Thứ Tư, 17/02/2016 | 09:22

Thuốc chống ngạt mũi được dùng phổ biến để điều trị các bệnh tai – mũi – họng. Tuy nhiên việc dùng các loại thuốc chống ngạt mũi cũng phải cẩn trọng để tránh gặp tai biến.

Rất thông thường

Khi bị ngạt mũi rất ít người nghĩ tới chuyện đi khám bệnh ngay mà thường mua thuốc về nhỏ hoặc xịt mũi. Có ba lý do khiến người bệnh ngại đi khám: bệnh không nguy hiểm, dễ mua thuốc và cách dùng thuốc đơn giản.

Sở dĩ thuốc được ưa dùng trong cả bệnh viện và trong cộng đồng là do tác dụng của thuốc. Công dụng của thuốc đều dựa trên một nguyên lý chung là kích thích hệ vận mạch tại chỗ của mũi theo hướng hoạt hóa hệ giao cảm, tác dụng vào thụ cảm thể alpha của adrelanin. Khi gắn vào thụ cảm thể này sẽ gây ra hoạt tính như một adrenalin chính hiệu. Nghĩa là mạch máu bị co lại, thành mạch giảm tính thấm và chống thoát dịch khỏi mạch. Từ đó hiệu năng được thể hiện.

Mặc dù có nhiều tác nhân khác nhau gây ra viêm mũi như phấn hoa, virut, vi khuẩn, nấm mốc, chấn thương hay do lạnh thì đều gây ra hiện tượng là giãn mạch máu mạnh và thoát dịch. Dịch mũi mà chúng ta vẫn thấy thực chỉ là do nước trong lòng mạch thoát ra mà thôi. Làm co mạch lại và chống thoát mạch sẽ làm giảm sổ mũi và chống ngạt mũi.

Hiện nay có nhiều loại thuốc có thuộc tính chống ngạt mũi như ephedrin, naphazolin, oxymetazolin, pseudoephedrin, phenylephrin, levo-methamphetamin, phenylpropanolamin, tetrahydrozolin…Trong đó 3 loại thuốc đầu rất phổ biến tại nước ta, thường được bào chế dưới dạng lọ xịt hoặc lọ nhỏ mũi.

Và những biến cố

Mặc dù những chứng bệnh có ngạt mũi ít khi nguy hiểm tới tính mạng và việc dùng thuốc lại đơn giản nhưng thuốc lại không hề dễ tính với một số bệnh có chống chỉ định với những thuốc này.

Thứ nhất, đó là tác dụng phụ liên quan đến tác dụng chính. Vì thuốc ứng dụng điều trị được là do hoạt tính kích thích giao cảm của nó nên những người cần hạn chế hoạt tính giao cảm thực sự dùng là không tốt. Ví dụ như người bị tăng huyết áp, nếu dùng thuốc co mạch này nhiều lần trong một ngày sẽ gây ra hoạt tính cường giao cảm và làm huyết áp tăng lên.

Nếu như huyết áp đang cao thì nó hoàn toàn có thể kích thích tạo ra một cơn tăng huyết áp kịch phát, thậm chí gây ra đột quỵ não. Với những người có nhịp tim nhanh và/hoặc rối loạn nhịp tim không đồng đều, nếu dùng thuốc có hoạt tính cường giao cảm như thuốc chống ngạt mũi thì chỉ càng làm cho tim hưng phấn, nhịp tim càng nhanh, người càng hồi hộp và cơ thể thì càng mệt. Vì thế, những người bị cường giao cảm hoặc bị những bệnh gây ra cường giao cảm thì nên hạn chế thuốc này.

Biến cố thứ hai cũng liên quan tới tác dụng chính đó là tác dụng làm co mạch. Không giống mạch máu ở những chỗ khác, mạch máu của mũi rất nhạy cảm và rất dễ biến đổi. Nó dễ co vào và giãn ra như một chiếc điều hòa vạn năng, vì nó thực hiện nhiệm vụ làm ấm và làm ẩm luồng không khí hít vào.

Nếu chúng ta làm cho mạch máu co lại nhiều quá hoặc lâu quá thì niêm mạc mũi bị teo lại, khí thở khô và niêm mạc mất chức năng. Lúc này thì việc phục hồi lại niêm mạc sẽ khó khăn hơn rất nhiều. Bởi vậy, để an toàn không được dùng thuốc nhiều lần trong ngày và không dùng thuốc quá 5 ngày.

Theo BS Huyền Trang/Báo Sức Khỏe Đời Sống
Nguồn: Zing

Chưa có bình luận.

Tin khác
Chúng tôi trên Facebook