Thứ Hai, 14/08/2017 | 15:30

Tưởng con bị “trúng gió” liệt mặt, nhưng đưa tới bệnh viện, cha mẹ mới biết con mình bị biến chứng viêm tai giữa.

Số trường hợp trẻ bị biến chứng viêm tai giữa gây thủng màng nhĩ, hủy hoại xương tai và viêm não… đang gia tăng chóng mặt.

Bé trai P.T.A., 2 tuổi, ngụ tại Q.Bình Tân, TP.HCM, được đưa đến Bệnh viện Nhi Đồng 1 trong tình trạng méo miệng một bên, khi ngủ mắt phải không khép lại được, tai chảy mủ. Sau khi thăm khám, bác sĩ Nguyễn Tuấn Như, Phó khoa Tai Mũi Họng, Bệnh viện Nhi Đồng 1 xác định cháu bé bị viêm tai giữa, nhưng không điều trị triệt để nên bị biến chứng làm thủng màng nhĩ.

Viêm lan sâu vào xương chũm (xương trong tai), ảnh hưởng đến dây thần kinh, khiến liệt nửa mặt. Bé A. đã được xử lý làm sạch tai, cho thuốc kháng sinh đặc trị, theo dõi kỹ. “May mắn, bệnh nhi được đưa tới bệnh viện kịp. Nếu chậm thêm vài hôm, viêm tai giữa sẽ biến chứng, ảnh hưởng nội sọ, có nguy cơ để lại di chứng thần kinh lâu dài, thậm chí tử vong”, bác sĩ Như nhận định.

Liệt mặt, méo miệng vì biến chứng viêm tai giữa

Một bé bị viêm tai giữa đang được kiểm tra chức năng nghe. Ảnh: Thanh Huyền.

Cũng theo bác sĩ Như, trẻ tới khám viêm tai giữa ngày càng gia tăng với nguyên nhân chính liên quan tới các bệnh viêm đường hô hấp trên kéo dài. Có những bé còn quá nhỏ, không biết kêu đau, phụ huynh không phát hiện con bị bệnh để đưa đi điều trị. Một số cha mẹ biết con bị viêm tai giữa, nhưng lại điều trị và chăm sóc chưa đúng cách, khiến bệnh tái đi tái lại, diễn tiến nghiêm trọng thêm.

Ngày 10/8, khoa Tai Mũi Họng, Bệnh viện Nhi Đồng 1 có 3 bé đang nằm cấp cứu vì biến chứng viêm tai giữa nặng, bị thủng màng nhĩ và viêm xương chũm; nhập viện do đau và ù tai dữ dội. Cả ba bé đều dưới 5 tuổi. Một bé có dấu hiệu hủy xương nặng, các bác sĩ phải mổ khẩn cấp để lấy sạch phần xương hoại tử.

Liên quan đến biến chứng của bệnh, bác sĩ Trương Hữu Khanh, Trưởng khoa Nhiễm thần kinh, Bệnh viện Nhi Đồng 1 cho biết, khoa vẫn thường tiếp nhận các bệnh nhi bị viêm màng não vô căn, đa phần những ca này là do biến chứng từ bệnh viêm tai giữa.

Các bé thường nhập viện với dấu hiệu đau đầu, nôn ói. Nếu điều trị kịp, bệnh nhi vẫn có cơ hội hồi phục, tuy nhiên để bệnh nặng sẽ biến chứng thành áp xe não, nguy hiểm tính mạng.

Tại phòng soi tai của Bệnh viện Tai Mũi Họng TP.HCM, rất nhiều ca được phát hiện bị viêm tai giữa. Nguyên nhân, theo các bác sĩ là do mưa nhiều khiến trẻ dễ bị viêm mũi, viêm amidan và viêm VA kéo dài.

Chị P.T.T., 36 tuổi, mẹ của một bệnh nhi, chia sẻ: “Cháu bị viêm tai giữa hơn một năm nay. Gia đình đã đưa đi khám và điều trị, bệnh đã bớt nhiều, nhưng hễ bé bị viêm họng, sổ mũi thì bệnh lại tái phát. Nghe con kêu đau nhức tai tôi xót ruột lắm. Đưa đi khám mới biết cháu đã bị thủng màng nhĩ”.

Theo thống kê, mỗi tháng Bệnh viện Tai Mũi Họng tiếp nhận cả nghìn bệnh nhi bị viêm tai giữa. Tại Bệnh viện Nhi Đồng 1, số lượng trẻ bị bệnh này cũng đang gia tăng mạnh.

“Cách đây 5 năm, mỗi năm bệnh viện tiếp nhận chừng 10 ca viêm tai giữa bị biến chứng nặng, thì nay con số này tăng gấp sáu lần. Mỗi tháng chúng tôi khám và phát hiện ít nhất 150 ca viêm tai giữa. Đa số trẻ ở độ tuổi từ 2-5 tuổi”, bác sĩ Nguyễn Tuấn Như cho biết.

Cần 8 tháng điều trị và theo dõi

Bác sĩ Nguyễn Tuấn Như lưu ý, triệu chứng viêm tai giữa ở trẻ có biểu hiện: ù tai, đau nhức, tai chảy mủ, bệnh nhẹ có thể điều trị ngoại trú.

Với một ca thông thường, bác sĩ sẽ cho kháng sinh đặc trị, điều trị tích cực trong hai tuần, sau đó điều trị kéo dài khoảng hai tháng, theo dõi chặt chẽ khoảng nửa năm. Những trẻ đã bị viêm tai giữa gây thủng màng nhĩ cần tránh để tai tiếp xúc với nước.

Chẳng may trẻ chơi đùa, bị nước mưa, nước hồ lọt vào tai gây đau nhức, cha mẹ nên đưa ngay tới bệnh viện để nhân viên y tế làm vệ sinh tai, không được chủ quan tự xử lý ở nhà. Để phòng bệnh viêm tai giữa, khi trẻ bị viêm hô hấp, cần tập trung điều trị triệt để.

Theo Thanh Huyền / Phụ Nữ TP.HCM
Nguồn: Zing

Chưa có bình luận.

Tin khác
Chúng tôi trên Facebook