Thực tế là không chỉ việc chúng ta ăn cái gì, chế biến thực phẩm ra sao mà cả cách lưu trữ và đựng đồ ăn cũng là nguyên nhân gây bệnh cho con người, đặc biệt là căn bệnh ung thư quái ác. Để bảo vệ sức khỏe của mình, các chị em nội trợ hãy tránh những điều sau khi đựng thức ăn hoặc thực phẩm để phòng ngừa bệnh ung thư cho cả gia đình.
1. Đựng thực phẩm bằng túi nilon
Hầu hết các bà nội trợ hiện đại đều sử dụng túi nilon cho những đồ mua ở chợ. Từ những món hàng tươi sống như thịt, cá, tôm, rau, quả… cho tới những đồ ăn đã qua chế biến chín như nem, giò chả, bún, các loại bánh,…
Không ai phủ nhận sự tiện lợi của những chiếc túi vừa rẻ, gọn nhẹ, tiện lợi này nhưng thành phần của túi nilon chủ yếu làm bằng nhựa PE hoặc nhựa PP có nguồn gốc từ dầu mỏ. Các loại nhựa này tuy không độc nhưng các chất phụ gia làm mềm dẻo lại gây độc cho con người.
Nhiều loại túi các bà nội trợ thường hay mua được tái chế từ rác thải được tái chế xử lý rất thủ công, trong quá trình sản xuất được trộn các loại hóa chất làm tăng độ bền và dẻo của sản phẩm tiềm ẩn nhiều hóa chất độc hại.
Đặc biệt, những túi nilon có màu sắc xanh, đỏ, vàng dùng để đựng thực phẩm đã chế biến sẽ gây độc hại cho thực phẩm do chứa kim loại như chì, cadimi. Đây là những chất gây tác hại cho bộ não và là nguyên nhân chính gây ung thư.
Một số bà nội trợ còn có thói quen mua đồ đựng trong túi nilon rồi nhét ngay vào tủ lạnh dùng dần mà không chế biến. Họ không biết rằng các chất độc trong túi nilon có thể thôi nhiễm và ngấm vào thức ăn. Một số người khác lại dùng túi nilon để đựng các đồ nóng như bún, phở, xôi, nước chấm,… Ở nhiệt độ cao, hoặc tác dụng với chất xúc tác, sự thôi nhiễm và phát sinh các chất độc vào thức ăn là khó tránh khỏi. Với cường độ sử dụng túi nilon thường xuyên, việc chúng ảnh hưởng đến sức khỏe của bạn và gia đình chỉ là sớm hay muộn.
2. Đựng đồ ăn bằng hộp xốp
Với giá thành rẻ, hộp xốp là một lựa chọn nhiều tiện lợi cho cả người bán hàng và người mua. Chỉ cần đến bất cứ cửa hàng đồ ăn nào, bạn cũng có thể mua các món ăn được đựng bằng những chiếc hộp xốp. Từ cơm, phở, mỳ, các món xào, chiên, nướng,… nóng hôi hổi đều được đặt vào hộp xốp. Bạn có để ý, thi thoảng chiếc hộp bị nóng và còn bốc lên cả mùi của hóa chất?
Kỹ sư Vũ Tân Cảnh, Phòng Vật liệu Polyme và Compozit, Viện Khoa học Vật liệu (Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam) cho biết, về nguyên tắc, những vật dụng bằng nhựa chỉ dùng để đựng thức ăn nguội. Khi đựng đồ nóng, hàm lượng monostyren (một chất độc) trong loại nhựa này giải phóng ra càng nhiều gây tổn hại đến gan và nhiều bệnh khác. Không chỉ nhiệt độ cao, loại nhựa này khi gặp dầu mỡ, muối mặn, axít… sẽ gây độc tố hại cho con người.
