Thứ Ba, 01/09/2015 | 14:30

Dinh dưỡng lành mạnh là chủ để của “Ngày Quyền của người tiêu dùng thế giới” (WCRD) 2015 do Quốc tế người tiêu dùng (CI) bình chọn. Nhân ngày này, PV báo Người tiêu dùng đã có cuộc trò chuyện với Bác sĩ (Bs) Nguyễn Văn Tiến, Trung tâm Giáo dục Truyền thông dinh dưỡng – Viện Dinh dưỡng để giúp độc giả hiểu rõ hơn về chế độ dinh dưỡng lành mạnh.

Dinh dưỡng chiếm một vai trò quan trọng trong việc hình thành, phát triển cơ thể và giữ gìn sức khỏe của con người. Ở mỗi thời kỳ phát triển của một đời người, nhu cầu về dinh dưỡng hoàn toàn khác nhau, tuy nhiên việc đáp ứng nhu cầu ấy một cách hợp lý lại luôn luôn là vấn đề đáng chú ý, vì đó là nền tảng của sức khỏe.

Bữa ăn đầy đủ chất dinh dưỡng là thực phẩm của bữa ăn cung cấp đầy đủ năng lượng, đủ chất đạm, chất béo, chất khoáng, vitamin và đủ nước cho cơ thể. Trong khẩu phần ăn có các chất sinh năng lượng là chất bột, đạm, béo, rau xanh và hoa quả chín cung cấp vitamin và chất xơ. Nhu cầu năng lượng và các chất dinh dưỡng thay đổi theo tuổi, giới và tình trạng sinh lý.

Bữa ăn cân đối là bữa ăn trong đó các chất dinh dưỡng cân đối hợp lý. Khẩu phần năng lượng từ chất bột chiếm 68%, chất đạm là 14%, chất béo là 18%.

Muốn đảm bảo một bữa ăn đủ chất dinh dưỡng và cân đối, chúng ta cần thực hiện đa dạng hóa bữa ăn, sử dụng nhiều loại thực phẩm khác nhau. Phối hợp thực phẩm nguồn gốc động vật và thực vật, ví dụ không chỉ ăn thịt, cá, mà còn ăn đậu phụ, vừng lạc, rau và hoa quả.

Vậy dinh dưỡng lành mạnh là dinh dưỡng đầy đủ, cân đối, hợp lý và đảm bảo chất lượng và vệ sinh an toàn thực phẩm. Thức ăn, đồ uống phải đảm bảo an toàn cho sức khỏe người tiêu dùng, không trở thành nguồn gây bệnh. Như các cụ ta đã có câu “Bệnh từ miệng vào, họa từ miệng ra”.

Nói về vệ sinh an toàn thực phẩm hiện nay, chúng ta cứ nhắc đến thực phẩm sạch và thực phẩm bẩn. Vậy thế nào là thực phẩm bẩn, thế nào là thực phẩm sạch? theo tôi chỉ có 2 loại thực phẩm là: thực phẩm an toàn và thực phẩm không an toàn với người tiêu dùng.

Để có nguồn thực phẩm an toàn cho người tiêu dùng liên quan rất nhiều khâu trong chuỗi cung cấp thực phẩm: Nuôi/trồng, thu hoạch/giết mổ, chế biến, vận chuyển, lưu thông đặc biệt là chuỗi này phải tuân đúng quy trình sạch (GAP, GMP..) và điểm mấu chốt cuối cùng phụ thuộc hoàn toàn vào kiến thức và kỹ năng về lựa chọn, chế biến, bảo quản thực phẩm của người tiêu dùng.

Về lựa chọn thực phẩm thì mỗi loại thực phẩm, người tiêu dùng có cách lựa chọn khác nhau. Bên cạnh đó, người tiêu dùng cũng nên lưu ý tới cách chế biến để hạn chế nguy cơ mất an toàn thực phẩm: rửa rau dưới vòi nước sạch giúp tẩy rửa hóa chất tồn dư trong thực phẩm, loại bỏ được giun sán, hóa chất trừ sâu sẽ bay hơi khi đun nấu thức ăn. Trong khi chế biến thực phẩm có mùi vị bất thường thì không nên ăn. Cuối cùng, nên bảo quản thực phẩm đúng cách ngăn ngừa vi khuẩn lây chéo từ thức ăn sống sang thức ăn chín.

Tóm lại: người tiêu dùng khi chọn lựa thực phẩm an toàn có thể phân biệt bằng thị giác (màu sắc tự nhiên của thực phẩm), khứu giác (mùi, vị đặc trưng của từng loại thực phẩm). Người nội trợ phải thực hiện đồng bộ 10 lời khuyên trong ăn uống và chế biến thức ăn đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm ngay tay gia đình, chủ động đề phòng ngộ độc.

