Ở phía Nam, số người mắc bệnh liên cầu khuẩn lợn tuy không nhiều bằng phía Bắc nhưng đang có chiều hướng gia tăng
Lâu nay, không ít người xem tiết canh là món khoái khẩu nhưng lại quên rằng nó rất dễ nhiễm liên cầu khuẩn lợn, nguy cơ tử vong cao hoặc sẽ để lại di chứng nặng nề nếu bệnh nhân may mắn thoát khỏi tử thần.
Đồng Nai có ca đầu tiên
Mới đây, Bệnh viện (BV) Bệnh nhiệt đới TP HCM đã tiếp nhận cấp cứu một bệnh nhân ở tỉnh Đồng Nai bị nhiễm liên cầu khuẩn lợn sau khi ăn tiết canh.
Trước đó, ông N.V.T (ngụ huyện Tân Phú, tỉnh Đồng Nai) cùng bà con hàng xóm làm thịt heo ăn, trong đó có món tiết canh. Sau 9 ngày, ông T. bỗng phát bệnh và được đưa đến cấp cứu tại BV Đa khoa khu vực Định Quán (Đồng Nai) trong tình trạng nôn ói, tiêu chảy, đau đầu, sốt, mệt mỏi toàn thân, rối loạn tri giác.
Sau khi làm xét nghiệm chẩn đoán, các bác sĩ (BS) phát hiện ông bị nhiễm trùng máu nặng nên chuyển thẳng lên BV Bệnh nhiệt đới TP HCM để điều trị.
Tại đây, các bác sĩ BV Bệnh nhiệt đới xác định bệnh nhân bị viêm màng não mủ do nhiễm liên cầu khuẩn lợn Streptococcus suis – loại vi khuẩn gây bệnh cho cả heo và người. Qua nhiều tuần điều trị, sức khỏe ông T. đã hồi phục.
Theo BS Cao Trọng Ngưỡng, Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng Đồng Nai, đây là ca nhiễm liên cầu khuẩn lợn trên người đầu tiên ghi nhận tại địa phương này. Không may mắn như ông T., thời gian gần đây ở một số tỉnh – thành miền Bắc đã liên tục xảy ra nhiều trường hợp tử vong mà nguyên nhân được xác định là do ăn tiết canh heo bị nhiễm khuẩn liên cầu.
Người nhiễm liên cầu khuẩn lợn ngoài nguy cơ tử vong còn có thể bị điếc, bị mất chân tay…
Tại BV Bệnh nhiệt đới TP HCM, trung bình mỗi năm tiếp nhận khoảng 30-40 trường hợp nhiễm liên cầu khuẩn lợn. Riêng từ đầu năm đến nay, số người nhiễm bệnh được BV tiếp nhận điều trị là 10 trường hợp. Theo các BS, bệnh này thường khởi phát 10 ngày sau khi ăn tiết canh bị nhiễm khuẩn.
Đây là loại bệnh nhiễm khuẩn rất nguy hiểm, có thể gây tử vong bởi liên cầu khuẩn lợn gây nhiễm trùng huyết, viêm màng não mủ, suy đa phủ tạng. Thống kê của chương trình quản lý kháng sinh (AMS) của BV Bệnh nhiệt đới trung ương cho thấy gần 70% số ca viêm màng não mủ trong năm 2014 là do liên cầu khuẩn lợn gây ra.
Hãy cứu mình trước khi quá muộn!
Nhiều người vẫn quan niệm rằng ăn tiết canh động vật vừa ngon vừa bổ dưỡng lại có thể chữa bệnh. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, thực tế không như nhiều người nghĩ, thậm chí món ăn kiểu này còn gây ra tác dụng ngược, có nguy cơ nhiễm các bệnh chết người khác như cúm A/H5N1, tiêu chảy, tả lị…
TS-BS Nguyễn Hoan Phú, Khoa Nhiễm Việt – Anh BV Bệnh nhiệt đới TP HCM, cho biết bệnh liên cầu khuẩn lợn là do vi khuẩn ở heo xâm nhập cơ thể con người qua các vết thương, vết lở niêm mạc chân răng.
Loại vi khuẩn này thường trú sẵn trong cổ họng, đường tiêu hóa, đường hô hấp, bộ phận sinh dục heo. Khi mắc bệnh, hệ miễn dịch của nó suy giảm, loại vi khuẩn liên cầu này bộc phát mạnh và sẽ lây qua người tiếp xúc trực tiếp không an toàn như giết mổ, ăn uống chưa chín, nhất là ăn tiết canh…
Theo BS Hồ Đặng Trung Nghĩa, Bộ môn Nhiễm Trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch (TP HCM), người mắc bệnh liên cầu khuẩn lợn đa số ở độ tuổi 40-60, trong đó 80% là nam giới. Bệnh khởi phát cấp tính với các triệu chứng sốt cao, mệt mỏi, đau đầu, buồn nôn, đau bụng, tiêu chảy.
Trường hợp nhiễm trùng huyết sẽ gây hoại tử lan rộng ở mặt, ngực, chân, tay, hoại tử đầu chi… Tại miền Nam, nghiên cứu trên 100 bệnh nhân mắc bệnh thì 70% có ăn lòng heo, tiết canh.
Giới chuyên môn cho rằng bệnh nhiễm liên cầu khuẩn lợn nguy hiểm như vậy nhưng không phải vô phương cứu chữa nếu mọi người luôn có ý thức chủ động phòng ngừa trong việc ăn uống, sinh hoạt. “Món này dù ngon miệng, khó bỏ nhưng rất dễ gây bệnh khi ăn vào, nếu không tử vong cũng để lại di chứng thần kinh như mất trí nhớ, ngớ ngẩn, liệt người, mất chân tay. Tốt nhất hãy tự cứu mình bằng cách bỏ ngay thói quen ăn tiết canh trước khi quá muộn” – một chuyên gia cảnh báo.
Di chứng nặng nề
Theo BS Trung Nghĩa, 2 bệnh cảnh chính ở người bị nhiễm liên cầu khuẩn lợn là viêm màng não và nhiễm trùng huyết. Nếu bệnh không được phát hiện sớm và điều trị kịp thời thì người bệnh có thể tử vong. Nếu bệnh nhân thoát khỏi tình cảnh tồi tệ nhất thì vẫn không thể xóa đi một số di chứng nặng nề. Nghiên cứu cho thấy trong số các trường hợp hồi phục, có 60% bị giảm thính lực, 20% điếc hoàn toàn.
Chưa có bình luận.