Xuất huyết dạ dày là hiện tượng thường gặp ở những người viêm loét dạ dày nhưng không chú ý ăn uống điều độ và thường xuyên ăn các đồ ăn cay, nóng.
Xuất huyết dạ dày là chứng bệnh thường gặp ở những người bị viêm loét dạ dày nặng nhưng ăn uống không kiêng kỵ đặc biệt đồ ăn cay, nóng, rượu làm vết loét bị chảy máu.
Dịp Tết vừa qua, anh H. (Hà Nội) về ra mắt nhà vợ sắp cưới. Dù đã chuẩn bị trước tinh thần rể mới sẽ bị ép uống nhiều rượu. Tuy nhiên, anh H. vẫn choáng váng khi triền miên uống rượu gần 4 ngày trời. Từ bữa ăn cho đến gặp mặt đều có rượu. Dù là rượu quê tự nấu nhưng do ít khi uống rượu nên anh H. vẫn cảm giác khó chịu, ì ạch ở dạ dày.
Đến ngày mùng 4 Tết, anh H. buồn nôn, đau bụng dữ dội, sau đó nôn ra máu khiến cả nhà vợ tương lai thất kinh. “Tôi còn đi ngoài ra phân đen, ban đầu lo lắng do có thểbị ung thư dạ dày. Khi đến bệnh viện khám, cấp cứu thì biết bị xuất huyết dạ dày. Trước đây, tôi thường bị đau dạ dày từng cơn, thậm chí đau quằn quại nhưng chưa bao giờ bị xuất huyết như vậy”, anh H. cho hay.
Không chỉ có rượu mà chuyện ăn uống thiếu lành mạnh, kém điều độ ảnh hưởng đến dạ dày và càng làm cho vết loét bên trong bị đau đớn. Sau một thời gian stress do phải hoàn thành công việc cuối năm, cơn đau dạ dày của chị P. (Hào Nam, Hà Nội) quay lại. Mặc dù, đang trong thời kỳ uống thuốc chữa dạ dày, bác sĩ yêu cầu kiêng nghiêm ngặt đồ cay, nóng, chất kích thích, nhưng chị P. vẫn ăn nhiều măng và ớt cay khi ăn lẩu, bún, phở…
“Suốt 1 tuần trước Tết, triền miên những cuộc nhậu nhẹt cuối năm, liên hoan tất niên, chào năm mới… Tôi cảm thấy uống thuốc chữa dạ dày không còn tác dụng. Chiều 27 Tết, tôi phải nhập viện gấp do ăn quá nhiều ớt cay trong nồi lẩu. Khi ăn cảm thấy ngon miệng nhưng sau đó vài tiếng, cơn đau dữ dội xuất hiện và nôn ra máu”, chị P. bàng hoàng kể lại.
Nhiều người coi thường xuất huyết dạ dày
Trao đổi với chúng tôi, bác sĩ Nguyên Anh (Khoa Tiêu Hóa, Phòng khám Đa khoa Minh Trung) cho hay, xuất huyết dạ dày thường gặp ở thể cấp tính. Khi ăn uống không kiêng đồ cay, nóng… kéo dài làm cho vết loét bên trong bị tác động mạnh.
“Vì thường là cơn cấp tính nên bệnh nhân bị đau dạ dày càng chủ quan hơn. Không ít người coi đó là điều bình thường do dạ dày không chịu đựng được rượu, đồ ăn cay nóng. Tuy nhiên, những cơn xuất huyết như vậy để lại tổn thương nặng nề cho dạ dày, nếu không được chữa trị kịp thời sẽ khiến bệnh ngày càng trở nặng hơn”, bác sĩ nói.
Dấu hiệu nhận diện người bị xuất huyết dạ dày là nôn ra máu và đi đại tiện phân đen. “Những bệnh lý ở dạ dày thường xuất hiện phân đen. Đi đại tiện ra phân đen đôi khi cũng là dấu hiệu cảnh báo bị ung thư dạ dày. Tuy nhiên, khi bị xuất huyết dạ dày có thể nôn ra máu hoặc không nhưng đi đại tiện ra phân đen là dấu hiệu dễ nhận thấy nhất”, bác sĩ nhấn mạnh.
Theo các bác sĩ, đi kèm cùng với đại tiện phân đen hay nôn ra máu, người bệnh còn mệt mỏi và đau bụng ở khu vực dạ dày dữ dội, bệnh nhân bị mất máu nên nhợt nhạt. Nếu để xuất huyết kéo dài có thể nguy hiểm đến tính mạng.
“Khi bệnh nhân nôn có thể ra máu tươi hoặc máu đen hay hồng do tồn tại khá lâu bên trong dạ dày từ trước đó. Tuy nhiên, bệnh nhân phải nhập viện sớm mới có thể được cấp cứu, tránh mất máu. Ngoài việc máu đông thành màu đen bên ngoài phân thì có trường hợp máu tươi lẫn vào phân”, bác sĩ Anh cho hay.
Với những người bị loét dạ dày, tá tràng nói riêng và bệnh ở đường tiêu hóa phải kiêng tuyệt đối các chất chua, cay, nóng, hạn chế ăn các đồ tăng tiết axit. “Đặc biệt, thói quen uống rượu ở nam giới cùng sự căng thẳng khi làm việc cũng dẫn đến xuất huyết tiêu hóa nên phải hình thành lối sống lành mạnh, tránh uống rượu quá ngưỡng chịu đựng”, bác sĩ cho hay.
Để giảm bớt sự khó chịu do viêm loét dạ dày, người bệnh có thể bổ sung nghệ tươi xay trộn mật ong. Đó được xem như là lớp nền để “hàn gắn” các vết loét, tránh tiếp xúc thức ăn chua, cay hay rượu gây xuất huyết dạ dày.
Phương Hà
Nguồn: Emdep
Chưa có bình luận.