ phận sinh dục cần phải đưa trẻ tới cơ sở chuyên khoa y tế khám ngay. Việc điều trị kịp thời sẽ làm tăng khả năng khỏi bệnh cho trẻ nhỏ nếu hệ miễn dịch trẻ tốt. Điều trị muộn sẽ tăng những biến chứng cho trẻ nhỏ.

Ngọc Minh

 

Nguồn: Emdep

Chưa có bình luận.

Tin khác
Chúng tôi trên Facebook