Hướng dẫn điều trị diệt helicobacter Pylori (Hp)
Helicobacter pylori là tác nhân gây bệnh trên người, lây truyền từ người sang người, gây ra viêm dạ dày cấp, mãn tính, có thể dẫn đến loét dạ dày, viêm teo dạ dày và ung thư dạ dày. Diệt helicobacter Pylori giúp điều trị viêm dạ dày và có thể thay đổi tiến triển các biến chứng hoặc tái phát của bệnh. Chính vì vậy, nhiễm H pylori được coi là một bệnh nhiễm trùng
CHỈ ĐỊNH CHẨN ĐOÁN NHIỄM HELICOBACTER PYLORI
Việt Nam nằm trong nhóm nước có tỷ lệ nhiễm H. pylori cao, tỷ lệ H. pylori kháng
thuốc cao, tỷ lệ tái phát sau điều trị cao, trong khi điều trị chưa hợp lý, chiến lược “Xét nghiệm chẩn đoán và diệt H. pylori” để sàng lọc rộng rãi chưa được khuyến cáo tại Việt Nam, khi nào bệnh nhân cần chỉ định chẩn đoán diệt trừ H. pylori.
1. Loét dạ dày tá tràng, hoặc tiền sử loét chưa điều trị
2. U Maltoma dạ dày (tổn thương tại chỗ giai đoạn LuganoI/II)
3. Dùng aspirin liều thấp, kéo dài
4. Dùng NSAIDs, Aspirin khi có tiền sử loét dạ dày – tá tràng
5. Chứng khó tiêu: Cân nhắc chỉ định xét nghiệm và diệt H. pylori nếu Hpylori dương tính. Nếu sau diệt HPylori, triệu chứng không cải thiện thì là chứng khó tiêu chức năng
6. Thiếu máu thiếu sắt CRNN, giảm tiểu cầu vô căn: trong trường hợp tiểu cầu giảm <30 G/L không khuyến cáo diệt HPylori)
7. GERD cần điều trị duy trì kéo dài bằng nhóm thuốc ức chế bơm proton nên cân nhắc diệt HP
8. Tổn thương viêm teo nặng dạ dày, tiền ung thư dạ dày. Tổn thương tiền ung thư dạ dày (loạn sản, dị sản ruột) cần theo dõi định kỳ qua nội soi.
9. Ung thư dạ dày đã điều trị (phẫu thuật, EMR, ESD)
10. Nhóm đối tượng nguy cơ cao: người có tiền sử gia đình bố mẹ, anh chị em có ung thư dạ dày, đặc biệt trong vùng dịch tễ có ung thư dạ dày cao nếu xét
nghiệm có H. pylori dương tính nên điều trị diệt trừ H.pylori vì giúp dự phòng và giảm tỷ lệ ung thư dạ dày
11.Định kỳ hàng năm theo dõi, xét nghiệm Hpylori cho những đối tượng đã có chỉ định diệt HP
CHẨN ĐOÁN NHIỄM HELICOBACTER PYLORI
Cho đến hiện nay, test thở UBT và test nhanh urease trong nội soi là hai phương pháp tốt nhất và phổ biến nhất để chẩn đoán nhiễm H. pylori
2.1.1 Test nhanh urease
Là phương pháp xâm nhập, xét nghiệm H. pylori trong quá trình nội soi dạ dày, có độ nhạy (90%), đặc hiệu (95-100%) cao.
– Âm tính giả: XHTH, viêm teo nặng, dị sản ruột
– Sinh thiết 2 vị trí: 1 mảnh hang vị và 1 mảnh thân vị giúp tăng độ nhạy chẩn đoán.
