Thứ Bảy, 21/04/2018 | 12:11

Suy thận là căn bệnh nguy hiểm gây ra những biến chứng như nhồi máu cơ tim, sốc, loạn nhịp tim, phù phổi, hội chứng ure máu cao, nhiễm toan chuyển hóa, tăng kali trong máu….Tuy nhiên có một thực tế là tỷ lệ người bị suy thận tại Việt Nam đang gia tăng, đặc biệt là giới trẻ. Ngoài những nguyên nhân gây suy thận như chế độ ăn quá nhiều muối, đường, mỡ, uống nhiều bia rượu, ít ai ngờ thừa cân, béo phì là nguyên nhân hàng đầu gây bệnh thận.

BS CK2 Nguyễn Thúy Quỳnh Mai, Phó khoa nội thận – Miễn dịch ghép bệnh viện Nhân dân 115 TP.HCM lý giải béo phì là yếu tố gây hàng loạt bệnh gồm giảm tuổi thọ, tăng cholesterol máu, đái tháo đường, gout, suy tim, rung nhĩ, bệnh mạch vành, bệnh gan mật, viêm xương khớp…Đặc biệt khi cân nặng tăng thì thận phải hoạt động nhiều hơn. Do đó người thừa cân, béo phì có nguy cơ suy thận mãn tính giai đoạn cuối cao gấp 2-7 lần người bình thường.

Trong y học, béo phì thường gây ra một loạt các thay đổi bất thường trong thận dẫn đến bệnh thận mãn tính. Theo thời gian, chức năng thận có thể sẽ bị suy giảm đến mức cần phải chạy thận.

Theo phân tích, béo phì gây ra những thay đổi về áp lực lọc và áp lực máu tại thận, tổn thương tế bào có chân dẫn đến bệnh thận mãn tính, suy thận giai đoạn cuối. Đối với người mắc bệnh thận mãn tính chưa lọc máu, tình trạng thừa cân, béo phì cũng làm tăng tiến triển bệnh. Tăng nguy cơ bị đái tháo đường, tăng huyết áp, dẫn đến bệnh thận mãn tính, suy thận giai đoạn cuối. Khi đó, bệnh nhân phải chạy thận nhân tạo nếu không có điều kiện thay thận.

Các chuyên gia cho biết điều trị bệnh thận ở bệnh nhân béo phì đầu tiên là làm giảm trọng lượng từ đó có thể làm giảm protein niệu. Có thể dùng UCMC (thuốc ức chế men chuyển) để giảm protein niệu giúp trì hoãn sự tiến triển đến giai đoạn cuối. Qua đó ngăn chặn sự phát triển của xơ chai cầu thận.  Các chất hạ lipid có thể có hiệu quả trong việc làm giảm xơ cứng trung mô và giảm protein niệu.

BS Nguyễn Thúy Quỳnh Mai khuyến cáo “Hoàn toàn có thể phòng tránh bệnh thận mãn tính do béo phì” bằng việc giảm cân, kiểm soát BMI (chỉ số khối cơ thể). Để làm được việc này cần duy trì thói quen ngủ sớm, dậy sớm, không thức khuya, hạn chế uống cà phê, bỏ thuốc lá, rượu bia và đặc biệt là không được nhịn tiểu. Người có triệu chứng rõ rệt về bệnh thận cần đến bệnh viện được khám và điều trị kịp thời.

Để phòng ngừa béo phì, ngoài áp dụng phương pháp ăn uống, sinh hoạt khoa học, tập thể dục ít nhất 3 lần (30 phút) mỗi tuần, tăng cường vận động: đi bộ, chơi thể thao,  cần theo giõi thường xuyên công thức tính BMI. Công thức cụ thể của BMI = Cân nặng/(Chiều cao)².

Bảng phân loại thừa cân, béo phì ở người trưởng thành theo BMI của WHO và IDI&WPRO cho các nước châu Á, cụ thể là Việt Nam chỉ nên có BMI từ 18,5-22,9. Đối với các bạn nữ trẻ, chỉ số BMI tốt nhất là từ 18,5 – 20. Phụ nữ trung niên và người cao tuổi thì chỉ số BMI lý tưởng là 20 – 22. Vì vậy người dân nên bảo vệ sức khỏe và đặc biệt là thận của mình ngay từ ý thức bảo đảm cân nặng phù hợp với chiều cao của cơ thể.

Theo Vietnamnet.vn

Chưa có bình luận.

Tin khác
Chúng tôi trên Facebook