Thứ Bảy, 17/06/2017 | 17:31

Bà Lụa bị hoa mắt, chóng mặt nhưng không đi khám. Đến khi bệnh trở nặng, gây ngất xỉu phải nhập viện, bác sĩ phát hiện bà bị bệnh tim hiếm gặp.

Chiều 17/6, trung tâm tim mạch Bệnh viện Chợ Rẫy, TP.HCM cho biết vừa điều trị thành công một trường hợp loạn nhịp tim nguy hiểm hiếm gặp.

Bác sĩ Nguyễn Tri Thức, Phó giám đốc Trung tâm tim mạch cho biết, bệnh nhân Lụa (76 tuổi, ở Long An) nhập bệnh viện ở tỉnh sau khi bị đột ngột chóng mặt dữ dội và ngất xỉu.

Trước đó, bệnh nhân được người nhà đưa vào cấp cứu tại bệnh viện đa khoa tỉnh Long An trong tình trạng mạch nhẹ, huyết áp khó đo, monitor thể hiện loạn nhịp tim hoàn toàn. Bệnh nhân nhanh chóng được xử trí sốc điện chuyển nhịp, đồng thời đặt nội khí quản hỗ trợ hô hấp.

Mắc bệnh tim hiếm gặp trên thế giới sau khi bị hoa mắt, chóng mặt

Các bác sĩ đang tiến hành đốt sóng cao tần cho bệnh nhân. Ảnh: BSCC 

Sau 12 giờ nằm hồi sức, bệnh nhân tỉnh và được rút nội khí quản, huyết động ổn định, đồng thời được chuyển tiếp lên Bệnh viện Chợ Rẫy với chẩn đoán: rung nhĩ cơn/ Hội chứng Wolff-Parkinson-White.

Khai thác bệnh sử được biết, 3 tháng trước nhập viện, bệnh nhân thỉnh thoảng có các cơn hồi hộp, trống ngực, hoa mắt nhưng không đi khám.

Tại khoa điều trị Rối loạn nhịp Bệnh viện Chợ Rẫy, các bác sĩ chẩn đoán bệnh nhân bị rung nhĩ cơn/hội chứng Wolff-Parkinson-White đe dọa huyết động, có ngất, đồng thời quyết định thăm dò khảo sát điện lý và điều trị rối loạn nhịp này bằng đốt với sóng cao tần qua catheter.

Sau 1 giờ 30 phút thực hiện đốt sóng cao tần, sức khỏe của bệnh nhân được cải thiện rõ rệt và xuất viện sau đó một ngày.

Theo bác sĩ Thức, hội chứng Wolff-Parkinson-White được thế giới phát hiện từ năm 1930 nhưng rất hiếm gặp. Tỷ lệ xuất hiện chỉ khoảng 68-170/100.000 dân, trong đó tỷ lệ xuất hiện rung nhĩ chỉ khoảng 10-32%.

Bệnh nhân có hội chứng Wolff-Parkinson-White kèm rung nhĩ thường rơi vào các cơn loạn nhịp tim với tần số đáp thất rất cao khoảng 200-240 l/p, và nhanh chóng thoái biến vào nhanh thất hoặc rung thất dẫn đến đột tử.

Hiện nay, bằng phương pháp đốt bằng sóng cao tần qua catheter đối với điều trị rung nhĩ có tỷ lệ thành công khá cao.

Khánh Trung
Nguồn: Zing

Chưa có bình luận.

Tin khác
Chúng tôi trên Facebook