2.1.2 Test thở
– Test thở 13C-UBT là phương pháp không xâm nhập, độ nhạy (95%) và độ đặc hiệu cao (98,1%)
– Test thở 14C-UBT ưu điểm giá rẻ, không chỉ định: trẻ em, phụ nữ có thai (do phơi nhiễm phóng xạ
Lưu ý
– Không sử dụng xét nghiệm huyết thanh chấn đoán và theo dõi sau điều trị diệt Hpylori
– Không dùng thuốc kháng sinh, thành phần Bismuth 4 tuần, PPI 2 tuần trước làm test thở hoặc nội soi sinh thiết chẩn đoán H. pylori. Thuốc ức chế H2 ít ảnh hưởng, thuốc trung hoà acid không ảnh hưởng độ nhạy, độ đặc hiệu của phương pháp chấn đoán
ĐIỀU TRỊ DIỆT HELICOBACTER PYLORI
2.1.3 Phác đồ điều trị ban đầu diệt Helicobacter pylori
2.1.3.1 Lựa chọn kháng sinh
Hiện nay, các nghiên cứu tại Việt Nam đều thấy rằng tỷ lệ kháng clarithromycin rất cao, vì vậy cần lựa chọn phác đồ điều trị dành cho nhóm kháng clarithromycin >15%
Trước khi sử dụng kháng sinh, cần hỏi tiền sử dùng thuốc (dị ứng, sử dụng thuốc kháng sinh …)
Nhóm kháng clarithromycin cao, kháng metronidazole thấp < 15%13
– Phác đồ khuyến cáo:
(1) Phác đồ đồng thời Amoxicillin+ Clarithromycin+ Metronidazole + PPI.
Thời gian điều trị: 14 ngày
(2) Phác đồ 4 thuốc có bismuth + tetracylin + tinidazole + PPI. Thời gian điều trị 14 ngày
– Khuyến cáo Maastrich V: kháng clarithromycin cao làm giảm hiệu quả phác đồ nối tiếp và phác đồ 3 thuốc
Nhóm kháng kép clarithromycin và metronidazole cao (>15%)
– Phác đồ khuyến cáo duy nhất: 4 thuốc bismuth.
– Thời gian điều trị 14 ngày
Lựa chọn kết hợp thay thế
– Không có Bismuth:
+ Phác đồ levofloxacin, phác đồ kép liều cao (amoxicillin 3g + PPI liều cao)
+ Phác đồ rifabutin: không nên sử dụng vì tình hình vi khuẩn Lao kháng thuốc
– Không có tetracyclin: Phác đồ phối hợp furazolidone + metronidazole, hoặc amoxicillin + metronidazole
– Các phác đồ có levofloxacin như phối hợp 3 thuốc levofloxacin, phác đồ nối tiếp levofloxacin, phác đồ LOAD có hiệu quả nhưng bằng chứng lâm sàng còn ít.
– Trường hợp kháng kép metronidazole và clarithromycin, hiệu quả phác đồ nối tiếp, phác đồ lai, phác đồ đồng thời bị giảm nhiều
2.1.3.2 Thuốc ức chế bơm proton PPI
Khuyến cáo nên dùng liều cao 2 lần/ngày làm tăng khả năng diệt H.pylori và nên lựa chọn các PPI ít chuyển hoá qua CYP2C19 để tăng hiệu quả diệt H. pylori
Nên sử dụng các thuốc chính hãng: esomeprazole 40 mg (nexium mups), pantoprazole 40mg (pantoloc), rabeprazole 20mg (pariet)
2.1.4 Phác đồ điều trị cứu vãn khi phác đồ đầu tiên thất bại
Đối với bệnh nhân nhiễm H. pylori thất bại ở lần điều trị đầu tiên, tránh dùng kháng sinh đã sử dụng trước đó.