Hàm lượng chất độc của một lần có thể thấp, nên bạn sẽ không thể thấy được ngay tác động, nhưng sử dụng trong thời gian dài thì chất độc sẽ tích lũy dần trong cơ thể và sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe, thậm chí dẫn đến ung thư…
3. Đồ nhựa dùng một lần
Phần lớn các loại cốc, bát đĩa nhựa dùng một lần đều được sản xuất từ loại nhựa gọi là Polystyrene (chất này viết tắt và thường gọi là PS). Đây là một loại nhựa khá rẻ tiền, có màu trắng, trọng lượng nhẹ, tính dẻo nên thường được sử dụng trong khâu đóng gói bao bì.
Báo cáo nghiên cứu của Chương trình độc chất học quốc gia của Mỹ cho biết, chất Polystyrene khi gặp nhiệt độ thấp hoặc nhiệt độ cao có thể giải phóng ra chất Styrene vô cùng độc hại.
Styrene là một chất gây ung thư, có thể phá hủy DNA trong cơ thể người, gây dị tật thai nhi, rối loạn hệ thần kinh (mệt mỏi, căng thẳng, mất ngủ), ảnh hưởng đến nồng độ máu (lượng tiểu cầu thấp, gây đột quỵ),…
Đặc biệt, chất Styrene là rất dễ xâm nhập vào cơ thể. Và dù nhiễm độc với nồng độ nhỏ cũng có thể để lại hậu quả xấu đối với sức khỏe.
Vậy bạn cần làm gì để bảo vệ sức khỏe cho gia đình?
Để tránh bị tích tụ và nhiễm độc từ các chất nguy hại trên, hãy lưu ý để dùng các loại đồ thay thế sau:
1. Dùng đồ sứ, thủy tinh
2. Phân biệt các loại hộp nhựa và tính năng sử dụng và chịu nhiệt của từng loại để đựng thức ăn cho phù hợp
Trên các hộp nhựa được sản xuất đúng quy trình và tiêu chuẩn sẽ có các ký hiệu đánh số từ 1 đến 7. Bạn chỉ cần lưu ý xem ở đáy hộp để biết mình nên dùng chúng trong trường hợp nào.
– Số 1: Loại nhựa chỉ nên sử dụng một lần vì nếu tái sử dụng sẽ tích tụ vi khuẩn và có khả năng thôi nhiễm chất gây hại.
– Số 2: Đây là loại nhựa khá an toàn. Mặc dù có màu đục, nhưng lại có thể được dùng để đựng sữa cho trẻ em, nước trái cây, thực phẩm,… vì khả năng tích tụ vi khuẩn thấp.
– Số 4 và 5: Cả hai loại này đều an toàn cho sức khỏe của con người vì ít có khả năng bị các chất độc hại trong nhựa thôi ra và nhiễm vào.
Các đồ nhựa có số 3, 6,7 bạn cố gắng sử dụng càng ít càng tốt vì những loại này có thể gây ảnh hưởng xấu tới sức khỏe con người, ảnh hưởng đến khả năng sinh sản, thậm chí có thể gây ung thư, đặc biệt là khi tiếp xúc với nhiệt độ cao.
3. Sử dụng các loại túi an toàn thay thế túi nilon
Túi giấy có quai: túi loại này có thể được sử dụng lại nhiều lần. Tuy nhiên, không thể dùng túi giấy để đựng hàng hóa ướt như thịt, cá, rau hay hàng quá nặng.
Túi nilon phân hủy sinh học từ vật liệu có nguồn gốc thực vật: đây là giải pháp thân thiện với môi trường nhất nhưng giá thành có thể cao gấp 2 – 5 lần túi nilon thông thường khiến việc sử dụng ít nhiều bị hạn chế.
Túi dệt từ sợi nilon sử dụng lại nhiều lần: là loại túi dễ dàng nhất khi sử dụng.
Trong trường hợp buộc phải dùng túi nilon để đựng thực phẩm tươi sống hàng ngày bằng, bạn có thể nhận diện cảm quan như sau: túi nilon tốt khi kéo sẽ giãn ra nhiều, vò không sột soạt, mùi thơm nhẹ như mùi kem nẻ vì có sử dụng dầu chống dính parapin.
Thu Trang (T.H)/ Theo VietNamNet
Nguồn: TTOnline
Chưa có bình luận.