Khi hình dung sức khỏe một người, chúng ta hay nói “một cơ thể rắn chắc, cường tráng”, nhưng thật ra có những bộ phận trong cơ thể khi bị xơ cứng sẽ rất nguy hiểm.
Mạch máu xơ cứng
Hiện tượng các mạch máu trong cơ thể bị xơ cứng hóa không lạ gì với con người vì có thể xảy ra ở bất cứ đối tượng nào. Triệu chứng thường thấy nhất chính là xơ vữa động mạch, giống như sát thủ vô hình tồn tại bên trong mạch máu. Rất nhiều căn bệnh nguy hiểm như bệnh tim mạch vành, nhồi máu cơ tim, đột quỵ do thiếu máu não, thận mãn tính v.v… đều có liên quan đến nó.
Khi bạn thường xuyên ăn uống vô độ khiến cho dinh dưỡng dư thừa và mất cân bằng thì máu trong cơ thể sẽ ngày càng trở nên “đậm đặc”, xuất hiện hiện tượng máu đông thành cục bám trên thành mạch máu, khiến cho mạch máu vốn mềm mại và có tính đàn hồi trở nên hẹp đi, máu huyết lưu thông khó khăn.
Nếu không kịp thời cải thiện và điều trị, các mạch máu bắt đầu bị “giòn” và xơ cứng, khi áp lực huyết lưu tăng cao có thể gây ra nứt vỡ mạch máu hoặc dẫn đến các bệnh tim mạch hay não bộ cấp tính nguy hiểm.
Lời khuyên để bảo vệ mạch máu:
Bạn cần “quản lý” tốt cái miệng của mình bằng cách có thói quen ăn uống khoa học và điều độ. Hàng ngày không nên ăn quá nhiều, đặc biệt là hạn chế thức ăn nhiều dầu mỡ, nhiều muối, nhiều đường.
Thuốc lá cũng là nguồn độc tố “đầu độc” sức khỏe mạch máu mà bạn cần tránh xa. Theo nghiên cứu của các nhà khoa học Mỹ, nếu mỗi ngày hút trên 20 điếu thuốc lá sẽ làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim lên đến 2 – 3 lần.
Đề phòng các bệnh mãn tính để giúp mạch máu luôn khỏe mạnh, trong đó cao huyết áp hay tiểu đường đều kéo theo sự mệt mỏi và xơ cứng mạch máu. Vì vậy, cho dù chưa có triệu chứng bệnh thì bạn cũng nên khám sức khỏe định kỳ.
Khi bạn ít vận động sẽ khiến mạch máu tích tụ chất độc quá nhiều, lâu ngày gây ra tắc nghẽn và xơ vữa động mạch. Cho dù bận rộn thế nào, hãy tập thói quen rèn luyện thể chất vừa sức giúp cơ thể tăng cường oxy, đổ mồ hôi thải độc, thúc đẩy trao đổi chất và giúp mạch máu dẻo dai hơn.
Gan xơ cứng
Gan là cơ quan trao đổi lớn nhất trong cơ thể con người. Thức ăn bạn ăn vào đều cần thông qua gan để tiến hành tổ hợp, phân giải. Tuy nhiên, cuộc sống hiện đại khiến con người có nhiều thói quen không tốt như hút thuốc, rượu bia, ít vận động dễ khiến cho gan bị xơ cứng.
Lời khuyên để bảo vệ gan:
Chất cồn trong bia rượu chủ yếu được trao đổi và phân giải bởi gan, lâu ngày các độc tố này sẽ làm tổn hại gan nghiêm trọng, triệu chứng sớm nhất chính là gan nhiễm mỡ, tiếp theo sẽ phát triển thành xơ gan, viêm gan, thậm chí là gan xơ cứng, ung thư gan. Do đó, bạn chỉ nên dùng bia rượu ở một lượng ít trong trường hợp cần thiết.
Ăn quá nhiều các loại thịt đỏ cũng dễ khiến gan mất kiểm soát và suy yếu. Bạn nên tăng cường ăn các loại thực phẩm có chức năng giải độc cho gan như cà chua, dưa leo, khổ qua, cà rốt, rau xanh v.v…
Luôn giữ tâm trạng tích cực, học cách kiểm soát cơn giận và kịp thời giải tỏa áp lực, căng thẳng bởi vì tinh thần u uất sẽ gây tổn hại gan.
