Thứ Ba, 01/09/2015 | 15:59

Trước đây, chứng mất ngủ thường gặp ở những người lớn tuổi, hay do một số bệnh lý gây nên. Thế nhưng ngày nay, trong xã hội công nghiệp, dưới áp lực của công việc, chuyện làm ăn, thương trường… đã khiến cho người ta căng thẳng quá mức, gây nên tình trạng rối loạn giấc ngủ (RLGN), mất ngủ. Và đặc biệt, giới trẻ mắc phải bệnh này ngày một nhiều.

Thức trọn 5 canh

Theo các chuyên gia y tế, mất ngủ là bệnh của thời đại, của xã hội công nghiệp phát triển. Bệnh lý về RLGN ngày một gia tăng, nhất là ở các thành thị lớn, bởi cuộc sống có những vấn đề mà người ta phải đối mặt, từ áp lực công ăn việc làm, căng thẳng trong cuộc sống…

Khám bệnh thường xuyên để xác định nguyên nhân và biện pháp chữa chứng mất ngủ.

Tại Trung tâm Y tế Medic (Hòa Hảo TPHCM), mỗi tháng phòng khám chuyên khoa mất ngủ tiếp nhận 600 – 700 bệnh nhân. Lứa tuổi đến khám chia làm hai nhóm: nhóm 18 – 30 tuổi, bị RLGN do áp lực công việc quá căng thẳng, hoặc những vấn đề rắc rối do tâm lý, các stress mạnh không vượt qua được, đôi khi không có nguyên nhân cụ thể. Nhóm thứ hai thường gặp ở những người trên 50 tuổi, thường do suy yếu trong giấc ngủ, RLGN (ngủ giữa chừng thức giấc, mộng du), hay quá lo lắng bởi một căn bệnh nào đó…

Trong khi, thống kê của Bệnh viện Tâm thần TPHCM, mất ngủ liên quan đến bệnh tâm thần, biểu hiện ban đầu thường là RLGN, khó ngủ và mất ngủ. Trên 90% số bệnh nhân trầm cảm đến khám tại Bệnh viện Tâm thần than phiền về việc mất ngủ, mức độ có thể từ vài ba tháng đến vài ba năm. Có khi bệnh nhân bị triệu chứng loạn thần như ảo giác (người bệnh có cảm giác như có ai đó nói, chửi bên tai mình, vì thế họ rất tức giận không thể ngủ được; hay bị những cơn hoang tưởng, trong đêm người bệnh lo lắng, đứng ngồi không yên, lục đục làm hết việc này đến việc khác nhưng chẳng việc nào ra việc nào; hoặc cơn động kinh vào ban đêm cũng gây nên RLGN…).

Qua điều tra bệnh sử, phần lớn bệnh nhân đến khám khai bệnh do áp lực công việc, căng thẳng, stress. Có bệnh nhân mỗi khi đi ngủ phải nằm rất lâu mới ngủ được, nhưng rồi ngủ đến độ 1 – 2 giờ sáng là thức giấc, rất khó ngủ lại. Có bệnh nhân tuy chỉ mới 21 tuổi nhưng cũng bị mất ngủ nhiều tháng liền mà không rõ nguyên nhân cụ thể. Có rất nhiều người bệnh đã tự ý dùng thuốc ngủ trước khi đến bệnh viện và bị lệ thuộc thuốc như trường hợp của bà Trần Thị D., 64 tuổi (ngụ tại TPHCM) do mắc một số bệnh mãn tính, nên bà D. thường lo âu, bị RLGN từ mấy năm qua.

Hiện bà D. đã bị lệ thuộc vào thuốc, mỗi tối nếu không uống thuốc ngủ sẽ thức đến sáng.

