Thứ Năm, 22/06/2017 | 19:00

Nhiều người thường ăn tối muộn dẫn đến nhiều căn bệnh nguy hiểm và sức khỏe giảm sút.

Với nhiều người, bữa tối thường bắt đầu lúc 7h -7h30 nhưng vì công việc nên bữa tối của nhiều người bắt đầu muộn hơn thậm chí là 10-11h đêm. Tưởng như thói quen này có thể không gây hại gì nhưng nhiều người đang gây hại cho sức khỏe của bản thân.

Anh Tuấn (Hà Nội) thường đá bóng sau giờ làm. Mỗi tuần anh có 4 buổi đá bóng với đồng nghiệp, bạn bè. Thời gian mỗi trận đá bóng kéo dài từ 5h chiều đến 9-10h tối. Nếu trận đấu diễn ra vào cuối tuần có thể kéo dài đến 11-12h đêm. Lúc đó, anh Tuấn mới đi ăn hoặc về nhà ăn cơm. Theo lời anh Tuấn, do đam mê đá bóng nên anh không quan tâm đến chuyện ăn uống. Thêm nữa là cơ thể đang béo nên anh xem như bữa tối muộn để giảm cân. Tuy nhiên, thời gian gần đây, anh thường thấy có các triệu chứng như đau, viêm dạ dày khiến bản thân hết sức lo lắng.

Không bỏ bữa tối mà vẫn rước đủ thứ bệnh chỉ vì suy nghĩ sai lầm này

“Tôi đã duy trì việc ăn muộn kéo dài vài năm nay. Trước đây, cũng có khi bụng đói do ăn tối muộn dẫn đến dau dạ dày nhưng chủ quan do thấy cơn đau kết thúc nhanh. Tuy nhiên, giai đoạn gần đây, các cơn đau xuất hiện với tần suất liên tục nhiều hơn”, anh Tuấn cho biết.

Cũng là người có thói quen ăn uống thất thường nhất là bữa tối, bà Hoa (Thanh Trì, Hà Nội) có lúc tưởng ngất xỉu vì hạ đường huyết. Theo thói quen, có khi đến sát bữa tối, bà Hoa lại đi bộ hoặc qua nhà bạn bè chơi mải nói chuyện nên không về nhà ăn cơm đúng giờ. Tưởng như thói quen này không ảnh hưởng đến sức khỏe, song có 2-3 lần bà Hoa suýt phải đi cấp cứu may mắn có người phát hiện kịp thời. Nguyên nhân do bà Hoa ăn quá muộn nên cơ thể bị thiếu chất.

Nguy hiểm khi ăn muộn hơn bạn tưởng

Trao đổi với chúng tôi, bác sĩ tiêu hóa Tiến Minh cảnh báo, các bữa ăn trong ngày nên đúng giờ hoặc theo lịch trình không nên ăn quá sớm hay quá muộn và với bữa tối cũng vậy.

“Nhiều người quan niệm bữa tối chỉ cần ăn qua quýt chứ không cần ăn như buổi sáng. Có thể bạn không ăn quá no chứ không được bỏ bữa hay nhịn ăn. Lượng thức ăn bạn ăn từ trưa đến 17-18h chiều đã được tiêu hóa hết trong quá trình làm việc và học tập. Nếu không bổ sung kịp thời thì ảnh hưởng đến hoạt động của cơ thể, hạ đường huyết hay ngất xỉu”, bác sĩ Tiến Minh nói.

Mặt khác, càng về cuối ngày, thức ăn càng tiêu hóa chậm hơn so với trong ngày. Do đó, bạn bị đói quá lâu mới ăn tối có nghĩa bạn thường ăn nhiều hơn. Thức ăn đưa vào cơ thể nhiều nhưng tiêu hóa chậm khiến cơ thể cảm thấy ì ạch, thức ăn không được chuyển hóa thành năng lượng mà chuyển thành chất béo khiến cho bạn bị béo bụng, thừa cân.

Không chỉ có vậy, theo bác sĩ Tiến Minh, điều đáng lo ngại là ăn tối muộn kéo dài có nguy cơ gây bệnh tiểu đường. Khi ăn muộn như vậy, insulin tiết ra cũng giảm xuống. 

“Insulin có tác dụng để cân bằng đường huyết trong máu. Khi insulin giảm có nghĩa lượng đường huyết bị tăng lên. Tình trạng này kéo dài dẫn đến đường trong máu tăng cao gây bệnh tiểu đường”, bác sĩ cảnh báo.

Việc ăn muộn còn khiến bạn mất cảm giác ăn ngon. Bởi cảm giác ngon miệng nhất là ăn đúng giờ vào thời điểm đói. Nếu đói quá lâu, dạ dày không còn tiết dịch vị để kích thích tiêu hóa. Bên cạnh đó, khi bạn ăn quá muộn cũng khiến cho lượng thức ăn tiêu hóa chậm trong dạ dày, khi đi ngủ vẫn chưa tiêu hóa xong sẽ cảm thấy khó chịu, đầy bụng, khó ngủ.

“Đói bụng quá lâu cũng là nguyên nhân đau dạ dày. Do đó nguyên tắc hàng đầu để phòng bệnh đau dạ dày là phải ăn uống đúng giờ, không bỏ bữa hay ăn quá muộn, thất thường”, bác sĩ cho hay.

Đông Phong

 

Nguồn: Emdep

Chưa có bình luận.

Tin khác
Chúng tôi trên Facebook