Trong hơn 1 tuần nay, từ khi thời tiết bắt đầu ẩm nồm, bệnh nhi mắc tay chân miệng vào điều trị Khoa Nhi tổng hợp – Bệnh viện Xanh Pôn (Hà Nội) cũng tăng mạnh và hầu như ngày nào cũng tiếp nhận thêm vài ca mới.
Cổng thông tin điện tử trên Facebook chính thức của chính phủ vừa có thông tin khuyến cáo bệnh tay chân miệng gia tăng ở trẻ em trong những ngày thời tiết ẩm nồm vừa qua. Theo đó, những ngày gần đây, thời tiết nồm ẩm kèm mưa phùn ở miền Bắc khiến trẻ mắc bệnh tay chân miệng phải nhập viện tăng cao. Tại Bệnh viện Nhi Trung ương, từ đầu năm đến nay cũng đã tiếp nhận điều trị cho gần 30 trường hợp mắc tay chân miệng. Khoa Nhi tổng hợp – Bệnh viện Xanh Pôn (Hà Nội), trong hơn 1 tuần nay, bệnh nhi mắc tay chân miệng vào điều trị cũng tăng mạnh và hầu như ngày nào cũng tiếp nhận thêm vài ca mới.
Theo các chuyên gia y tế, bệnh tay chân miệng khi mới khởi bệnh rất dễ nhầm với triệu chứng của một số bệnh khác như viêm da, thủy đậu, sốt xuất huyết, viêm đường tiêu hóa, sốt virus, viêm màng não… do đó các bậc phụ huynh nên chú ý diễn biến bệnh ở trẻ.
Thông thường bệnh nhân mắc tay chân miệng thường diễn biến khoảng 7-10 ngày sẽ tự khỏi. Với những bệnh nhân nhẹ, có thể theo dõi điều trị tại nhà. Việc điều trị chủ yếu là giảm đau, ăn thức ăn lỏng dễ tiêu, hạn chế vận động, vệ sinh răng miệng.
Tuy nhiên, bệnh này cũng có thể diễn biến rất nhanh, người bệnh có thể gặp 3 biến chứng nguy hiểm là viêm màng não, viêm cơ tim, phù phổi cấp dẫn đến tử vong.
Vì vậy, các bậc phụ huynh phải theo dõi chặt diễn biến bệnh của trẻ để kịp thời đưa trẻ tới các cơ sở y tế. Cụ thể, nếu thấy trẻ hay giật mình, sốt cao liên tục, đi đứng lảo đảo, ngồi không vững, run tay khi cầm vật dụng, yếu tay chân nên đưa trẻ đến ngay các cơ sở y tế gần nhất.
Bên cạnh bệnh tay chân miệng, thời tiết nóng ẩm, nồm cũng khiến nhiều trẻ dễ mắc các bệnh liên quan đến đường hô hấp như: viêm mũi dị ứng, viêm phổi, viêm phế quản,…Các bậc phụ huynh cần chú ý chăm sóc trẻ đủ dinh dưỡng, mặc vừa đủ, tránh để trẻ toát mồ hôi dễ dẫn tới cảm lạnh, viêm phổi.
Các mẹ cũng có thể tham khảo thông tin những thông tin cần biết về căn bệnh tay chân miệng qua infographic dưới đây để có cách phòng tránh tốt nhất cho trẻ:
NN (Theo Facebook Thông tin Chính phủ)
Nguồn: Emdep
Chưa có bình luận.