Thứ Hai, 16/11/2015 | 02:58

Mẹ em năm nay 60 tuổi, thời gian gần đây mắt bị mờ. Nhiều người bảo có thể mẹ em bị đục thủy tinh thể. Xin bác sĩ tư vấn cụ thể căn bệnh này.

Lê Hà ( Điện Biên)

Có nhiều nguyên nhân gây ra đục thủy tinh thể, nhưng nguyên nhân do tuổi cao chiếm tới 99% và bắt đầu xuất hiện sau tuổi 65. Ngoài ra, còn nhiều nguyên nhân khác dẫn đến bệnh như: rối loạn chuyển hóa bẩm sinh và mắc phải, rối loạn dinh dưỡng, tiêu chảy mất nước, đái tháo đường, môi trường sống, chế độ dinh dưỡng, nghề nghiệp…

Khi mắc người bệnh thường có biểu hiện giảm thị lực – đây là triệu chứng quan trọng nhất của bệnh này. Thường người già nhìn mờ cả hai bên và ảnh hưởng đến việc nhìn xa và gần. Mức độ giảm thị lực cũng rất khác biệt, từ mức nhìn mọi vật ở tình trạng mờ đến mức chỉ còn nhận biết được ánh sáng. Đục thể thủy tinh làm tăng độ tụ nên nhiều người già dù bị bệnh đục thủy tinh thể nhưng vẫn đọc được sách mà không cần kính, có người có cảm giác nhìn một vật thành hai hoặc thấy nhiều vật cùng một lúc, nhìn phía trước như có làn sương mù… Tất cả những triệu chứng trên là do thể thủy tinh bị đục, làm tán xạ các tia sáng đi qua nó.

Cho đến nay, phương pháp điều trị có hiệu quả duy nhất vẫn là phẫu thuật để giúp cho người bị đục thủy tinh thể có thể nhìn rõ hơn, vết mổ rất nhỏ, thị lực phục hồi nhanh chóng, xuất viện trong ngày, tỷ lệ biến chứng ít.

Do đó, nếu nghi ngờ bị đục thủy tinh thể cần đi khám để được xác định mức độ giảm thị lực để được can thiệp đặt thủy tinh thể nhân tạo (thông thường thị lực còn khoảng 3/10 sẽ được chỉ định phẫu thuật), sau khi làm các xét nghiệm và thăm khám các bệnh nội khoa.

Bác sĩ Mỹ Phượng

Nguồn: SKĐS

Chưa có bình luận.

Tin khác
Chúng tôi trên Facebook