Khi nằm nghỉ ngơi thì lượng máu chảy về gan sẽ nhiều hơn so với khi đứng, có lợi cho việc tăng cường chức năng của tế bào gan, nâng cao khả năng giải độc cho cơ quan này. Vì vậy, bạn nên có thói quen ngủ nghỉ đúng giờ, đặc biệt khoảng thời gian từ 1h – 3h sáng được xem là thời gian “trực ban” của gan, là thời điểm vàng để dưỡng gan.
Mỗi ngày nên kiên trì vận động ít nhất 30 phút để tránh tình trạng mỡ tích tụ quá nhiều ở gan.
Cổ xơ cứng
Thói quen thời công nghệ như nghiện điện thoại, làm việc với máy vi tính quá nhiều và ngồi lâu đều khiến con người dễ mắc chứng xơ cứng cổ. Tình trạng này khiến các cơ ở vùng cổ bị mệt mỏi và tổn thương, cột sống cổ đau nhức, khó cử động, lâu ngày dẫn đến bệnh về đốt sống cổ.
Lời khuyên để bảo vệ cổ:
Ngồi đúng tư thế giúp bảo vệ cột sống không xiêu vẹo, không để tầm nhìn quá thấp khiến cổ phải cúi xuống thường xuyên gây nhức mỏi và xơ cứng.
Cứ cách 1 – 2 tiếng làm việc thì nên cử động cổ, có thể thực hiện vài bài tập xoay cổ, xoay hông để tạo sự linh hoạt cho các cơ và xương.
Chọn gối nằm thoải mái và thích hợp với độ cứng hay mềm vừa phải, lúc ngủ nên kê gối sao cho cao bằng vai.
Không nên nhấc vật quá nặng với tốc độ nhanh hoặc khi cần quay đầu thì nên cử động chậm rãi, nhẹ nhàng, tránh làm tổn thương đốt sống cổ.
Lưng, hông xơ cứng
Cũng tương tự như hiện tượng xơ cứng cổ, tình trạng ngồi lâu và không đúng tư thế lâu ngày sẽ khiến phần lưng, hông của bạn chịu gánh nặng không nhỏ, dần dần các khớp xương bị thoái hóa và xơ cứng, cử động của cơ cũng kém linh hoạt.
Lời khuyên bảo vệ lưng, hông:
Thường xuyên thực hiện các bài tập vận động cho lưng, hông. Tốt nhất là tập lúc nằm trên giường thư giãn.
Tăng cường massage ở những vị trí này để giúp tăng cường tuần hoàn máu, khiến cơ và xương dẻo dai hơn.
Khớp xơ cứng
Khớp là điểm tiếp nối giữa các xương, một khi vị trí này xảy ra vấn đề sẽ khiến khả năng hoạt động của bạn bị hạn chế. Ngoài ra, người bị xơ cứng khớp còn tạo thành ảnh hưởng nhất định đối với cơ xương, hệ hô hấp và tim mạch, máu huyết. Người lớn tuổi khi bị bệnh về khớp thường ít đi lại nên càng dễ kéo theo chứng loãng xương, nổi mụn nhọt, tiêu hóa kém.
Lời khuyên bảo vệ khớp:
Theo tuổi tác, xương khớp con người dễ thiếu hụt dinh dưỡng trong khi các vật chất vô cơ tăng lên, tính đàn hồi và dẻo dai của khớp xương cũng giảm xuống. Vì vậy trong sinh hoạt hàng ngày, bạn nên chú ý tăng cường tập luyện cho các khớp, duy trì sự trẻ trung của vị trí này.
Thể trọng tăng cũng khiến khớp ở chi dưới bị áp lực nặng, bạn nên chú ý giữ cân nặng đúng tiêu chuẩn, không để béo phì mà tạo gánh nặng cho xương khớp.
Thận trọng trong hoạt động để tránh té ngã, tổn thương xương khớp bên trong. Đồng thời luôn giữ ấm cơ thể đúng mức vì khớp xương rất sợ lạnh, dẫn đến xơ cứng.
Thiện Duyên – Nguồn: aboluowang, baidu
Nguồn: Emdep
Chưa có bình luận.