Ăn uống là hình thức thể hiện nét văn hóa, trước kia mọi người cần phẩn đấu để được ăn no, mặc ấm; thì ngày nay người ta phấn đấu để ăn ngon, mặc đẹp. Trong khi đó một bộ phận giới trẻ hiện nay, những người có tri thức có ít thời gian và ăn nhanh, uống nhanh đã và đang phát triển mạnh mẽ. Chính vì thế các quán ăn nhanh, quán cà phê và ăn trưa văn phòng ngày càng phát triển để đáp ứng thị yếu người tiêu dùng. Bữa ăn nhanh để giới trẻ vừa ăn, vừa làm việc, trao đổi,…chính vì vậy, người ta coi bữa ăn “đại khái, qua loa”. Bữa ăn nhanh thường không đáp ứng đủ nhu cầu về dinh dưỡng, bữa ăn không cân đối về khẩu phần nếu kéo dài và thường xuyên sẽ ảnh hưởng không tốt tới sức khỏe, có thể dẫn tới các bệnh rối loạn chuyển hóa như tăng mỡ máu, cao huyết,..Bữa ăn nhanh thường quá nhiều chất đạm, nhiều mỡ, ít tinh bột, ít vitamin và khoáng chất.

Hiện nay mô hình bệnh tật của người dân Việt nam đang chuyển tiếp từ các bệnh lây nhiễm sang các bệnh không lây nhiễm với tỷ lệ 75% tử vong ở Việt nam do các bệnh không lây nhiễm, trong đó đứng đầu là các bệnh tim mạch, đái tháo đường, ung thư, loãng xương, gout…Tỷ lệ tăng huyết áp cao gấp 2 lần sau 13 năm từ 11,2% (1992) lên 20,7% (năm 2005).

Từ năm 2000 đến năm 2005, tỷ lệ người thừa cân và béo phì đã tăng gấp 2 lần ở người trưởng thành (từ 3,5% lên 6,6%). Tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi bị thừa cân béo phì tăng gấp 9 lần sau 10 năm (2000-2010) và năm 2013 tỷ lệ này đã ở mức 6,3%. Tỷ lệ đái tháo đường tăng gấp 2 lần sau 10 năm từ 2,7% (2002) lên 5,7% (2012). Có nhiều nguyên nhân dẫn đến gia tăng các bệnh mạn tính không lây trong đó chế độ dinh dưỡng không hợp lý và lối sống là quan trọng hơn cả. Thực hiện ăn uống lành mạnh, lối sống năng động giảm rủi ro bệnh tật.

Hạnh phúc nhất của những bậc phụ huynh là mong muốn con mình mạnh khỏe, thông minh, có thân hình cao lớn. Tôi có chiều cao 1,68 và cân nặng 60 kg, chiều cao của tôi thấp hơn 2 đứa con, khi sinh các cháu đều có cân nặng gần 3kg trong lúc điều kiện kinh tế còn khó khăn vì mới tốt nghiệp đại học. 2 cháu được sinh ra đều phải can thiệp bằng mổ đẻ, nhưng các cháu đều được nuôi hoàn toàn bằng sữa mẹ và chỉ cai sữa khi cháu tròn 18 tháng tuổi. Cả hai cháu đều không dùng sữa ngoài (sữa bột) để ăn thêm.

Việc nuôi dưỡng các cháu được ưu tiên hơn trong điều kiện khó khăn. Từ khi đến tháng ăn bổ sung đến sau này ăn cùng với gia đình bữa ăn mỗi bữa ăn của cháu gồm 4 nhóm thực phẩm: nhóm glu xít, Lipid, Protein, vitamin và khoáng chất. Về sau này các cháu được ăn phù hợp với nhu cầu của lứa tuổi, muốn vậy chúng ta cần nắm được các nguyên tắc vàng sau:

  • Xác định được nhu cầu về năng lượng cho cơ thể với những đặc điểm riêng (cân nặng, chiều cao, độ tuổi) mà lại không bị thừa hoặc thiếu dẫn đến lên hoặc sút cân.
  • Phân bố năng lượng giữa các bữa ăn hợp lý theo nhu cầu:3-4 bữa ăn/ngày.
  • Lựa chọn và chế biến thực phẩm hợp lý phù hợp với lứa tuổi:chế độ ăn cân đối đảm bảo đủ năng lượng và các vitamin và khoáng chất.

Một khẩu phần ăn có giá trị dinh dưỡng cao và giúp tăng cường sức khỏe chỉ khi trong thành phần có đủ mặt các nhóm ở tỷ lệ thích hợp. Đó là nguyên tắc cơ bản của dinh dưỡng hợp lý.

Mong rằng với những kiến thức trình bày ở trên, mỗi người tiêu dùng chúng ta sẽ rút ra được những kiến thức bổ ích trong việc thực hiện dinh dưỡng lành mạnh để nâng cao sức khỏe của bản thân và gia đình.

BS. Nguyễn Văn Tiến – Viện Dinh dưỡng

Chưa có bình luận.

Tin khác
Chúng tôi trên Facebook