Thứ Năm, 02/03/2017 | 08:55

Cho con uống thuốc là “cực hình” vì có lúc trẻ không hợp tác. Nhiều phụ huynh đã nghĩ ra cách “bịt mũi banh miệng” để con uống thuốc nhanh hơn.

Khi con bị ốm, thuốc đưa vào cơ thể con chủ yếu là qua đường uống. Thầy thuốc chỉ biết cho thuốc, còn làm thế nào để con uống được là việc của…cha mẹ.

Giá như các hãng bào chế sản xuất toàn dạng “siro ngọt” cho tất cả các chủng loại thuốc dùng cho trẻ thì không có gì phải bàn. Nhưng không phải lúc nào thuốc của trẻ cũng là dạng siro mà còn có cả dạng viên, dạng bột.

Kiểu cho con uống thuốc nhiều phụ huynh từng làm, bác sĩ cảnh báo nguy cơ tử vong

Và tệ hơn nữa, mùi vị của thuốc, trong đó có kháng sinh khá là khó chịu với trẻ. Cho nên, trẻ thường không chịu uống thuốc, phản ứng bằng cách gào thét giãy giụa mỗi khi uống. Cha mẹ vì nóng lòng muốn con uống bằng mọi cách nên dễ mắc nhiều sai lầm khi cho con uống thuốc.

Chị Giang (Hà Nội) cho biết, mỗi khi con bị ốm, ngoài nỗi vất vả vì mè nheo lại còn thêm khổ sở khi cho con uống thuốc. Để việc uống thuốc của con nhanh hơn, chị Giang thỉnh thoảng vẫn bóp mũi để con quên đi vị đắng và sự khó chịu.

“Mỗi lần làm như vậy, tôi xót con lắm. Nhưng nếu để bé tự uống chắc không bao giờ uống được nên tôi vẫn phải chấp nhận. Tôi cũng sợ nếu làm như vậy nhiều lần không biết có ảnh hưởng gì đến sức khỏe của con không”, chị Giang cho hay.

Bóp mũi cho con uống thuốc có nguy hiểm?

Thạc sĩ, bác sĩ CK II Nguyễn Văn Hải đã chỉ ra sai lầm kinh điển của cha mẹ khi cho con uống thuốc là hành động “bịt mũi banh miệng” trẻ.

“Bịt mũi banh miệng mặc cho trẻ khóc thét giãy dụa rồi trút thuốc vào và lập tức thả mũi ra. Cha mẹ cứ nghĩ như thế là xong công cuộc uống thuốc nhưng thật ra, khi cha mẹ không biết rằng hành động thả mũi cũng là lúc cháu bé phải thở. Lúc này nắp thanh quản được mở ra vừa đúng lúc thuốc rơi ngay vào đường thở”, bác sĩ Nguyễn Văn Hải lý giải.

Với cách uống sai lầm này, nếu thuốc dạng siro thì có thể gây ra phản ứng sặc, ho cho trẻ. Thực tế đã có rất nhiều trường hợp trẻ sặc siro bị tím tái vì hành động sai lầm này.

Nếu cha mẹ thả viên thuốc có thể khiến trẻ hóc bị hóc dị vật đường thở, khiến bệnh đường hô hấp của trẻ càng thêm nặng. “Thậm chí, hóc dị vật đường thở do “bịt mũi banh miệng” có thể bít đường thở, khiến trẻ tử vong ngay mà không kịp đưa đi cấp cứu”, bác sĩ Nguyễn Văn Hải cảnh báo.

Bác sĩ Hải nhận định, cha mẹ còn mắc một số sai lầm khác khi cho con uống thuốc như trộn tất cả các loại thuốc làm một rồi cho trẻ uống cùng một lúc. Hoặc vì thuốc đắng nên cha mẹ thường trộn thêm sữa để tạo vị ngọt.

“Việc làm này là lợi bất cập hại. Thứ nhất không phát huy hiệu quả của thuốc do thuốc khó tan trong sữa. Hơn nữa một số chất trong sữa làm phân hủy hoặc kết tủa thuốc. Thứ hai, trẻ sẽ lầm tưởng sữa “không ngon” và có thể từ chối việc uống sữa”, bác sĩ Hải nói.

Bác sĩ khuyến cáo: “Với trẻ nhỏ, cha mẹ nên cho con uống thuốc từ từ chút một. Với trẻ lớn, tốt nhất bạn dụ trẻ tự nguyện uống. Nếu cảm thấy thuốc hơi đắng thì nên cho ít đường vào thuốc cũng không sao. Khi trẻ tự uống thuốc thành công, cha mẹ hãy có lời khen ngợi trẻ. Trẻ tự uống được một vài lần như vậy thì bạn yên tâm vì những lần sau đó thật dễ dàng và càng thích uống để được… khen! Hay nói cách khác, muốn cho trẻ uống thuốc, cha mẹ cần có nghệ thuật!”

Khánh An

Nguồn: Emdep

Chưa có bình luận.

Tin khác
Chúng tôi trên Facebook