Trị từ căn nguyên tâm lý

Theo các bác sĩ, mấu chốt để điều trị là phải tìm được nguyên nhân gây mất ngủ. Hiện nay, phòng khám của Medic có trang bị máy khảo sát giấc ngủ (Polysomnography), để người bệnh mang vào người trong khi ngủ. Máy sẽ đo các hoạt động của tim, não, hô hấp, việc sử dụng ôxy,… trong lúc ngủ của người bệnh. Các kết quả thông số đo được sẽ được nạp vào máy tính để bác sĩ xem và có hướng giải quyết.

Các chuyên gia y tế cho biết, một khi bị chứng mất ngủ thì phát sinh nhiều hệ lụy khác, ảnh hưởng đến cuộc sống gia đình, hiệu quả công việc… Người mất ngủ ngoài việc giảm sút sức khỏe còn thường xuyên cáu gắt với những người chung quanh, cũng như làm việc không hiệu quả… Chứng mất ngủ còn ảnh hưởng đến cả hoạt động tình dục ở cả nam và nữ. Người ta đã chứng minh trong những vụ tai nạn về giao thông ở Mỹ có đến 70% nguyên nhân do tài xế bị chứng mất ngủ.

Có rất nhiều nguyên nhân gây mất ngủ mãn tính, có thể kể ra một số nguyên nhân chính như sau: Do thói quen ăn quá no hoặc quá đói bữa tối; bữa tối ăn nhiều những thực phẩm cay nóng, bổ béo nhiều dầu mỡ gây khó tiêu hóa; do uống nhiều các chất kích thích vào buổi tối như cà phê, trà đặc, trà sâm; do phòng ngủ không được yên tĩnh, nhiều ánh sáng hoặc các thiết bị điện tử trong phòng; do tập thể dục thể thao hoặc hoạt động gắng sức vào buổi tối; do rối loạn về giấc ngủ như phải làm ca đêm hoặc di chuyển thường xuyên tới những vùng có chênh lệch về múi giờ; do gặp phải sang chấn về tinh thần, lo âu, buồn phiền trong cuộc sống kéo dài; do môi trường làm việc không thuận lợi, căng thẳng, tức giận lâu ngày không được cải thiện; do cai rượu bia, thuốc lá; do bệnh tật gây các chứng đau nhức mãn tính, hoặc các loại bệnh gây ho, hen suyễn, đi tiểu vặt, tiểu đêm…

Căn cứ vào những nguyên nhân trên, người bệnh có thể tìm ra nguyên nhân gây bệnh mất ngủ của mình, tự điều chỉnh, hạn chế những yếu tố bất lợi như do ăn uống, cải thiện môi trường sống và làm việc, tránh suy nghĩ căng thẳng quá mức, hạn chế dùng các chất cay nóng kích thích. Nên thay thức uống hàng ngày bằng những loại thảo dược thiên nhiên như lạc tiên, lá vông, tim sen, hạt muồng…

Còn những nguyên nhân khác gây mất ngủ lâu dài cần phải đi khám ở những thầy thuốc có kinh nghiệm để được hướng dẫn dùng thuốc cho hiệu quả. Bên cạnh đó, cần áp dụng phương pháp vệ sinh tâm lý giấc ngủ như tạo thói quen thức ngủ đúng giờ, tránh dùng thuốc và các chất có thể kích thích thần kinh trung ương, tránh các căng thẳng tâm lý, cần có chế độ làm việc, nghỉ ngơi, luyện tập hợp lý, hài hòa tránh quá mức, trước khi đi ngủ dùng các phương pháp gây êm dịu cổ truyền như: bấm huyệt, xoa bóp, tắm nước ấm…Chỉ sử dụng thuốc an thần, thuốc ngủ khi các phương pháp trên không có hiệu quả. Khi sử dụng phải có sự chỉ định của thầy thuốc. Không nên tự ý dùng thuốc ngủ vì có thể có tác dụng phụ hoặc lệ thuộc (nghiện), đặc biệt là các thuốc hướng thần.

QUỲNH CHI

Chưa có bình luận.

Tin khác
Chúng tôi trên Facebook