Thứ Sáu, 22/07/2016 | 19:57

Ăn uống khoa học kết hợp vận động, giúp phòng tránh tối đa nguy cơ mắc bệnh tim mạch.

Tại hội thảo “Dinh dưỡng đậu nành và sức khoẻ tim mạch” vừa diễn ra ở Hà Nội, Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Viết Tiến – Thứ Trưởng Bộ Y tế cho biết: “Nửa thế kỷ trước, các bệnh nhiễm khuẩn cướp đi sinh mạng của rất nhiều người thì thời gian gần đây, mô hình bệnh tật thay đổi rõ rệt. Các bệnh lý nguy hiểm, nan giải nhất, tạo gánh nặng cho kinh tế và xã hội chính là tim mạch, rối loạn chuyển hoá và ung thư. Trong đó, bệnh lý tim mạch, tăng huyết áp để lại những bàng hoàng cho con người và xã hội”.

Theo Giáo sư, Tiến sĩ Đỗ Doãn Lợi – Viện trưởng Viện Tim mạch, đối tượng mắc bệnh tim mạch ngày càng gia tăng và trẻ hóa, cứ 4 người từ 25 tuổi có 1 người có nguy cơ mắc bệnh tim mạch, đây là một thực trạng đáng báo động. Bệnh trước đây chỉ gặp ở những người ngoài 50 tuổi thì nay không hiếm trường hợp mắc phải khi mới đôi mươi. Nhiều bệnh nhân tử vong chỉ 25 tuổi, do không cấp cứu kịp thời cơn đột quỵ. Số bệnh nhân trẻ (dưới 40 tuổi) mắc bệnh tim mạch có xu hướng tăng lên.

Ở một khía cạnh khác, hội chứng rối loạn chuyển hóa được xem là nguyên nhân gây ra béo phì, tình trạng cao huyết áp, mỡ máu, đái tháo đường. Phó giáo sư, Tiến sĩ Lê Danh Tuyên – Viện trưởng Viện Dinh dưỡng Quốc gia cho biết, năm 2008, có đến 26% dân số Việt Nam thừa cân béo phì, trong đó khu vực thành thị chiếm tỷ lệ cao (40%) với bữa ăn ngày càng nhiều thịt và mức dư thừa cholesterol 44%.Lối sống công nghiệp hóa kéo theo nhiều thói quen xấu như thức ăn nhanh, rượu bia, lười vận động, béo phì, stress… là nguyên nhân gây nên tình trạng này.

Giáo sư Đỗ Doãn Lợi cho biết, mỗi người có thể giảm 95% nguy cơ mắc bệnh tim mạch nếu ăn uống lành mạnh kết hợp vận động thể lực 150 phút mỗi tuần, ngưng hút thuốc, giảm cân nặng, hạ cholesterol và huyết áp. Trong đó, dinh dưỡng có vai trò quan trọng, giúp giảm đến 45% nguy cơ mắc bệnh và kiềm chế các yếu tố khác.

Theo các chuyên gia, chế độ ăn hàng ngày nên ít đạm và chất béo động vật (chứa nhiều acid béo có hại và cholesterol gây bệnh tim mạch), ưu tiên chất xơ từ rau củ quả và đạm thực vật.

Giáo sư Craig Gundersen – Giám đốc điều hành Trung tâm Nghiên cứu Đậu nành Quốc gia Mỹ chia sẻ thêm, đạm đậu nành được Cục Quản lý Dược và Thực phẩm Mỹ (FDA) công nhận có tác dụng làm giảm cholesterol xấu, tăng cholesterol tốt và đưa ra khuyến cáo nên sử dụng 25g mỗi ngày. Có 38 nghiên cứu trong 29 bài báo khoa học trên thế giới chứng minh, lượng cholesterol toàn phần giảm đến 25% khi đưa đậu nành vào thực đơn, qua đó hạn chế nguy cơ mắc bệnh tim mạch.Đạm đậu nành (thành phần chính chiếm 34% trong hạt đậu nành) chứa 9 axit amin thiết yếu cho cơ thể, được đánh giá cao trong việc phòng ngừa bệnh tim mạch.

Các sản phẩm được chế biến từ đậu nành nguyên hạt như sữa đậu nành, có tác động hiệu quả đến sức khỏe tim mạch hơn các sản phẩm chiết xuất từ tinh chất khác. Giáo sư Gundersen cũng cho hay, theo khuyến nghị của FDA, 25g đạm đậu nành có thể quy thành 3-4 khẩu phần ăn mỗi ngày, mỗi khẩu phần tương đương 200ml sữa đậu nành.

Tại hội thảo, Tiến sĩ Chisato Nagata, Đại học Gifu (Nhật Bản) cũng phân tích tác động của đậu nành tới chuyển hóa lipid máu. Isoflavones trong đậu nành là chất chống oxy hóa, có khả năng làm tan các hạt mỡ máu, hạ huyết áp. Cách đây 40 năm, Nhật Bản là nước có tỷ lệ dân mắc bệnh tim mạch cao. Con số này giảm sau khi người dân tích cực đưa đậu nành vào các món ăn truyền thống như đậu phụ chiên, luộc, canh miso, natto, sữa uống… Ngoài ra, thực phẩm này còn hỗ trợ nam giới phòng ngừa ung thư tuyến tiền liệt, làm chậm quá trình tiền mãn kinh ở phụ nữ, giúp chắc xương cho người cao tuổi.

Yhocvn.net (Theo VnExpress)

Chưa có bình luận.

Tin khác
Chúng tôi trên Facebook