Thứ Ba, 21/03/2017 | 19:25

Đột nhiên thay đổi giọng, lạc giọng hay mất tiếng cần phải đi khám nếu như uống thuốc không khỏi.

Đang có giọng nói trong vắt, ông An (Hòa Bình) đột nhiên thấy khản tiếng. Do thiếu kiến thức nên ông An và gia đình nghĩ do trời lạnh, ban đêm mặc không đủ ấm nên mới có hiện tượng này. Dù đã dùng các loại thuốc để giảm bớt đàm, khản tiếng nhưng ông An nhận thấy tình hình nghiêm trọng hơn.

Ban đầu chỉ là những lần mất tiếng với số lượng ít trong ngày. Tuy nhiên, về sau, các lần mất tiếng tăng lên. Khi bệnh trở nặng, ông còn nói mất hẳn tiếng nhất là sau khi ngủ dậy. Chỉ khi đến khi ông An nói không rõ nữa, mọi người chỉ nghe thấy tiếng rất bé, khào trong cổ họng mới đi khám.

“Bác sĩ ban đầu chỉ chẩn đoán là do viêm họng nhưng về sau phát hiện có khối u trong thanh quản. Tôi và gia đình sững sỡ. Trước đó, chỉ nghĩ bệnh đơn giản chứ không hề biết. Rất may là khối u lành nên chữa trị nhanh chóng. Tôi mất ăn mất ngủ mấy ngày liền vì sợ bị ung thư”, ông An cho hay.

Giọng nói đang trong vắt mà xuất hiện điều này phải thăm khám gấp kẻo hối hận cả đời

Hay như, bà Phương (Thanh Xuân, Hà Nội) đang bắt đầu những ngày xạ trị do khối u ở thanh quản. Bà Phương rất ít bị viêm họng, rất ít khi mất tiếng trừ khi đi ngoài trời lạnh quá lâu. Vài tháng trở lại đây, bà Phương bắt đầu thấy giọng đổi khác, nhiều khi nói kèm đàm. Bà cũng nghĩ là do thời tiết thay đổi. Vài tuần sau đó, bà Phương bắt đầu xuất hiện triệu chứng mệt mỏi. Theo lời bà Phương, những lần mệt mỏi kéo dài cả ngày, bà không làm được việc gì chỉ muốn nằm ngủ, nhưng ngủ hàng tiếng đồng hồ vẫn mệt.

Khi tôi đi khám, thì khối u bắt đầu tiết dịch và chảy máu. Bác sĩ chẩn đoán ung thư thanh quản. Tôi giật mình thật sự, cảm thấy hoang mang. Hiện tại, tôi phải xạ trị một thời gian rồi tiếp tục theo dõi”, bà Phương nói.

Cẩn trọng khi mất tiếng, khàn tiếng

Các bác sĩ chuyên khoa Tai – Mũi – Họng cho rằng, có nhiều nguyên nhân dẫn đến khan tiếng, mất tiếng. Trong đó, hiện nay, đáng lo ngại nhất là xuất hiện khối u ở vùng thanh quản.

Bác sĩ Việt Phương (Chuyên khoa Tai – Mũi – Họng) cho hay: “Hiện nay, môi trường bị ô nhiễm, việc hít phải khói bụi cũng có những tác động lên tai, mũi, họng đặc biệt là vùng họng. Hoặc những lần cảm cúm cũng có thể biểu hiện bằng việc mất tiếng, khàn tiếng. Có những người phải uống thuốc kháng sinh trừ đàm một thời gian mới hết hẳn. Tuy nhiên, những dấu hiệu này không có gì đáng lo ngại”.

Điều đáng nói là mất tiếng hay khản giọng có thể là biểu hiện ban đầu của bệnh ung thư thanh quản. Do đây là hiện tượng thường gặp và không có gì lạ nên dễ dẫn đến chủ quan. “Vì vậy, nhiều người thường để uống thuốc quá nhiều mà không khỏi mới bắt đầu đến khám bác sĩ hoặc xin tư vấn. Lúc đó, tiếng đã khản đặc, mất giọng và nói thều thào thì đã muộn. Khối u đã phát triển khá lớn, thậm chí xâm lấn ra xung quanh và di căn”, bác sĩ cảnh báo.

Ban đầu chỉ là những cơn mất tiếng nhẹ nhàng, tưởng như là khản giọng nên mọi người cố khạc mạnh để hết. Tuy nhiên, đó chỉ là một chút cải thiện, khi bệnh càng nặng thì biểu hiện mất giọng càng trầm trọng.

“Sau khàn giọng là biểu hiện tiếng nói không còn trong, khó nói, nói phát ra âm thanh nhỏ, rồi thều thào chỉ áp sát tai mới nghe được. Vì là sự phát triển của khối u nên uống các loại thuốc đều không có tác dụng. Vì vậy, khi có biểu hiện mất giọng, khàn giọng kéo dài từ 1-2 tuần trở lên, uống thuốc không được cần phải đi khám bác sĩ không nên để quá muộn. Bệnh trở nặng khi kèm theo đau, có dấu hiệu chảy máu hay chảy dịch”, bác sĩ Phương nhấn mạnh.

Với những bệnh nhân hút thuốc lá, uống rượu thì nguy cơ mắc ung thư thanh quản cao hơn. Do đó, để phòng mắc bệnh ung thư này cần phải chú ý lối sống, không nói quá to, giữ vùng cổ họng và sức khỏe thanh quản tốt nhất, tránh dùng rượu, thuốc lá.

Đông Phong

Nguồn: Emdep

Chưa có bình luận.

Tin khác
Chúng tôi trên Facebook