Rối loạn tâm thần cũng thường xảy ra theo mùa, mùa thu và mùa hè là thời điểm bệnh tâm thần có nguy cơ bộc phát cao.
Dạo một vòng quanh khu vực Viện Tâm thần Quốc gia, chúng tôi bắt gặp không ít những ánh mắt vô hồn, những tiếng cười vô cảm, những bước chân lặng lẽ, những câu chuyện được nói trong vô thức…
TS. Nguyễn Văn Dũng – Phó Viện trưởng Viện Sức khỏe Tâm thần cho biết, trong tháng 5 này, số người vào đây điều trị tăng 30% so với tháng trước. Trong đó, có rất nhiều nguyên nhân: người do áp lực học hành, thi cử; người trầm cảm sau sinh; người đã có tiền sử bị tâm thần do thời tiết nắng nóng nên bệnh lại bộc phát; người bị say nắng, lao động nhiều cũng dẫn tới rối loạn tâm thần…
TS. Nguyễn Văn Dũng chia sẻcâu chuyện của bà L. (50 tuổi, quê Nam Định). Bà L. là trụ cột chính của gia đình, nhà lại làm nông nên bà dành nhiều thời gian ở ngoài đồng ruộng.
“Cách đây ít ngày, khi đang làm ngoài đồng vào buổi trưa, bà L. say nắng, lả người đi và ngất xỉu. Bà được mọi người đưa về nhà nằm nghỉ nhưng lúc tỉnh dậy, chồng hỏi gì cũng không biết, cứ đờ đẫn như người mất hồn.Khi gia đình đưa bà L. đi khám ở tuyến dưới, các bác sĩ chẩn đoán bà bị viêm não và chuyển lên đây.Trường hợp bà L. thuộc hệ thần kinh tâm thần, say nắng do rối loạn điện giải gây các biểu hiện rối loạn tâm thần”, TS. Nguyễn Văn Dũng nói.
Hay có trường hợp bệnh nhân Q.(Hải Phòng) phải vào Viện điều trị chứng tâm thần sau khi sinh con được 24 ngày. Nguyên nhân dẫn tới tình trạng này của chị Q. là do những mâu thuẫn trong gia đình.
Trường hợp của bệnh nhân A.cũng bị tâm thần sau khi sinh con. Nhưng chị A. đã bị chứng rối loạn tinh thần trước đó, sau khi sinh con xong do những xích mích gia đình liên quan tới kinh tế, chăm sóc con cái… nên bệnh bị tái phát.
Mùa hè dễ có rối loạn tâm thần?
Cũng theo TS. Dũng, rối loạn tâm thần cũng theo mùa, mùa thu và nhất là mùa hè là thời điểm bệnh tâm thần có nguy cơ bộc phát cao. Tỉ lệ bệnh nhân nhập viện điều trị tăng ở tất cả các bệnh viện tâm thần trên toàn quốc, đặc biệt là những bệnh nhân tâm thần cũ bị tái phát. Một trong những lý giải đầu tiên cho việc này là do rối loạn điện giải, bù nước không đủ.
“Con người sinh hoạt và hoạt động có hiệu quả nhất là trong mức nhiệt 22 – 24 độ C. Thời tiết trên 27 độ C sẽ dẫn tới rất nhiều rối loạn. Đặc biệt từ 32 – 34 độ, cơ thể mất 200% lượng nước bù vào các tế bào trong cơ thể dẫn tới các rối loạn chuyển hóa. Khi không bù được lượng nước thì rối loạn cũng tăng nhiều. Đó là một trong những nguy cơ từ trong cơ thể tự phát ra do tác động của bên ngoài”, TS. Nguyễn Văn Dũng phân tích.
Bên cạnh đó, người bệnh đang điều trị ngoại trú bị tái phát bệnh còn do ngày nắng nóng dễ mất ngủ, ăn kém. Điều này khiến họ phải dùng thuốc ngủ, dẫn đến cơ thể luôn trong trạng thái bồn chồn, hồi hộp. Từ đó, bệnh tâm thần sẽ tái phát nhanh chóng.
Ngoài ra, TS. Dũng còn cho biết, tỷ lệ người bình thường phát bệnh tâm thần tăng cao hơn vào những ngày nắng nóng thêm một nguyên nhân khác được đưa ra là do việc sử dụng rượu bia quá nhiều dẫn đến loạn thần.
“Tỉ lệ rối loạn tâm thần ở nước ta và trên thế giới tương đương nhau với tỉ lệ 4/6 ở nam – nữ. Sở dĩ có tỉ lệ này vì người phụ nữ lao động nhiều nhưng nghỉ ngơi ít hơn nam giới. Người đàn ông lao động nặng nhọc nhưng thời gian nghỉ ngơi nhiều hơn.
Vào tiết trời nắng nóng, nhiều người ở vùng nông thôncó thể bị sang chấn tâm thần hơn thành thị, trong đó có cả những công nhân, những người làm việc quá nhiều… Có nhiều nguyên nhân dẫn tới sang chấn tâm thần như sử dụng rượu, chè, ma túy, thời tiết nắng nóng, lo lắng chuyện tiền bạc,những mâu thuẫn dẫn tới cãi vã thường xuyên…”, TS. Dũng nói.
Vì vậy, vào mùa hè phải chú ý uống nước đầy đủ, không nên thức khuya hay ngủ quá muộn. Chú ý làm việc tránh thời điểm nắng nóng từ 10h sáng đến 3h chiều. Nếu phải làm việc giữa nắng cần có mũ, nón, dụng cụ bịt mặt tránh bị nắng quá.
Thủy Nguyên
Nguồn: Emdep
Chưa có bình luận.