Thứ Hai, 28/08/2017 | 10:55

Những cơn đau khiến bệnh nhân ung thư sợ hãi và muốn từ giã cõi đời dù gia đình không hề muốn.

Ung thư là căn bệnh khá đặc biệt bởi bệnh nhân có thể phải chịu đau đớn cho tới chết mà vẫn tỉnh táo. Không ít những bệnh nhân ung thư vì quá đau đớn mà cầu xin bác sĩ và người nhà được chết.

Mỗi lần nhìn thấy bố bị ung thư gan giai đoạn cuối vật vã trong đau đớn, chị Hà Thị Thu (Vĩnh Phúc) cảm thấy xót xa.

Chị Thu chia sẻ, có thời điểm bố chị đau đớn tới mức vừa tiêm thuốc giảm đau liều mạnh mà vẫn đòi tiêm thêm. Trong cơn đau đớn vật lộn với tử thần, bố chị xin con cái được cho ông ra đi trong thanh thản. Phận làm con nhìn thấy bố đau đớn vật vã như vậy, chị Thu cảm thấy xót xa vô cùng. Chị Thu chỉ mong muốn có cách nào giảm bớt được đau đớn và kéo dài thời gian sống cho bố, để cụ có thể sống được quãng đời còn lại dù ngắn ngủi nhưng bình an.

Giải mã cơn đau quái ác của bệnh nhân ung thư giai đoạn cuối, tiêm thuốc giảm đau liều cao vẫn như không

Bệnh nhân ung thư đang điều trị tại bệnh viện Ung bướu Hà Nội.

Thạc sĩ, bác sĩ Thân Văn Thịnh, Bệnh viện Ung bướu Hà Nội cho hay, đau là vấn đề gặp ở hầu hết các bệnh nhân ung thư giai đoạn muộn. Bệnh nhân ung thư giai đoạn muộn xuất hiện các cơn đau do nhiều nguyên nhân gây ra.

Khối u của bệnh nhân có thể bị chèn ép vào mạch máu các tế bào lân cận, khối u chèn ép vào thần kinh gây ra những đau đớn không nhỏ cho bệnh nhân. Ở giai đoạn muộn các hạch vùng xung quanh có thể xâm lấn, bản thân các hạch đó chèn ép xâm lấn tại chỗ gây đau.

“Những bệnh nhân ung thư khi phát hiện ở giai đoạn muộn thường có di căn ở các cơ quan lân cận và di căn xa. Ví dụ, bệnh nhân có thể di căn xương, phổi, não, gan… thường rất phổ biến với người bị ung thư. Đây đều là những tạng quan trọng trong cơ thể vì vậy mà bệnh nhân cực kỳ đau đớn”, bác sĩ Thịnh nói.

Bác sĩ Thịnh cho biết thêm: “Đau xảy ra phổ biến đối với bệnh nhân ung thư nói chung và đặc biệt là bệnh nhân ung thư giai đoạn muộn nói riêng. Bệnh nhân ung thư trong lúc điều trị cũng rất đau đớn vì áp dụng phác đồ điều trị kích thích bạch cầu. Đau là vấn đề phổ biến và thường xuyên bệnh nhân ung thư gặp phải”.

Để giảm bớt tình trạng đau đớn cho bệnh nhân ung thư bệnh nhân nên đi khám tại các chuyên khoa cơ sở u bướu. Các bác sĩ chuyên khoa về giảm đau sẽ đánh giá tình trạng đau của bệnh nhân dựa vào mức độ của bệnh nhân sẽ có cách điều trị cho bệnh nhân.

Bệnh nhân có nhiều dạng đau

Mức độ đau của bệnh nhân được chia làm 3 mức độ, mức độ đau vừa, trung bình và nặng và tùy thuộc vào đặc điểm của loại ung thư để đưa ra cách giảm đau thích hợp cho bệnh nhân. 

Bác sĩ Thịnh khuyến cáo, bệnh nhân ung thư không nên tùy tiện điều trị giảm đau tại nhà. Đặc biệt là tự ý sử dụng thuốc giảm đau bằng moóc phin. vì có thể gây ra nghiện nếu lạm dụng sử dụng.

Hiện nay, có một số bệnh nhân ung thư bị đau nhưng sợ dùng chất nói trên có thể gây nghiện nên không biết cách gì để giảm đau. Bác sĩ Thịnh khẳng định: “Bệnh nhân ung thư nếu quá đau thì cần phải được dùng moóc phin dưới sự giám sát của bác sĩ. Bác sĩ sẽ cho liều dùng hợp lý, khi dùng một thời gian sẽ được không có nguy cơ nghiện. Tôi có bệnh nhân ung thư phổi đã dùng moóc phin 6 năm mà bệnh nhân không hề nghiện do tuân thủ theo đúng phác đồ, liều dùng của bác sĩ”.

Thuốc giảm đau moóc phin là loại thuốc được cho phép trong điều trị giảm đau cho bệnh nhân ung thư. Tuy nhiên, việc sử dụng moóc phin cần phải tuân thủ theo liều lượng, chỉ định của bác sĩ bệnh nhân sẽ được giám sát và dò liều thường xuyên.

Ngọc Minh

 

Nguồn: Emdep

Chưa có bình luận.

Tin khác
Chúng tôi trên Facebook