– Phác đồ 4 thuốc có bismuth thất bại. Khuyến cáo sử dụng:
+ Phác đồ có levofloxacin
+ Phác đồ 4 thuốc14
+ Trường hợp kháng quinolon cao, lựa chọn phác đồ phối hợp bismuth với kháng sinh khác
– Phác đồ 4 thuốc không có bismuth thất bại. Khuyến cáo sử dụng:
+ Phác đồ 4 thuốc có bismuth
+ Phác đồ có levofloxacin
– Lựa chọn khác : liều cao kép PPI – amoxicillin hoặc phác đồ rifabutin (chưa được khuyến cáo ở Việt Nam)
2.1.5 Phác đồ diệt helicobacter pylori thất bại với 2 lần điều trị
Khi diệt H. pylori vẫn thất bại với 2 lần điều trị nên nuôi cấy vi khuẩn làm kháng sinh đồ đánh giá sự nhạy cảm của vi khuẩn với kháng sinh. Chủng kháng clarithromycin, levofloxacin, rifabutine làm giảm hiệu quả của phác đồ 3 thuốc.
– Thất bại với phác đồ clarithromycin (lần 1) – phác đồ 4 thuốc bismuth (lần 2).
Khuyến cáo:
+ Phác đồ có levofloxacin
+ Nếu kháng cao levofloxacin sừ dụng phối hợp bismuth với kháng sinh khác, cân nhắc phác đồ rifabutin
– Thất bại với phác đồ 4 thuốc không bismuth (lần 1) – phác đồ quinolon ( lần 2)
Khuyến cáo: phác đồ 4 thuốc có bismuth
– Trường hợp dị ứng penicillin, đã thất bại với phác đồ 3 thuốc clarithromycin, lựa chọn phác đồ 4 thuốc có bismuth hoặc phác đồ bismuth sửa đổi (PPIbismuth-tetracycline-furazolidone) .Trong trường hợp thất bại, phác đồ có levofloxacin là phác đồ cứu vãn có hiệu quả. Một số nghiên cứu thay thế fluoroquinolone bằng moxifloxacin, sitafloxacin (Nhật bản).
2.1.6 Yếu tố tiên lượng diệt trừ thành công Helicobacter pylori
2.1.6.1 Yếu tố người bệnh:
– Tuân thủ điều trị là yếu tố rất quan trọng ảnh hưởng khả năng điều trị thành công đặc biệt các phác đồ phối hợp nhiều thuốc. Vì vậy, khi điều trị cần tư vấn đầy đủ cho bệnh nhân về lợi ích và khó khăn trong điều trị để bệnh nhân tuân thủ tốt khi uống thuốc.
– Yếu tố gen: tính đa hình CYP2C19 khác nhau ở từng chủng tộc, từng cá nhân ảnh hưởng đến chuyển hoá thuốc PPI. Khi xác định kiểu gen CYP2C19 chưa thể áp dụng trong thực hành lâm sàng, thì lựa chọn PPI thích hợp, hoặc tăng liều PPI sẽ giúp cải thiện hiệu quả điều trị
– Hút thuốc lá, đái tháo đường, sử dụng nhiều kháng sinh là yếu tố tiên lượng nguy cơ điều trị thất bại.
2.1.6.2 Yếu tố liên quan H. pylori
Là khả năng kháng kháng sinh của H. pylori. Vì vậy, lựa chọn phối hợp kháng sinh đúng phác đồ, sử dụng kháng sinh đủ liều. Không dùng các chế phấm phối hợp Kyt (PPI + clarithromycin + tinidazole), hoặc kháng sinh không đủ liều.
Đánh giá sau điều trị Helicobacter pylori
– Test thở được khuyến cáo sử dụng đánh giá hiệu quả diệt H. pylori
– Không khuyến cáo nội soi để đánh giá lại sau điều trị diệt H. pylori
– Xét nghiệm kháng nguyên phân cân nhắc thay thế test thở UBT
– Kiểm tra lại sau 4 tuần điều trị
Bs. Đào Trần Tiến – Trung tâm Tiêu hóa Gan mật Bệnh viện Bạch Mai
BÀI CÙNG CHỦ ĐỀ:
+ Hướng dẫn cách đo pH thực quản theo BYT
Chưa có bình luận.