Thứ Sáu, 30/06/2017 | 00:04

Jonty Oddy, sống tại Brisbane, Australia, mắc u xương ác tính (osteosarcoma). Thời điểm phát hiện ra căn bệnh quái ác này, em mới 4 tuổi.

Jonty bắt đầu cảm thấy đau chân phải lần đầu vào năm 2011. Khi đó, cha mẹ cậu bé kiểm tra, phát hiện thấy dấu hiệu sưng phồng xung quanh đầu gối nên đã đưa con trai mình đến Bệnh viện Nhi đồng Mater gần nhà. Họ đã sững sờ khi được các bác sĩ cho biết con trai mình bị ung thư.

Thông qua kết quả chụp X-quang, các bác sĩ phát hiện những dấu hiệu bất thường trên xương chân phải của Jonty, trải dài từ đầu gối đến nửa chừng xương đùi.

Jonty được chỉ định tiến hành sinh thiết và các bác sĩ đã xác nhận đây chính là u xương ác tính, một loại ung thư xương hiếm gặp thường xuất hiện ở xương đang trong giai đoạn phát triển. Đối tượng thường mắc là trẻ nhỏ và thanh thiếu niên. Bất kỳ xương nào trong cơ thể đều có thể bị ảnh hưởng, nhưng các vị trí hay gặp nhất là xương các chi, đặc biệt khu vực quanh khớp gối.

Cậu bé phải trải qua quá trình hóa trị liệu khắc nghiệt kéo dài suốt ba tháng nhằm thu nhỏ khối u và mở ra cơ hội thực hiện phẫu thuật. Sau đợt hóa trị, kích thước của khối u đã giảm 92%, đủ để tiến hành phẫu thuật.

Vào thời điểm đó, cha mẹ cậu bé phải đứng trước hai lựa chọn trong việc phẫu thuật chân cho Jonty. Một là, chân phải của cậu bé sẽ phải cắt cụt hoàn toàn từ đầu gối đến bàn chân. Hai là, thực hiện một phương pháp phẫu thuật chỉnh hình mới gọi là rotationplasty. Điều này đồng nghĩa với việc bàn chân và khớp cổ chân của Jonty vẫn được giữ lại và được sử dụng làm khớp đầu gối.

Cha của cậu bé, ông Wayne Oddy, 52 tuổi, đã quyết định lựa chọn phương án thứ hai, với hy vọng phương pháp rotationplasty có thể khiến cho khả năng vận động của Jonty sau này dễ dàng hơn so với việc cắt đi toàn bộ chân.

Hành trình chống lại căn bệnh ung thư xương của cậu bé người Australia

Jonty hiện nay đã có thể đi lại và sinh hoạt như nhiều đứa trẻ khác và đặc biệt cậu bé đã được chữa khỏi hoàn toàn bệnh ung thư. Ảnh: PA Real Life.

Theo phương pháp rotationplasty, phần cuối của xương đùi, đầu gối và phần lớn xương cẳng chân của Jonty sẽ bị cắt bỏ. Các bác sĩ sẽ gắn đoạn dưới bao gồm phần còn lại của xương cẳng chân, khớp cổ chân và bàn chân (quay ngược 180 độ) vào xương đùi.

Nói cách khác, bàn chân sẽ được nối vào đầu gối, nhưng xoay ngược 180 độ, khớp cổ chân sẽ đảm nhiệm chức năng tương tự như đầu gối. Chân của Jonty vẫn giữ đầy đủ chiều dài các mạch máu và được cuộn lại phía sau mắt cá chân.

Các chuyên gia khẳng định, phương pháp rotationplasty có thể làm giảm cảm giác đau do hiện tượng “chi ma” gây nên. “Chi ma” là một hiện tượng kỳ lạ thường xuất hiện ở những người bị mất tay, chân vì một lý do nào đó. Những người này sẽ có cảm giác đau nhức ở đúng vị trí mà tay hoặc chân đã bị mất đi.

Vào tháng 11/2011, Jonty đã trải qua 6 tiếng phẫu thuật tại Bệnh viện Nhi đồng Hoàng Gia, Brisbane, chỉ một tuần sau ngày sinh nhật lần thứ năm của mình.

Một tuần sau đó, cậu bé hoàn toàn khỏe mạnh và đã được xuất viện về nhà. “Lần đầu tiên nhìn thấy chân của Jonty, tôi thấy nó hơi lạ, nhưng hiện giờ mọi người đã quen rồi. Tất nhiên, chúng tôi rất muốn Jonty lành lặn như những đứa trẻ khác, nhưng cứu mạng sống của thằng bé mới là điều quan trọng nhất”, ông Wayne Oddy chia sẻ.

4 tháng sau khi xuất viện, chân của cậu bé đã hoàn toàn bình phục và có thể cử động dễ dàng. Cậu bé được Chính phủ Australia tài trợ riêng một chiếc chân giả để em dễ dàng hơn trong cuộc sống và sinh hoạt.

Hiện tại, Jonty có thể đi lại và sinh hoạt như nhiều đứa trẻ khác và đặc biệt cậu bé đã được chữa khỏi hoàn toàn bệnh ung thư.

Minh Hải
Nguồn: Zing

Chưa có bình luận.

Tin khác
Chúng tôi trên Facebook